Di dân và áp lực trường lớp

Di dân và áp lực trường lớp

(GD&TĐ) - Sức hút nhân lực của đô thị và các khu công nghiệp (KCN) đã kéo theo tình trạng di dân cơ học tăng nhanh những năm gần đây. Hệ quả là vấn đề an sinh xã hội, trong đó đặc biệt liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu học tập của con em di dân, trở thành một áp lực lớn cho các địa phương.

Chuyện ở các khu công nghiệp của ĐBSCL

Tại ĐBSCL, nhiều KCN mới hình thành kéo tốc độ di dân cơ học khá cao, ước dân số di dân cao gấp 2-3 lần tổng dân số của xã - phường. Vì thế, bên cạnh niềm vui được tăng thu ngân sách, nhiều địa phương méo mặt vì lo trường lớp cho con em lao động.

Một lớp tiểu học ở TP.HCM
Một lớp tiểu học ở TP.HCM

Quận Bình Thủy là trung tâm sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ hiện nay. Khu công nghiệp Trà Nóc 1 diện tích 135 ha, có 28.000 lao động, đóng góp ngân sách cho TP Cần Thơ trên 1.000 tỉ đồng/năm. Quận được thành lập năm 2004, lấy 2 phường An Thới và Bình Thủy của TP Cần Thơ cũ và một số xã vùng ven thành lập 6 đơn vị hành chính cấp phường. Thời ấy, quận Bình Thủy chỉ có 3 trường MN: Trà Nóc, Thới Nông và Long Hòa. Từ đó đến nay xây dựng thêm trường MN Phong Lan, sửa chữa và nâng cấp trường MN Hoa Hồng, Bình Thủy, Thới An Đông. Trường MN Sơn Ca cũng mới vừa xây dựng xong. Năm vừa qua, Bình Thủy thành lập 2 phường mới là Trà An và Bùi Hữu Nghĩa, nhưng đến nay hai phường này vẫn chưa có trường MN công lập. Nhu cầu trường lớp MN cho dân cư trong các phường còn bức xúc, chưa nói đến 28.000 công nhân trong khu công nghiệp có nhu cầu gởi trẻ. Để đáp ứng nhu cầu đó, trên địa bàn quận Bình Thủy có 5 trường MN tư thục và 33 nhóm trẻ độc lập. Trong tổng số trẻ học hệ MN là 4.833 cháu thì các trường ngoài công lập và các điểm giữ trẻ có trên 3.200 cháu, chiếm trên 60%. Ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT Bình Thủy cho biết: “Cái khó nhất của quận là qui mô trường MN công lập trước đây quá nhỏ, không thể mở rộng, lại chia tách phường nhiều lần, làn sóng di dân cơ học đến KCN quá nhanh khiến cho trường lớp hệ MN quá tải. Hiện tại, có thể nói cả hệ thống GDMN công lập và tư thục đã đáp ứng đủ nhu cầu gởi trẻ, cũng như phổ cập MN 5 tuổi. Nhưng không biết bao giờ đạt chuẩn, bởi phòng ốc còn chật hẹp, sân chơi thiếu thốn”.

Tương tự, KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long thành lập 10 năm nay, trên địa bàn 3 xã: Hòa phú, Lộc Hòa và Phú Quới, huyện Long Hồ, cách trung tâm tỉnh lỵ 10 km. Ở đây có 16 doanh nghiệp lớn đầu tư với số vốn 130 triệu USD và 500 tỉ đồng, thu hút 30.000 lao động. Chỉ riêng doanh nghiệp may mặc giày da Tỉ Xuân và Công ty Mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Long đã có trên 20.000 lao động. Đặc điểm lao động ở đây đa số là nữ, có trình độ phổ thông cộng qua học nghề 3 tháng, thu nhập thấp. Làn sóng di dân cơ học này đa phần đang ở độ tuổi sinh sản, có nhu cầu gởi trẻ rất cao. Theo thông tin từ Phòng GDMN Sở GD&ĐT Vĩnh Long, trên địa bàn KCN Hòa Phú, 3 xã đều có trường MN, đủ đáp ứng nhu cầu dân cư trong xã. Các trường đều cách KCN hơn 2 km. Không có trường MN cho con em công nhân. Có 2 nhóm trẻ tư nhân ở 2 xã Phú Quới và Lộc Hòa, qui mô từ 10 đến 20 cháu, chủ yếu giữ trẻ cho công nhân. Theo một điều tra của Phòng GDMN - Sở GD Vĩnh Long, khi điều tra trẻ độ tuổi MN để phổ cập, ở xã Phú Quới phải tăng thêm 3.000 phiếu điều tra. Điều đó chứng tỏ, ở xã này có 3.000 hộ thuê nhà có nhu cầu gởi trẻ, hoặc sắp có nhu cầu. Theo tính toán ban đầu, số hộ như vậy ở quanh KCN không dưới 8.000 hộ. Thực tế qui hoạch trường lớp hiện nay theo số dân trong hộ khẩu ở các xã chứ chưa tính đến số dân tạm trú, hay nói cách khác là di dân cơ học. Theo chủ trương của tỉnh, năm 2015, KCN này sẽ hình thành đô thị loại 5, tức là một thị trấn lớn. Nhưng về qui hoạch trường lớp chưa có.

Một nhóm trẻ gia đình ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ
Một nhóm trẻ gia đình ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Di dân vào TP Hồ Chí Minh = quá tải vào lớp 1

Di dân đến các quận huyện vùng ven TP.HCM đã tạo áp lực rất lớn cho giáo dục, đặc biệt ở bậc tiểu học. Năm nay, theo khảo sát, riêng quận Bình Tân, Gò Vấp đã gia tăng hơn 3.000 trẻ so với năm ngoái. Bà Đỗ Thị Hoa, Phó phòng GD quận Gò Vấp cho biết: Quận Gò Vấp vài năm trở lại đây luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải trường lớp các khối đầu cấp trước mỗi năm học do tình trạng di dân. Dù rất cố gắng triển khai cải tạo, mở rộng trường lớp hết mức có thể, nhưng việc đó chẳng khác nào “muối bỏ bể” khi số phòng học mới không thể bù đắp cho sự gia tăng số trẻ đến trường. Năm học tới, quận Gò Vấp dự kiến có hơn 10.000 trẻ vào lớp 1 (tăng trên 3.000 cháu) so với năm ngoái. Trong khi đó, số học sinh lớp 5 ra trường chỉ hơn 6.000. Việc dôi dư hơn 3.000 trẻ nếu như chúng tôi có được 1- 2 ngôi trường TH mới thì cũng không đáng ngại, đằng này năm học tới không có trường TH mới nào. Vì thế, qua tính toán, phân bổ sĩ số trung bình của cơ số lớp hiện có trên tổng số 10.000 trẻ, mỗi lớp học của chúng tôi có thể phải “cõng” 55 em/lớp.

Tương tự quận Gò Vấp, quận Tân Phú, Bình Tân và Tân Bình nhiều năm nay cũng phải thường trực đối mặt với sự quá tải. Theo thống kê bước đầu của Q.Tân Bình, năm nay số trẻ lớp 1 sẽ tăng khoảng 1.176 em. Cả quận mới có một trường TH xây mới được đưa vào sử dụng với cơ số học sinh trên 1.000 em nên xét về quỹ số lớp tăng thêm coi như không có sự thay đổi. Ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng giáo dục quận Bình Tân thì cho biết: Đến thời điểm này, qua điều tra, thống kê sơ bộ số lượng trẻ 6 tuổi của quận đã vào khoảng 10.000, tăng hơn 3.000 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng số học sinh lớp 5 ra trường chỉ khoảng 4.600. Tức là trước mắt chúng tôi phải tính toán làm sao để cho hơn 5.000 học sinh còn lại có chỗ học. Trường TH xây mới thì chỉ có một cái sắp hoàn thành, số phòng cải tạo, cơi nới tại các trường cũ gần như là đã tận dụng hết, nên chắc chắn sĩ số học sinh TH trên/lớp năm nay sẽ tăng mạnh. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD quận Tân Phú cũng cho biết, số trẻ gia tăng năm nay của quận cũng trên 1.200 em. Đó là chưa thể tính con số trẻ ở tỉnh khác theo cha mẹ về TP học (thường thì cao điểm vào tháng 5, tháng 6). Lúc đó, chắc chắn con số này còn biến động mạnh.

Giải pháp đang là tình thế

Tăng cường xã hội hóa giáo dục, tăng sĩ số lớp hiện hữu, giảm số lớp bán trú tại các trường, đồng thời giảm học 2 buổi... là những biện pháp mà ngành GD các địa phương đã và đang áp dụng. Tuy nhiên, xem ra, đó vẫn là những giải pháp tình thế. Ở quận Bình Thủy, Cần Thơ, các trường ngoài công lập là hướng đi trong tháo gỡ khó khăn cho GDMN. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Ở Tân Phú (TP.HCM), ông Tạ Tân (Trưởng phòng GD&ĐT) tính toán: Với số học sinh tăng thêm trên 1.200 thì với những lớp đang có sĩ số 35 em/lớp, chúng tôi sẽ điều chỉnh lên thành 42-44 em/lớp. Đồng thời chúng tôi sẽ cắt giảm tỉ lệ học sinh bán trú ở tất cả các trường. Tuy nhiên, việc giảm tỉ lệ trẻ học 2 buổi/ngày, xóa bán trú sẽ gây khó cho rất nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con. Ngoài ra, tình trạng quá tải không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, đặc biệt là trong giai đoạn thí điểm dạy tiếng Anh, mà còn ảnh hưởng đến việc phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Về lâu dài, cần phải qui hoạch trường lớp ngay khi qui hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp có sử dụng lao động phổ thông cao. Nếu không, địa phương và ngành giáo dục sẽ hụt hơi vì chạy theo di dân cơ học. 

Qui định hiện nay về xây dựng trường MN phải đảm bảo không ô nhiễm khí độc hại, tiếng ồn… vì thế trường không thể xây dựng trong khuôn viên khu công nghiệp. Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng hiện nay có một số khu công nghiệp sử dụng ít máy móc, chủ yếu lao động chân tay, không có tiếng ồn, không có khí độc hại, đông lao động nữ, (cụ thể may mặc, đan hàng thủ công xuất khẩu), ở đó doanh nghiệp sẵn sàng dành hàng ngàn mét vuông xây dựng trường MN cho lao động nữ an tâm, thì vướng qui định. Ở Trà Nóc có một doanh nghiệp đề xuất như vậy và ở KCN Hòa Phú cũng có DN sẵn sàng chung tay cho GDMN

Tấn Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.