Chuỗi Webinars thứ Bảy (thuyết trình trên nền tảng trực tuyến) tháng 8/2021 do CAB Hoian và nghệ sĩ Chinh Ba khởi xướng. Các nghệ sĩ mong muốn đưa công chúng đến gần hơn với nghệ thuật, cũng như cách thức thẩm thấu qua hai chủ đề với phong cách hoàn toàn khác nhau: “Họ đang làm cái quái gì vậy” và “Hơn một thế kỷ trống múa”.
Kết nối nghệ thuật
Theo Ban tổ chức Webinars thứ Bảy, “Họ đang làm cái gì vậy” là một buổi nói chuyện về các vấn đề, hiện tượng diễn ra dưới góc nhìn của giới chuyên môn. Tuy nhiên, với sứ mệnh kết nối nghệ thuật, các nghệ sĩ luôn tìm tòi cách tiếp cận phù hợp với công chúng phổ thông.
Trong suốt tháng 8 – khi hoạt động giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, các nghệ sĩ sẽ thử nghiệm với hai nhà nghiên cứu trẻ đang sống và làm việc tại nước ngoài, là Ace Lê và Tam Tam.
Ace Lê là một giám tuyển nghệ thuật độc lập nổi tiếng trong và ngoài nước. Ace nổi tiếng bởi góc nhìn khác lạ, phân tích sắc bén và là nghệ sĩ đấu tranh cho nền văn hoá dân tộc. Anh phụ trách chủ đề khá nóng: “Nghịch lý thời khủng hoảng – Giá cả và giá trị của nghệ thuật”.
Cùng với các yếu tố tạo nên các hiện tượng nghịch lý giá cả gần đây và biểu đồ tăng giá của một nghệ sĩ. Ace Lê phân tích thông tin chung về thị trường nghệ thuật châu Á trong năm 2021. Từ những chỉ dẫn này, giới nghệ thuật biết được vị trí của nghệ thuật Việt đối với thế giới, cũng như cách tiếp cận và hành xử với mọi tình huống bất thường xảy ra.
Nghệ sĩ thứ hai được mong đợi là Tam Tam luôn mang màu sắc hài hước kiểu Ăng Lê đặc trưng “Họ đang làm cái quái gì vậy”. Tam Tam dẫn công chúng đi một vòng quanh Paris (Pháp) và diễn giải về một số hiện tượng nghệ thuật khó hiểu. Các nghệ sĩ hi vọng, qua những phân tích và định hướng, công chúng Việt Nam sẽ có cách tiếp cận chính xác hơn khi tham gia vào thị trường nghệ thuật thế giới.
Góc nhìn mới về nghệ thuật múa
Nằm trong chuỗi Webinars thứ Bảy, Ban tổ chức cho biết “Hơn một thế kỷ trống múa” lại mang phong cách và chủ đề khác biệt. Đây là một dự án nghiên cứu lịch sử múa hiện đại do CAB Hoian và nghệ sĩ Chinh Ba khởi xướng, cùng với sự cộng tác của nghệ sĩ Đạt Nguyễn và Lê Mai Anh.
Chủ đề tháng 8 và tháng 9 nói về phong cách múa Đức Tanztheater, chuỗi thảo luận nghệ thuật hi vọng sẽ tạo ra sự sôi nổi về phê bình múa. Các nghệ sĩ cho rằng, phê bình múa như một công việc mang tính chuyên môn quan trọng trong công việc phê bình các loại hình nghệ thuật khác.
Bên cạnh đó, dự án mong muốn tạo cảm hứng cho nghệ sĩ thực hành múa tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử múa và lý luận múa, để hỗ trợ cho quá trình sáng tạo của nghệ sĩ.
CAB Hoian được thành lập từ năm 2019 bởi nghệ sĩ biểu diễn thơ Chinh Ba. Mục tiêu dài hạn của CAB Hoian là trao đổi nghệ sĩ và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa Hội An và các thành phố khác.
Trong suốt 3 năm thành lập, CAB Hoian không chỉ là một không gian nghệ thuật hoạt động tích cực tại Hội An mà còn “phủ sóng” trên toàn quốc. Nhiều chương trình ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng nghệ thuật, và nâng cao nhận thức của văn hóa - nghệ thuật trong việc bảo tồn di sản Hội An.
Chinh Ba từng là biên tập viên truyền hình, trong một lần làm phóng sự du lịch, anh có duyên ghé thăm Hội An và cảm giác một sức hút mạnh mẽ. Anh trở về, nộp đơn xin nghỉ và chỉ gói gọn sau 4 ngày, anh đã có mặt tại Hội An.
“Tôi nghĩ nơi đây có thể trở thành một đô thị nghệ thuật thu nhỏ như đồi Montmartre, với tiềm năng tập hợp nhiều nghệ sĩ lưu trú và sáng tác. Giai đoạn đó rơi vào cuối năm 2016, khi đã có nhiều nghệ sĩ trở về nhưng số lượng làm việc lại không nhiều. Nhân tố cá nhân, tổ chức đến các hoạt động chuyên về nghệ thuật lại thiếu vắng và khó khăn”, nghệ sĩ Chinh Ba cho hay.
Để biến Hội An trở thành một điểm đến nghệ thuật, Chinh Ba nghĩ phải xây dựng môi trường và hệ sinh thái nhỏ. Anh mất khoảng 2 năm đầu sống ở Hội An để có dịp tìm hiểu mọi thứ, sau đó viết dự án hệ sinh thái và may mắn xin được tài trợ.
Cũng trong thời điểm này, Lune Production về Hội An tổ chức vở múa Palao. Biên đạo múa Ngô Thanh Phương và nghệ sĩ âm nhạc Nguyễn Nhất Lý mời Chinh Ba tham gia biểu diễn. Đó cũng là cơ hội để công chúng biết đến, và là một bước đệm giúp CAB Hoian ra đời.
“Khi CAB Hoian ra đời, tôi muốn tập trung vào việc trao đổi văn hóa và quyết chọn yếu tố đầu tiên của khu vực miền Trung là tuồng để thực hiện chương trình biểu diễn “Into Tuồng”. Lý do để chọn tuồng là vì nó bắt nguồn từ miền Trung và phát triển ở khu vực này từ thế kỷ 15 đến bây giờ. Cung đình Huế thậm chí từng mở trường dạy tuồng và hát bội”, nghệ sĩ Chinh Ba cho hay.
Để khán giả hiểu rõ hơn về nghệ thuật múa, Arnd Wesemann - nhà phê bình sân khấu và nghệ thuật người Đức cũng được mời trong nhóm các chuyên gia thảo luận.
Đặc biệt hơn, các nghệ sĩ Việt đã kết nối cả Arthur Kuggeleyn - biên đạo kiêm đạo diễn múa và sân khấu người Hà Lan. Arthur có khởi đầu sự nghiệp đầu những năm 1980 tại Đức. Bên cạnh đó, ông tham gia đạo diễn, biên đạo cho các festival múa trên khắp thế giới như Thụy Sỹ, Trung Quốc, Palestine, Kosovo, Mexico và sắp tới đây là Việt Nam.
Bên cạnh các nghệ sĩ nước ngoài, Lê Mai Anh - Trường múa TPHCM cũng nhập cuộc để cùng công chúng tiếp cận gần hơn môn nghệ thuật này. Cô muốn khán giả Việt không chỉ hiểu, thẩm thấu mà còn nhận biết các dạng thức nghệ thuật múa.