Các sản phẩm băng đĩa ca nhạc, đĩa hài, album của nhiều nghệ sĩ đang được in, sao trái phép và bày bán tràn lan trên khắp các đường phố, ngõ hẻm.
Ngập tràn đĩa hài Tết trên phố
Theo lời chủ một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Có 3 loại đĩa bán ra thị trường và giá cả cũng có sự chênh lệch nhau. Đĩa bản quyền (đĩa chất lượng cao do công ty phát hành) trung bình giá mỗi chiếc đĩa là 40.000 đồng; đĩa trung bình (chất lượng âm thanh, hình ảnh tương đối tốt) có giá 20.000 đồng; đĩa giá rẻ (chất lượng kém) là 15.000 đồng. Ở các cửa hàng vỉa hè, thậm chí chỉ cần 7.000 - 10.000 đồng là đã có thể mua được những đĩa hài mà mình yêu thích.
Anh Bùi Văn Ngọc (chủ một cửa hàng băng đĩa trên phố Tô Hiệu, Cầu Giấy, HN), cho biết: “Những ngày gần Tết, các đĩa hài Tết, nhạc xuân bán rất chạy. Các cửa hàng bán băng đĩa nhỏ lẻ chủ yếu bán đĩa in, sao chứ bán đĩa gốc vừa đắt vừa không dám nhập số lượng nhiều vì không có mấy người mua. Đĩa sao vừa rẻ, vừa dễ tìm mua thì khách hàng tội gì phải đi đâu tìm, trong khi mua đĩa gốc đắt hơn nhiều”.
Tuy nhiên, tiền nào của ấy. Các loại đĩa được in sao từ bản gốc một cách ồ ạt có chất lượng hình ảnh, âm thanh kém hẳn so với đĩa gốc. Mua một đĩa in sao về xem chỉ được vài lần là xước, hỏng, kẹt, phải vứt bỏ. Nhưng với tâm lý người tiêu dùng, với băng đĩa hài chỉ là để thưởng thức khi nó còn đang “nóng sốt” mới ra chứ ít người mua có nhu cầu để lưu giữ lâu dài nên họ thường chẳng quan tâm tới chất lượng băng, đĩa.
Quản lý – vẫn là bài toán khó
Đầu xuân năm mới, tiếng cười vẫn là “đắt giá” nhất, mọi người đều mong được sảng khoái, xả hết muộn phiền để bước vào một năm mới được hanh thông, thuận lợi. Vì thế, hài Tết vẫn luôn được các gia đình chú trọng nên sức mua khá lớn.
Đáp ứng nhu cầu của người dân, trên thị trường, hàng loạt đĩa Tết đã và đang ra mắt, có thể kể đến “Chôn nhời 2” (diễn viên Quang Thắng, Phạm Bằng), “Quan trường - Trường quan” (Xuân Bắc, Tự Long, Trung Hiếu), “Bà Ba đại chiến” (Vân Dung, Thúy Nga), “Tôi đi tìm tôi” (Quang Tèo, Chiến Thắng, Quốc Anh), “Thần kê thánh cẩu” (Quang Thắng, Lan Phương), “Đại gia của ngày hôm qua” (Lan Phương, Xuân Hinh), “Thị Hến kén chồng” (Xuân Hinh)… Song, hiện các nhà sản xuất đang cố gắng tìm mọi cách để chống lại thực trạng băng đĩa lậu.
Chia sẻ về vấn nạn đĩa lậu tràn lan trong dịp Tết, NSƯT Ngô Đông Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long cho biết: “Tôi vừa là đạo điễn vừa là doanh nghiệp nên rất trăn trở với việc vi phạm bản quyền của Việt Nam. Không giống như các nước, ở Việt Nam việc thực hiện bảo vệ bản quyền tác phẩm đang chậm hơn rất nhiều. Chỉ sau khi phát hành một hai ngày, thị trường đã tràn ngập bang đĩa lậu. Để “sống chung với lũ”, chúng tôi tìm cách khắc phục bằng cách hạ giá thành sản phẩm rất thấp, phát hành băng đĩa đồng loạt trên cả nước, khi phát hành, chúng tôi thành lập một bộ phận quản lý trên mạng, khi phát hành chương trình này ra nếu cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào phát hành bất hợp pháp chúng tôi sẽ báo nhà quản lý để khóa trang web đó lại”.
Đạo diễn Phạm Hồng Sơn cũng chia sẻ thêm: “Là nhà sản xuất hàng đầu về phim hài và âm nhạc, chúng tôi rất đau đầu và luôn tìm cách để tồn tại trong hoàn cảnh đĩa lậu chiếm tới hơn 90% thị trường băng đĩa ở Việt Nam. Trong bối cảnh này, chúng tôi cũng phải đổi mới và hòa nhập với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet. Khác mọi năm khi chỉ phát hành đĩa hài Tết, năm nay chúng tôi có thêm hình thức phát hành mới đó chính là trình chiếu trên YouTube”.