(GD&TĐ) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quỹ Doãn khẳng định như vậy tại Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc 2013, tại Đà Nẵng ngày 11/9 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương phối hợp tổ chức.
Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc 2013, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí văn nghệ trong cả nước. |
Khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nêu rõ ngoài việc tổng kết hoạt động năm qua về lĩnh vực báo chí văn nghệ, còn là nơi để cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm về công tác báo chí văn nghệ thời gian qua, giúp các cơ quan văn nghệ, báo chí đánh giá lại toàn diện vai trò, nhiệm vụ của mình.
Đây cũng là dịp để tuyên truyền kết quả tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong năm 2012, mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước tác động tiêu cực đến hoạt động của báo chí, hầu hết các cơ quan báo chí phải rất nỗ lực để duy trì và phát triển. Tính đến tháng 3/2013, cả nước có hơn 812 cơ quan báo in với 1.084 ấn phẩm; tạp chí.
Về phát thanh, truyền hình có 615 cơ quan. Hầu hết các báo điện tử, đài phát thanh truyền hình, cùng nhiều báo in Trung ương và địa phương đều có chuyên trang văn hóa, phản ánh đa dạng những vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa, văn nghệ trong nước và quốc tế.
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, báo chí đã tích cực làm tốt nhiệm vụ công tác tuyên truyền ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, báo chí cũng còn một số thiếu sót, khuyết điểm như: thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ của báo chí; thông tin về những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, trùng lặp thông tin, thiếu tính định hướng gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Nhiều ý kiến phát biểu tham luận của đại biểu các cơ quan chủ quản tại Hội nghị bám rất sát thực trạng báo chí văn nghệ thời gian qua, từ đó, nêu lên những giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền, đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.
Uyên Phương