Theo tờ Independent của Anh, các nhà phân tích cho rằng không nên mong chờ quá nhiều vào thượng đỉnh và rằng việc định hình lại mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ mất hàng thập kỷ. Tuy nhiên vẫn có chỗ để lạc quan về sự tiến triển khiêm tốn nào đó.
Giám đốc điều hành của Hiệp hội kiểm soát vũ khí Daryl Kimball nói rằng ông hy vọng nhiều hơn ở thượng đỉnh này so với thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore.
Theo dự đoán của ông Daryl Kimball, một kết quả mà thượng đỉnh lần này có thể đạt được là chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên mà Bình Nhưỡng đã kêu gọi từ lâu và coi đây như một bước tiến lớn hướng tới bình thường hóa các mối quan hệ.
Đổi lại, Mỹ cũng đồng ý mở các văn phòng liên lạc Mỹ - Triều và cho phép một số dự án liên Triều nếu Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa – Reuters dự đoán.
Ông Yun Sun – một chuyên gia khu vực và là đồng giám đốc chương trình Đông Á của Trung tâm Stimson có trụ sở ở Mỹ - nói rằng một kết quả có lợi cho hai bên sẽ bao gồm việc thống nhất một lộ trình xác định các bước tiếp theo. “Nếu Triều Tiên cho phép cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA thanh sát, đó sẽ là một bước đi có ý nghĩa” – ông Sun nói.
Hãng tin BBC cho rằng việc mong chờ có được một kết quả rõ ràng từ thượng đỉnh Mỹ Triều thứ hai giữa Chủ tịch Kim và TT Trump không cao lắm, mặc dù TT Trump đã hạ thấp yêu cầu khi nói rằng không vội yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Thứ nhất, ý nghĩa của việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” đối với hai bên là gì? Cả TT Trump và Chủ tịch Kim đều đã ký một thỏa thuận hứa phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng đã có sự đình trệ kéo dài 7 tháng trong các cuộc đàm phán vì không bên nào có thể thống nhất về những từ bỏ của hai bên và thời gian thực hiện việc này.
Các quan chức Mỹ nói rằng họ muốn thúc đẩy mọi việc về phía trước, ví dụ như TT Trump thuyết phục Chủ tịch Kim dừng chế tạo vũ khí hạt nhân hay thậm chí giới hạn số lượng vũ khí mà họ có thể sản xuất. Tuy nhiên dường như việc này không có trên bàn đàm phán.
Nói trên trang CNBC, nhà phân tích Anwita Basu của Đơn vị tình báo Kinh tế (EIU) nói rằng EIU hy vọng TT Trump sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt với Triều Tiên để đổi lấy một kế hoạch từ bỏ vũ khí hạt nhân rõ ràng của Bình Nhưỡng.
Theo Viện nghiên cứu Lowy ở Australia, các mối quan hệ kinh tế “hiệu quả hơn rất nhiều” so với các lệnh trừng phạt trong việc giải quyết các xung đột.
“Một Triều Tiên thịnh vượng hơn sẽ là một viễn cảnh tuyệt vời cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Và dĩ nhiên, việc đàm phán với ai đó không có gì để mất sẽ khó khăn hơn” – báo cáo của Lowy cho biết.
Trong khi đó, nói tại một cuộc thảo luận ở Washington, Mỹ, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc Victor Cha, ông Kim có thể “không thực sự từ bỏ cái gì cả”, trong khi đó vẫn đưa ra “những yêu cầu rõ ràng để Mỹ nhượng bộ nhiều thứ ở hiện tại” như các cuộc tập trận quân sự, việc triển khai quân ở Hàn Quốc và các lệnh trừng phạt.