ăn Năm cũ khép lại cũng là dịp các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành như Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu…, từ Trung ương đến địa phương rộn ràng tổng kết, trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc của năm qua.
Có thể thấy, ở lĩnh vực sáng tác, các giải thưởng theo hạng mức A, B, C đều không quá khó để tìm chủ nhân khi lượng tác phẩm gửi về khá dồi dào (xét về số lượng).
Thế nhưng, lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình vẫn vắng vẻ khi chỉ có đôi ba tác phẩm là sách xuất bản còn không vớt vát với chùm bài báo để cứ thế mà xét giải nên khó lòng mơ đến chuyện được “so bó đũa chọn cột cờ”!
Không khí ấy tiếp tục trở lại trong mùa tổng kết, trao giải văn học nghệ thuật năm 2022, song có vẻ khởi sắc hơn chút ít khi các hội Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc có vài ba giải B, C cho số ít tác phẩm lý luận phê bình được gửi đến.
Tuy nhiên, Hội Nhà văn Việt Nam thực sự “thất bát” khi giải thưởng thường niên năm 2022 của Hội có đủ cho các hạng mục: Thơ, truyện ngắn, văn học dịch, văn học thiếu nhi, tác giả trẻ song không có tác phẩm lý luận phê bình văn học nào được ghi danh.
Liệu rằng, kết quả ấy đã phản ánh đúng đời sống văn học hiện nay hay chưa có lẽ còn phải bàn tiếp. Song ở khía cạnh nào đó nó vẫn phản ánh cái sự thiếu và yếu tác phẩm lý luận phê bình của lĩnh vực văn học nói riêng và các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác nói chung.
Trong khi, xã hội chuyển động mạnh mẽ theo xu hướng toàn cầu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo thế nhưng dường như nền văn học nghệ thuật của nước nhà vẫn chưa vượt qua được sức ì, vẫn nương vào những thành quả cũ và thường rơi vào trạng thái tự bằng lòng.
Thế nên, có cảm giác như “roi” lý luận phê bình bị… rơi đâu đó nên chẳng thể hoàn thành sứ mệnh quất mạnh vào “cỗ xe tứ mã” văn học nghệ thuật để nó phi nước đại và bứt phá…
Đánh giá như thế cũng không có nghĩa là lý luận phê bình hoàn toàn thiếu vắng song nếu có thì thường bước vào đường thuận chiều, phần nhiều ru ngủ các cây bút chứ chưa thực sự có những phản biện sắc sảo mang tính xây dựng để tạo sóng trong dư luận một cách bài bản, chính thống.
Đôi khi có những cây bút lý luận phê bình phải nương nhờ vào mạng xã hội để tạo sóng nhưng rồi có khi nhanh chóng bị nhấn chìm hoặc chệch hướng sang những công kích mang nặng màu sắc cá nhân, thiếu công tâm…
Thực là, để mỗi dịp tổng kết, văn học nghệ thuật có cái để khoe và được công chúng nắc nỏm thì hơn bao giờ hết công tác lý luận phê bình phải được đẩy mạnh để chiếc “roi” lý luận phê bình tròn vai như vốn có chứ đừng đánh rơi đâu đó hoặc có đấy mà chỉ là khua trong gió… vung hời, vung hỡi!