Về mặt nội dung, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống, gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học.
Trên cơ sở đó, giáo dục trung học phổ thông phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở trung học cơ sở và hoàn thành nội dung giáo dục phổ thông. Ngoài nội dung chủ yếu là nhằm bảo đảm chuẩn kiến thức phổ thông, cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho mọi học sinh còn có nội dung nâng cao ở một số môn học để phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh.
Để thực hiện những nội dung này, phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, cùng với đó là bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm nhằm rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và tác động đến tình cảm để đem lại niềm vui và hứng thú học tập cho học sinh.
Trong chủ trương đổi mới, đối với giáo dục phổ thông là nhằm tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Từ đó, phát triển khả năng sáng tạo, tự học và khuyến khích người học học tập suốt đời.
Với các định hướng và mục tiêu nói trên, giáo dục THPT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển phẩm chất con người cũng như năng lực cá nhân. Vậy, để đáp ứng những định hướng và mục tiêu đó, khi thực hiện giáo dục tại bậc học THPT, cần có phương pháp giảng dạy với những kỹ năng gì?
Ở bậc học THPT, tại giai đoạn này, học sinh đã có cơ sở cơ bản hình thành nhân cách với những phẩm chất và năng lực cần thiết để học sinh có thể học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những cơ sở cơ bản ban đầu, chưa phải là những nền tảng phẩm chất và năng lực thực thụ để học sinh có thể tiếp bước vào đời. Do đó, cần thiết phải thực hiện những hoạt động giáo dục cụ thể để hình thành nên con người cho học sinh.
Ở lứa tuổi này, người học đã ổn định về nhân cách, tuy nhiên tư duy không ổn định và đang dần được hình thành ở một mức độ cần thiết nhất định. Do đó, cùng với việc bồi nhân cách và hình thành những hành vi ứng xử đạo đức là việc giáo dục để hình thành định hướng tư duy cho học sinh.
Ở đây đặt ra ba nội dung. Một là giáo dục để phát triển định hướng nhân cách. Theo đó, để thực hiện nội dung này cần thiết bồi dưỡng cho học sinh những kỹ năng sống mang tính nhân văn cơ bản, trên cơ sở những bài học cụ thể, việc thực hiện có thể thông qua sự thể hiện bởi những tấm gương điển hình.
Hai là, hình thành hành vi và cách hành xử đạo đức cho học sinh. Với nội dung này, bên cạnh việc tạo cho học sinh tiếp nhận những kỹ năng sống là việc điều chỉnh hành vi với những cách hành xử mang chuẩn mực đạo đức cụ thể. Khi đó, cần trang bị và cho học sinh thấy được những giá trị đích thực của cuộc sống, của con người trong các mối giao hòa xã hội.
Ở đây, khái niệm đạo đức được bao hàm theo nghĩa rộng, gồm cả những giá trị chính trị quản lý, giá trị xã hội, giá trị lao động, giái trị nghệ thuật, giá trị nhận thức, và giá trị nhân văn. Từ đó hình thành nên các quy tắc hành xử cho mỗi cá nhân riêng biệt. Theo đó, để thực hiện được việc này, giáo viên phải là người phân tích gợi mở, từ đó trang bị và định hướng nhận thức, để từ đó học sinh cảm thụ, hình thành và điều chỉnh hành vi.
Ba là, hình thành và định hướng ổn định cho tư duy học sinh. Với nội dung này, nền tảng của giáo dục là cần thiết củng cố và phát triển trên cơ sở những kiến thức mà học sinh đã được học trước đó, khi mở rộng nâng cao cần thiết chú trọng đến sự hình thành và ổn định những phương pháp tư duy cơ bản, với những kỹ năng mang tính trường hợp cần thiết.
Theo đó, giáo viên phải là người định hướng, hướng dẫn cho học sinh, trên cơ sở gợi mở để học sinh tiếp cận và khai thác vẫn đề, từ đó tìm ra những cách thức để giải quyết và khai phá nhất định. Khi đó, với một tư duy ổn định, người học có thể tiếp tục học nghề, học lên cao hơn hay bước vào cuộc sống lao động.
Trong chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông, theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì giai đoạn THPT được thực hiện là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Đây là một yêu cầu mới mang tính thực học và thực nghiệp.
Tuy nhiên, việc thực hiện giáo dục ở giai đoạn này vẫn phải đáp ứng ba yêu cầu cơ bản nêu trên, đặc biệt là ở giai đoạn lớp 10. Khi học lên cao hơn, đặc biệt là ở lớp 11 phải hình thành nền tảng cơ bản cho học sinh, cùng với việc hình thành những kỹ năng cần thiết. Khi đó, phương pháp tư duy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, ổn định và phát triển nhận thức.
Việc trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề ngiệp có những môn học lựa chọn là cần thiết, song vấn đề đặt ra vẫn là phải có định hướng để ổn định và phát triển tư duy, đặc biệt là vấn đề đạo đức và nhân cách con người. Để thực hiện được điều đó là tùy thuộc vào nội dung chương trình giáo dục và tài năng sư phạm của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy tại các trường THPT hiện nay.
Trên đây là một vài trao đổi để chúng ta cùng nhìn nhận, từ đó các thầy cô giáo cùng tìm ra phương pháp và những kỹ năng tối ưu trong việc giảng dạy cho các học sinh thân yêu của mình.