Thực tế cho thấy, khẩu hiệu giao thông trong thời gian qua được các cơ quan chức năng soạn, treo ở các tuyến đường trên khắp mọi miền của đất nước để nhắc nhở mọi người tham gia giao thông hãy chấp hành tốt pháp luật về ATGT để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho mình và những người xung quanh.
Có những câu khẩu hiệu tuy chỉ 6 từ: “Nhanh một phút, chậm cả đời” nhưng lại là một thông điệp lớn, mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.
Sự đối lập giữa “nhanh” và “chậm”, thời gian “một phút” và “cả đời” đặt ra cho người tham gia giao thông phải cân nhắc nên chọn phương án nào? Nhanh hay chậm?
Và dĩ nhiên, thà chậm một phút còn hơn nhanh mà bị tai nạn (nhưng không chết liền), bị tổn thương về thể xác, trí tuệ, cơ thể bị thương tật, tàn phế phải chịu khổ cực suốt cả đời, vạ lây đến những người thân trong gia đình và trở thành gánh nặng cho xã hội.
Câu khẩu hiệu 8 từ: “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, rõ ràng trong cuộc sống ai cũng muốn “thêm bạn bớt thù”, trong giao thông ai cũng thích an toàn và rất sợ tai nạn. Đó là quy luật bất biến, có giá trị vĩnh hằng nhằm thiết lập hạnh phúc, an vui trong hiện tại và ngay chính trên đường đi.
Có những câu khẩu hiệu giao thông mới treo lên chưa ráo mùi mực thì buộc phải tháo xuống vì nó không hợp lòng dân, bị mọi người phản đối kịch liệt và nhận được những dư luận trái chiều từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Đơn cử, những ngày đầu tháng 01/ 2015 văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định cho treo khẩu hiệu: “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” trên một số tuyến đường ở TP Quy Nhơn.
Nội hàm của câu khẩu hiệu này mới nghe qua đã thấy không ổn, nó đụng chạm đến lòng tự trọng, tính tự ái của những người ít học (ít học vì người ta không có điều kiện kinh tế, vì hoàn cảnh đất nước có chiến tranh hoặc vì những lí do khác). Từ đó một số người cố tình hiểu nhầm ý nghĩa của nó: Người ít học dĩ nhiên được vượt đèn đỏ chăng?
Lại có ý kiến cho rằng, câu khẩu hiệu trên có nghĩa là những người không có điều kiện học hành tử tế đều là những người thiếu ý thức chấp hành pháp luật về ATGT.
Bức xúc vì nội dung của nó phản cảm, thiếu tính nhân văn, phản văn hóa nên một số người lại vội vàng quy kết: câu khẩu hiệu trên là do người ít học soạn ra.v.v.
Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, còn đa số những câu khẩu hiệu giao thông mà chúng ta bắt gặp, đọc được ở đâu đó trong cả nước đều là những “lời hay ý đẹp”, được kết tinh từ những tinh hoa của Tiếng Việt, đã được thẫm định kỹ càng của các cơ quan chức năng trước khi treo lên.
Có những câu khẩu hiệu được soạn ra dưới dạng thơ lục bát: “Đường dài vững chắc tới lui / An toàn ta giữ yên vui mọi nhà”nghe sao quá đỗi mượt mà, sâu lắng, lãng mạng nhưng xem ra cũng không kém phần hiệu quả, tuy “thông điệp ngắn”nhưng đa nghĩa, thấm đẫm tình người, nhắc nhớ mọi người tham gia giao thông phải luôn biết làm chủ bản thân, phải “chắc tay lái” trên hành trình vượt “ngàn dặm xa” để đến đích được an toàn và an vui cho mình, cho người.
Quả thật, “Tính mạng con người là trên hết”- nếu ai tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ kém chất lượng, chỉ để đối phó công an, phóng nhanh vượt ẩu… là tự sát hại mình.
Ở cổng trường THCS Nguyễn Chí Diểu (11 Đống Đa, TP Huế) có trưng khẩu hiệu: “Dừng đèn đỏ chứng tỏ văn minh” xem ra lại được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, được dư luận xã hội hoan nghênh vì tính nhân văn của nó. Bởi, dừng đèn đỏ không những là biết chấp hành pháp luật về ATGT, mà còn thể hiện nếp sống văn minh, ứng xử có văn hóa.
Hy vọng trong thời gian tới, Ban ATGT Quốc gia nên phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo để nghiên cứu, soạn ra nhiều câu khẩu hiệu giao thông hay, giàu tính nhân văn, nên chăng, cũng cần mua ý tưởng của người dân về nội dung hiến kế, đồng thời, phải có những khẩu hiệu giao thông dành riêng cho đối tượng HSSV - một lực lượng 22 triệu người ở các trường học để tiếp tục tuyên truyền, đôn nhắc HSSV và người tham gia giao thông nói chung chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ, nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của do các vụ tai nạn giao thông gây ra.