Đào tạo và bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh

GD&TĐ - Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN vừa phối hợp cùng với tổ chức đào tạo và nghiên cứu giáo dục National Geographic Learning (Mỹ) tổ chức Tọa đàm khoa học về đào tạo và bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh, cụ thể là năng lực sử dụng tiếng Anh trong lớp học (Classroom English Proficiency).

Đào tạo và bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh

Các báo cáo viên tại Tọa đàm là TS Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, PGS Donald Freeman (Trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Michigan, Mỹ), PGS Lê Văn Canh (Trường ĐH Ngoại ngữ) và ông Châu Văn Thủy (Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Quảng Nam).

Với tham luận “Phát triển năng lực sư phạm để dạy tiếng Anh bằng tiếng Anh: Những phương thức mới”, PGS Donald Freeman cho biết trên thế giới hiện nay, những nguồn lực khổng lồ đã được đầu tư phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên dạy tiếng Anh.

Mặc dù được đầu tư như vậy nhưng chất lượng giảng dạy tiếng Anh ở hầu hết các hệ thống giáo dục quốc gia vẫn không đồng đều. Việc nâng cao năng lực tiếng Anh sử dụng trên lớp của giáo viên được coi là then chốt trong cải tiến chất lượng giảng dạy và giúp họ dạy được tiếng Anh bằng tiếng Anh.

Dựa trên những kinh nghiệm thu được qua quá trình làm việc thực tiễn, PGS Donald Freeman đã trình bày một số giả định định hình cho các phương thức tiếp cận đối với công tác nâng cao năng lực tiếng Anh trên lớp và kỹ năng giảng dạy, đồng thời đưa ra một cách tiếp cận khác đối với những thách thức này.

Báo cáo “Đánh giá cơ hội học tập qua tương tác trong lớp dạy - học tiếng Anh và những hàm ý cho các chương trình giáo dục giáo viên” của PGS Lê Văn Canh trình bày các kết quả nghiên cứu đánh giá cơ hội mà giáo viên tạo ra cho người học tham gia và hiểu nội dung trao đổi trong lớp học tiếng Anh ở Việt Nam.

Dữ liệu thu thập từ quan sát lớp học được phân tích theo khung phân tích hội thoại. Phân tích này tập trung vào 3 đặc điểm tương tác lớn là: Chữa lỗi, hỗ trợ và phản hồi nhằm tìm hiểu tương tác thầy trò trên lớp.

PGS Lê Văn Canh khẳng định, ngoài vốn kiến thức tiếng Anh thì cách thức giáo viên giảng dạy và tương tác trên lớp cũng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. PGS kiến nghị cần chú trọng hơn nữa tới việc phát triển năng lực sử dụng tiếng Anh trong lớp học của giáo viên để họ có thể giải quyết được những quá trình phức tạp trong quá trình học ngoại ngữ.

Với tham luận “Những thay đổi trong mô hình bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ: Đề xuất từ Trường ĐHNN - ĐHQG”, TS Đỗ Tuấn Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo.

Trong 5 năm gần đây, nhiệm vụ này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năng lực ngoại ngữ của giáo viên cũng như khả năng sư phạm đã được nâng lên đáng kể.

Người giáo viên ngoại ngữ đã ý thức rõ nhu cầu bức thiết phải nâng cao trình độ sử dụng ngôn ngữ trong lớp học cũng như áp dụng các phương pháp, kỹ thuật giảng dạy tiên tiến trong công việc giảng dạy hàng ngày.

Nhiều giáo viên đã có khả năng khai thác những nguồn học liệu trực tuyến để làm phong phú thêm bài giảng của mình. Thái độ tiếp cận đối với các khóa học bồi dưỡng và nâng cao trình độ đối với giáo viên đã có nhiều thay đổi. Người học đã tiếp nhận và chia sẻ được nhiều kiến thức, phương pháp mới từ các khóa học này.

Để hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo đạt hiệu quả hơn nữa, TS Đỗ Tuấn Minh nhận định vẫn nên có một mô hình bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ mới. Sau đó, ông đã trình bày cụ thể những đặc trưng căn bản của mô hình bồi dưỡng giáo viên mới, được thể hiện qua 4 từ khóa: Thường xuyên, hệ thống, sát thực và hiệu quả.

Tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh” đã đem lại cái nhìn mới mẻ về công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cũng như đưa ra được các giải pháp và mô hình đào tạo và bồi dưỡng mang tính chất đột phá, đổi mới và hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ