4 bước chính trong hoạt động phi hạt nhân hóa của Triều Tiên

GD&TĐ - Việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, nếu được thống nhất, sẽ bao gồm 4 bước chính, bao gồm một tuyên bố về kho vũ khí hạt nhân – các chuyên gia cho biết khi TT Trump và Chủ tịch Kim đã bắt đầu thượng đỉnh 2 ngày tại Hà Nội vào hôm nay (27/2)  

Ảnh vệ tinh chụp khu liên hợp hạt nhân chủ lực ở Yonbyon, cách Bình Nhưỡng 90km về phía bắc
Ảnh vệ tinh chụp khu liên hợp hạt nhân chủ lực ở Yonbyon, cách Bình Nhưỡng 90km về phía bắc

Tại thượng đỉnh ở Hà Nội, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tập trung vào việc làm rõ thỏa thuận “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trên bán đảo Triều Tiên vốn mơ hồ mà họ đã ký tại Singapore tháng 6 năm ngoái.

Một tiến trình phi hạt nhân hóa tiêu chuẩn bắt đầu bằng việc đóng cửa các cơ sở hạt nhân trong đó có các lò phản ứng và các nhà máy tái chế nhiên liệu.

Bước đầu tiên đòi hỏi các biện pháp đóng cửa tạm thời các cơ sở hạt nhân, niêm phong chúng và lắp đặt thiết bị giám sát để ngăn chặn bất kỳ sự tiếp cận không được phép nào, hoặc đóng băng tất cả các hoạt động hạt nhân.

Sau đó là bước thứ hai: Khai báo và xác minh. Ở giai đoạn này, Bình Nhưỡng sẽ được yêu cầu khai báo đầy đủ các cơ sở hạt nhân, nhiên liệu, vũ khí và các thiết bị khác của mình. Tiếp đó là các thủ tục xác minh “tính đúng đắn và đầy đủ” của khai báo kiểm kê hạt nhân.

Bước thứ 3 là phá hủy. Bước này đòi hỏi tách riêng một số thành phần của các cơ sở hạt nhân chính và đặt chúng ở những địa điểm khác hoặc phá hủy chúng trong khi vẫn giữ nguyên tổng thể bên ngoài để đảm bảo chúng không thể hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định.

Đây thường là một bước đi tạm thời trước khi các cơ sở hạt nhân bị phá hủy hoàn toàn.

Bước cuối cùng là tháo dỡ. Bước này bao gồm một loạt các thủ tục để dừng hoạt động, khử nhiễm và loại bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân, nhiên liệu, thiết bị và các vật dụng liên quan khác đã khai báo.

Sau giai đoạn phá hủy, Triều Tiên có thể ngừng hoạt động các cơ sở hạt nhân như các nhà máy tái chế và sản xuất nhiên liệu hạt nhân ngay lập tức nếu quá trình này không gây ra bất kỳ rủi ro nào về ô nhiễm phóng xạ.

Nếu có rủi ro về ô nhiễm, người ta có thể đợi cho tới khi lượng phóng xạ giảm xuống mức an toàn.

Theo một thỏa thuận năm 1994 giữa Washington và Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã có những bước đi nhằm đóng băng lò phản ứng 5-megawatt và cơ sở tái xử lý của mình tại khu liên hợp hạt nhân chính Yongbyon. Tuy nhiên, họ chưa có các bước đi bổ sung khi thỏa thuận trên sụp đổ năm 2002 sau những tiết lộ rằng nó có chương trình làm giàu uranium bí mật.

Tại thượng đỉnh ở Hà Nội, Triều Tiên có thể đồng ý dỡ bỏ khu liên hợp hạt nhân chủ lực ở Yonbyon, nơi hiện đang có khoảng 400 tòa nhà. Khu liên hợp này có một lò phản ứng 5-megawatt, các cơ sở tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng và các tòa nhà nghiên cứu, làm giàu uranium cùng các tòa nhà khác.

Trong thượng đỉnh thứ 3 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Kim đã đồng ý tạm thời dỡ bỏ khu liên hợp trên nếu Mỹ có những biện pháp tương ứng, có thể bao gồm nới lỏng lệnh trừng phạt và đảm bảo an ninh.

Các chuyên gia nói rằng việc dỡ bỏ Yongbyon có tác dụng ngăn chặn Triều Tiên sản xuất thêm vật liệu phân hạch và sẽ đánh dấu một bước đi ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, những người hoài nghi lại nói rằng việc loại bỏ khu phức hợp có độ tuổi hàng thập kỷ này sẽ không xóa bỏ được mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên.

Bình Nhưỡng được cho là sở hữu khoảng 50kg plutonium cấp độ vũ khí sau khi tái xử lý các thanh nhiên liệu ít nhất 4 lần từ năm 2002. Để tạo một quả bom, người ta cần đến khoảng 6kg plutonium.

Theo sách trắng quốc phòng Hàn Quốc 2018, Triều Tiên có một lượng đáng kể uranium làm giàu ở cấp độ cao.

Theo Yonhap

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.