Tại lễ ra mắt, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trao Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhiệm kỳ 2016-2021, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Tiếp sau đó, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Thanh Cẩm đã công bố Quyết định của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về thành phần Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, Hội đồng gồm 35 thành viên, trong đó có 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 29 Ủy viên.
Năm Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm giữ chức Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng; Tiến sỹ Bùi Thế Đức, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng nhiệm kỳ 2016-2021 giữ chức Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng; Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng nhiệm kỳ 2016-2021 giữ chức Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng; Tiến sỹ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Khánh Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Sau Đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Bí thư Đảng ủy Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng.
Phát biểu giao nhiệm vụ cho Hội đồng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng 35 thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định văn học, nghệ thuật giữ vị trí đặc biệt, đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó lý luận, phê bình được xem là quá trình tự đánh giá của văn học, nghệ thuật. Với vị trí quan trọng như vậy, Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình.
Ngày 10/9/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, Hội đồng trải qua bốn nhiệm kỳ.
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, mặc dù hoạt động của Hội đồng có nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song Hội đồng đã nắm vững phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tổ chức triển khai nhiều hoạt động quan trọng, đạt kết quả tốt. Trong đó, Hội đồng đã có nhiều cố gắng trong việc nhận diện, đánh giá thực tiễn sáng tác, quảng bá, nghiên cứu lý luận về văn hóa, văn nghệ của đất nước ở các cấp độ khác nhau, cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng báo cáo tư vấn, giúp Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống văn học, nghệ thuật.
Thay mặt Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, hoan nghênh những kết quả đã đạt được của Hội đồng trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trong nhiệm kỳ mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ cũng như đời sống văn học, nghệ thuật nói chung và lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục vận động ngày càng phong phú, đa dạng, đi cùng với nhiều vấn đề lý luận cơ bản vẫn cần phải tiếp tục được làm rõ.
Trong bối cảnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp tục tăng cường sự đoàn kết nhất trí, đồng thuận trong hoạt động, khơi dậy và phát huy trí tuệ tập thể và năng lực, tâm huyết của các thành viên Hội đồng; phối hợp với các cơ quan hữu quan ở Trung ương, địa phương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hội đồng tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tổng kết sâu sắc thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu ngay sau lễ ra mắt, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021 – 2026 cần khẩn trương bắt tay xây dựng Chương trình hoạt động toàn khóa, lưu ý bám sát, cụ thể hóa những chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Trước mắt, Hội đồng tham gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Hội đồng tích cực tham gia, đóng góp hiệu quả vào quá trình tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; góp phần để văn học, nghệ thuật đóng góp xứng tầm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước.
Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nhiệm kỳ 2016 – 2021.