Báo chí đang 'gánh'... phê bình văn nghệ?

GD&TĐ - Hai mươi năm qua, đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật chuyên nghiệp của nước nhà thiếu hụt và vai này đã - đang bị lệch sang nhà báo văn nghệ.

Minh họa/ITN
Minh họa/ITN

Liệu rằng có phải báo chí đang “gánh”… phê bình và thực trạng này là đáng mừng hay cần lo?

“Bà đỡ” linh hoạt

Một số ấn phẩm báo văn nghệ. Ảnh: ITN

Một số ấn phẩm báo văn nghệ. Ảnh: ITN

“Trong những năm qua, với sự bùng nổ mạnh mẽ của hệ thống thông tin, truyền thông, báo chí xuất bản đã tham gia mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của phê bình văn học, nghệ thuật…”. PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Đó là câu chuyện được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm khoa học “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Ghi nhận thực tế này, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, đã phân loại và gọi tên là phê bình báo chí, truyền thông.

Hai thập kỷ qua, bộ phận này đã cùng với phê bình chuyên nghiệp và phê bình nghệ sĩ tạo thành đời sống phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà, trong đó “Báo chí xuất bản Việt đã là bà đỡ cho nền văn chương Việt”, PGS.TS Đào Duy Quát đã đặc biệt đề cao vai trò của phê bình báo chí.

Điều này tiếp tục được PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, khẳng định khi cho rằng, phê bình văn học Việt Nam hiện đại không tách rời sự phát triển của báo chí.

Theo đó, số người làm biên tập về văn học, nghệ thuật ở các báo, tạp chí, nhà xuất bản, phát thanh truyền hình có đến hàng ngàn, trong số đó không ít người tham gia hoạt động phê bình và một trong số đó trở thành những cây bút phê bình khá chuyên nghiệp.

Có thể kể một số tên tuổi tiêu biểu từ năm 1986 đến nay như: Đinh Xuân Dũng, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Phong Điệp, Nguyễn Chí Hoan, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm…

“Các cây bút phê bình trong khu vực này có ưu thế ở chỗ, họ bám khá sát đời sống văn học, có điều kiện gần với người sáng tác nên phê bình của họ thường nhanh nhạy, giàu tính thời sự, không thiên về vấn đề có tính học thuật sâu mà thường linh hoạt nhẹ nhàng, lại được các phương tiện báo chí, truyền thông truyền tải nhanh đến công chúng”, PGS.TS Trần Khánh Thành nhấn mạnh.

Là người thành lập Câu lạc bộ Báo chí phê bình điện ảnh vào năm 2005, TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng đánh giá sự tích cực của các nhà báo phụ trách văn hóa văn nghệ hoặc chuyên về điện ảnh ở các báo, tạp chí.

Câu lạc bộ đã được duy trì thường xuyên trong khoảng mười năm cùng với Giải Báo chí phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa hay nhất năm trong bộ Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Từ thực tiễn này, bà Lan cho rằng, Giải Báo chí phê bình điện ảnh là “dấu hiệu của một trong những hoạt động phê bình điện ảnh rộng rãi, có tác động ít nhiều đến sự quan tâm, đến việc hành nghề phê bình của một số nhà báo hay viết về điện ảnh hay trực trang văn nghệ…”; “giải cũng cho thấy một cách đánh giá khác của các cây bút từ các tờ báo, cũng đáng để người làm nghề điện ảnh tham khảo”. Tuy nhiên, sau đó câu lạc bộ đã không thể tiếp tục duy trì.

Cùng với đó, bà Lan cũng nhắc nhớ lại “ngày xưa” của hai mươi năm trước, mỗi bộ phim ra đời là có những bài phê bình đăng trên các tạp chí chuyên ngành như tạp chí Điện ảnh (nay là Thế giới Điện ảnh), Màn ảnh sân khấu, Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Điện ảnh Kịch trường và các tờ báo văn hóa, văn nghệ…

“Điều đáng nói là giới làm nghề và không ít người yêu điện ảnh thường chờ đợi, quan tâm đến bài viết, nhiều bộ phim có ý kiến trao đi đổi lại rôm rả. Theo dõi, người viết phê bình cảm thấy được chia sẻ nên háo hức làm nghề, còn người làm phim thì có thể vui hoặc buồn, vừa lòng hoặc chưa nhưng cũng thấy được sự quan tâm của giới nghề nghiệp và sẽ tiếp tục hòa theo dòng chảy nghề nghiệp”, bà Lan kể.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam - cũng nêu thực tế: Trong khi các nhà lý luận chuyên nghiệp “ngủ quên” trên tháp ngà nghiên cứu thì các nhà báo trở thành lực lượng chính, thường trực “gác gôn” đời sống âm nhạc.

Để tiếp tục xây dựng đội ngũ phê bình âm nhạc đích thực trong giai đoạn hiện nay, theo ông Quân, cùng với chuyên môn cao về nghề thì còn cần có “tư duy - kỹ năng cần thiết của một nhà báo”; nhất là “Phê bình phải sống trong đời sống báo chí”.

Khai thác thế nào?

Một số ấn phẩm báo văn nghệ. Ảnh: ITN

Một số ấn phẩm báo văn nghệ. Ảnh: ITN

“Trên thực tế, một số người được đào tạo, chính quy lý luận, phê bình điện ảnh lại không phát huy được khả năng làm nghề bằng những người học Văn hoặc học báo chí chuyển sang lý luận, phê bình điện ảnh. Ngược lại, một phần đáng kể các nhà báo viết về điện ảnh không được đào tạo chuyên ngành, khiến họ hạn chế trong việc tiếp cận ngôn ngữ điện ảnh, thường lấy “yếu tố câu chuyện” đặt lên hàng đầu khi phê bình tác phẩm”. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Với vai trò đặc biệt của mình, báo chí thực sự có vị trí quan trọng thậm chí là chủ đạo trong đời sống phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, khai thác bộ phận phê bình này sao cho hiệu quả lại là điều đáng bàn.

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, các loại hình báo chí hiện đại truyền hình, Internet… đã chia sẻ thị phần với xuất bản, khiến cho hoạt động phê bình trở nên phong phú nhưng đồng thời cũng rất phức tạp.

“Thực tế này tiềm ẩn hai khả năng. Nếu như chúng ta không làm chủ được các diễn đàn này thì nguy cơ loạn chuẩn trong phê duyệt là rất rõ ràng, ngược lại, nếu như chúng ta biết khai thác những thế mạnh thì phê bình sẽ có những cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, PGS.TS Đào Duy Quát cảnh báo.

Cùng với đó, ông Quát còn chỉ ra thực tế tồn tại: “Báo chí văn nghệ đang thiếu các nhà phê bình chuyên nghiệp, nếu có thì rụt rè, lảng tránh hoạt động phê bình. Phần lớn các cán bộ lãnh đạo các biên tập viên chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ của các báo, đài hầu như chưa có chuyên môn lý luận, phê bình văn nghệ, dưới sức ép của “thương mại hóa” lại liên tục có bài đánh giá thiếu khách quan, công tâm, thậm chí “o bế” các cây bút cực đoan, “PR” cho các sản phẩm văn nghệ rẻ tiền”.

Là người trong cuộc, Thiếu tướng Đoàn Xuân Độ, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, cũng thẳng thắn cho rằng, đội ngũ những người làm lý luận, phê bình trên mặt trận báo chí - truyền thông rất đông đảo song chất lượng lại là vấn đề nhức nhối.

Hiện tượng khen chê tùy tiện, PR, quảng bá trá hình thay vì tìm kiếm vẻ đẹp, cách thưởng thức tác phẩm trên báo chí - truyền thông vẫn là phổ biến, làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong công chúng… “Việc nhiều cơ quan báo chí - truyền thông thu hẹp “đất đai” liên quan đến chuyên mục lý luận, phê bình khiến chất lượng, chức năng lý luận, phê bình trên báo chí - truyền thông giảm sút, thay vào đó chạy theo các sự kiện giải trí, các vấn đề giật gân câu khách trong văn hóa, văn nghệ, khiến đất dụng võ của người thực hành lý luận, phê bình ngày càng ít”, Thiếu tướng Đoàn Xuân Độ nêu.

Công nhận nhà báo trở thành lực lượng “gác gôn” trong đời sống âm nhạc, song PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam - cũng băn khoăn thực tế đó đã dẫn đến những hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc.

Cũng vì, bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu, quảng bá như tô hồng, PR, đánh bóng tên tuổi hoặc khai thác chi tiết scandal, đời tư của một vài nhân vật mà tài năng chưa xứng với những lời khen có cánh. Vì thiếu hụt kiến thức chuyên môn âm nhạc nên các bài viết thường tránh những lĩnh vực hàn lâm, bác học.

Cùng theo ông Quân, ít người đi sâu vào phân tích giai điệu, phối khí, cấu trúc tác phẩm, hoặc so sánh phát hiện những nét nhạc cũ, phong cách “bắt chước”… Vì vậy, chất lượng chuyên môn của các bài phê bình âm nhạc chủ yếu là xuất hiện trên các báo ngày hoặc tạp chí chuyên ngành hoặc nặng về học thuật, khô khan, khó hiểu đối với công chúng, xem nhẹ yếu tố không chuyên, đưa những chuẩn mực cao để đo đếm các hiện tượng âm nhạc xã hội. Cách này ít gây được cảm tình của công chúng và cũng không khuyến khích được phong trào âm nhạc.

Trường hợp thứ 2 thì chỉ đơn thuần như thông báo một sự kiện, điểm qua tên một vài ca sĩ, tiết mục, rồi khen chê qua loa, thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Liên hệ tới cách sinh hoạt âm nhạc ở một số nước như Pháp, Đức, Nga, Mỹ…, ông Quân cho biết, ở đó đời sống âm nhạc vô cùng phong phú, nhạy bén và nghiêm khắc đóng vai trò quan trọng ngay cả với nghệ sĩ biểu diễn, với tập thể dàn nhạc, nhà hát, với tác giả âm nhạc.

Chỉ cần một bài báo, đánh giá khen hoặc chê của nhà lý luận phê bình âm nhạc có uy tín như báo La Music (Pháp) hoặc Đời sống âm nhạc (Nga) thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của nghệ sĩ, nhạc sĩ.

“Mảnh đất phê bình còn chờ các nhà lý luận chuyên nghiệp nhưng họ không sẵn sàng, còn mải với những công trình luận án mang tầm vĩ mô, nghiên cứu sâu mà quên đi mình gắn với đời sống thực tế. Kết quả là đời sống âm nhạc của đất nước được phản ánh không toàn diện, đầy đủ, thiên lệch, làm thị hiếu khán giả mất chuẩn. Công chúng chỉ biết đến nhạc trẻ, nhạc Pop, tên các ngôi sao Diva mà không hề biết tới những lĩnh vực khác của đời sống âm nhạc”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân trăn trở.

Báo chí văn nghệ đang thiếu các nhà phê bình chuyên nghiệp. Ảnh: ITN

Báo chí văn nghệ đang thiếu các nhà phê bình chuyên nghiệp. Ảnh: ITN

Nói về thực trạng của phê bình báo chí với điện ảnh, TS Ngô Phương Lan cho rằng, kể từ khi bước vào cơ chế thị trường, cơn sóng phim thị trường kéo theo xu hướng thương mại hóa điện ảnh, và phê bình điện ảnh cũng không thể giữ nhịp độ như trước đây.

Số lượng đầu báo và tạp chí tăng lên chóng mặt, gấp hàng chục lần so với trước. Các tạp chí chuyên ngành không còn được bao cấp nên thật sự khó khăn, phải tự xoay xỏa trong cơn lốc thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của sự thưa thớt rồi vắng bóng dần của phê bình điện ảnh là số lượng bài viết trên các tạp chí so với số bài trên các báo ngày như muối bỏ bể.

Các bài về phim ảnh hầu như áp đảo cả về số lượng, cường độ và tốc độ so với các bài phê bình phim chỉ được đăng thưa thớt mỗi tháng một lần trên các tạp chí. Các bài phê bình điện ảnh rất khó có thể tạo được tiếng vang giữa rừng bài đủ màu, đủ vị về điện ảnh.

“Mục điện ảnh được đưa trên nhiều trang báo, nhưng chủ yếu như một cái mồi để câu khách. Hiếm có những bài phê bình phim thực sự, mà chủ yếu là khai thác chuyện hậu trường, chuyện đời tư, nếu có viết về phim thì thường là giới thiệu qua loa và chủ yếu là lăng xê, quảng cáo”, TS Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.