Luôn đề cao sứ mệnh của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”(1).
Suốt cuộc đời mình, Người đã dành biết bao tâm trí cho sự nghiệp giáo dục và Người không chỉ là một vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam mà còn là người thầy mẫu mực, đầy tâm huyết của dân tộc. Tư tưởng, lời huấn thị của Người vẫn mang giá trị thời sự trong giai đoạn hiện nay.
***
Trong đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định: Giáo viên - người thầy đóng vai trò quyết định đối với thành bại của sự nghiệp giáo dục, dù xã hội nào thì người thầy luôn được mọi người kính trọng và tin yêu. Tự mình phấn đấu trở thành nhà giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học để nghề dạy học xứng đáng là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý mà Bác Hồ đã dành tặng.
Trong một lần về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang. Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh…
Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang” (1).
Cho dù xã hội đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố khác nhau, nhưng dù ở thời điểm nào, người thầy vẫn luôn được tôn vinh; đó là một minh chứng cho sự tôn trọng trí tuệ, khát khao hiểu biết của người Việt Nam.
“Thầy” là người dạy học, người đáng làm gương cho mình theo (2). Người thầy cũng phải thực sự là những kỹ sư tâm hồn để giáo dục, làm gương tốt giúp các em phát triển về nhân cách, đạo đức, giúp các em hình thành những chuẩn mực, những giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp từ bên trong nội tâm.
Cha mẹ là những người sinh thành nên chúng ta. Còn người thầy, là những người đã có công dưỡng dục, truyền dạy cho chúng ta trưởng thành thành những người giỏi giang, có ích.
Vì vậy người Việt Nam chúng ta có truyền thống “Mồng 1 Tết cha, Mồng 2 Tết mẹ, Mồng 3 Tết thầy”, điều này thể hiện là sau cha mẹ là thầy – người truyền thụ tri thức và đạo đức làm người, để trở thành người tử tế. Việc “mồng 3 Tết thầy” như lời nhắc nhở rằng chúng ta lớn lên, chúng ta trưởng thành là bởi rất nhiều người bên cạnh chúng ta, trong đó có người thầy.
Việc nhớ ơn đến thầy cô trong những ngày Tết cũng lớn lao như "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Đây mới chính là ý nghĩa to lớn của "Mồng 3 Tết thầy". Philoxêne De Cythêrê đã từng viết: “Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng tử tế”.
***
Trong thời đại công nghiệp 4.0, người thầy chịu tác động không nhỏ, phải làm quen với các khái niệm như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo. Cũng từ những thay đổi này, văn hóa ứng xử giữa thầy và trò trong môi trường giáo dục cũng biến đổi theo. Người thầy không còn đóng vai trò độc tôn như trước kia.
Đạo thầy trò ngày nay được thể hiện qua những cách ứng xử mới mẻ. Người thầy trong thời đại mới chuyển hướng sang vai trò người hướng dẫn, người đồng hành, truyền cảm hứng, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò.
Tuy nhiên, công nghệ có thể thay người thầy truyền thụ kiến thức nhưng không thể truyền được sự hứng thú, tình cảm như cách mà các thầy cô vẫn truyền đến học sinh.
Công nghệ cũng không thể khích lệ, khen thưởng những cố gắng, tiến bộ dù nhỏ của học sinh, không thể khéo léo trong việc xử lý các tình huống sư phạm. Công nghệ cũng khó có được sự kiên trì, tình cảm như người thầy.
Người thầy mới có thể nhận biết được học sinh của mình có những ưu điểm, hạn chế và biết được học sinh của mình đang gặp khó khăn ở chỗ nào, tâm tư, tình cảm của các em ra sao. Điều này máy móc không thể làm được.
Đứng trước bối cảnh mới, người thầy cũng cần phải nhận thức được vị trí, vai trò của mình mà không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách để luôn luôn là tấm gương không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm tấm gương sáng cho học trò noi theo, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện, để làm được điều đó người thầy cần phải đảm bảo về mặt nhân cách.
Nhân cách của người thầy cũng được xem xét một cách thống nhất gồm hai mặt phẩm chất và năng lực hay còn gọi đức và tài. Đó là hai mặt thống nhất trong cấu trúc nhân cách của người giáo viên. K.D.Usin-xki - nhà sư phạm lỗi lạc người Nga khẳng định: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”(3).
***
Từ những vấn đề đặt ra, tôi đề cập đến một số phẩm chất và năng lực cơ bản mang tính chất nghề nghiệp của người thầy trong giai đoạn mới.
Một số phẩm chất cần phải có
Thế giới quan khoa học: Thế giới quan của người thầy giáo là thế giới quan Mác - Lênin, bao hàm những quan điểm duy vật biện chứng về các quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Thế giới quan này chi phối các hoạt động của người thầy như lựa chọn nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, sự kết hợp giữa nội dung giảng dạy với thực tiễn cuộc sống, phương pháp xử lý các biểu hiện tâm lý của học sinh.
Lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ. Là hạt nhân trong cấu trúc nhân cách của người thầy. Lý tưởng của người thầy có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
Lý tưởng này được biểu hiện cụ thể bằng niềm say mê nghề nghiệp, lương tâm nghề nghiệp, lòng yêu thương trẻ, tác phong làm việc cần cù, có trách nhiệm, sống giản dị, chân thành, tận tâm với nghề.
Lòng yêu trẻ. Trước hết là lòng yêu thương con người. Đó là đạo lý của cuộc sống. Lòng yêu thương con trẻ càng sâu sắc bao nhiêu thì càng làm được nhiều việc có ích bấy nhiêu.
Xukhômlinxki (1918 - 1970) quan niệm: “Tôi nghĩ rằng đối với một nhà giáo dục điều chủ yếu là tình người, đó là một nhu cầu sâu sắc trong con người. Có lẽ những mầm mống của hứng thú sư phạm là ở chỗ hoạt động sáng tạo đầy tình người để tạo ra hạnh phúc cho con người…
Đó là một điều vô cùng quan trọng. Vì khi tạo ra niềm vui cho người khác, cho trẻ thơ thì họ sẽ có một tài sản vô giá: Đó là tình người mà tập trung là sự nhiệt tâm, thái độ ân cần và chu đáo, lòng vị tha”.
Lòng yêu nghề sư phạm. Càng yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu. Người thầy luôn nghĩ đến việc cống hiến cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, luôn làm việc với trách nhiệm cao, không bao giờ tự thoả mãn với trình độ hiểu biết, trình độ tay nghề của mình. Người giáo viên có được niềm vui khi tiếp xúc với học sinh.
Nhóm năng lực giảng dạy
Năng lực hiểu học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục. Dạy học chỉ có hiệu quả cao khi quá trình đó thực sự điều khiển được. Người thầy càng hiểu học sinh bao nhiêu thì quá trình sự học càng có căn cứ.
Một năng lực sư phạm cơ bản không thể thiếu được là năng lực hiểu học sinh. Đây là sự hiểu biết thế giới bên trong của trẻ. Người thầy có năng lực quan sát tinh tế sẽ hiểu được nhân cách, những biểu hiện tâm lý, trình độ văn hóa… của học sinh trong quá trình dạy học.
Năng lực hiểu biết sâu rộng. Đây là một năng lực cơ bản, năng lực trụ cột của người thầy giáo. Nghề dạy học đòi hỏi ở người giáo viên một tầm hiểu biết vừa rộng vừa chuyên sâu. Tri thức và tâm hồn của người giáo viên có tác động mạnh đến học sinh.
Năng lực chế biến tài liệu học tập. Giáo viên biết cách gia công về mặt sư phạm của giáo viên nhằm làm cho tài liệu thích hợp tối đa với trình độ và đặc điểm tâm lí học sinh của mình.
Biết xác định đúng đắn và chính xác tài liệu cần truyền đạt cho học sinh; biết chế biến tài liệu theo lôgic khoa học và lôgic sư phạm, nhất thiết phải biến đổi ngôn ngữ sách giáo khoa thành ngôn ngữ của chính mình trừ tên bài học, các đề mục và định nghĩa, công thức, quy tắc.
Năng lực tổ chức hoạt động học. Năng lực tổ chức hoạt động học cho học sinh là năng lực giao cho học sinh các nhiệm vụ học, tổ chức và hướng dẫn, kiểm tra học sinh thực hiện các hành động học để giải quyết được nhiệm vụ học.
Năng lực ngôn ngữ. Giáo viên biểu đạt rõ ràng và chính xác những tư tưởng, tình cảm của mình bằng ngôn ngữ cùng với nét mặt và điệu bộ tương ứng. Năng lực ngôn ngữ là một trong những năng lực quan trọng của người giáo viên.
Nó là công cụ sống còn đảm bảo cho người giáo viên thực hiện chức năng dạy học và giáo dục của mình. Sở dĩ như vậy là vì: Bằng ngôn ngữ, truyền đạt thông tin từ giáo viên đến học sinh, bằng ngôn ngữ thúc đẩy sự chú ý và sự suy nghĩ của học sinh vào bài học, bằng ngôn ngữ điều khiển và điều chỉnh hoạt động nhận thức của học sinh (4).
Cô Trần Thị Huyền (áo sáng) và sinh viên Trường Đại học An Giang. Ảnh: NVCC |
Nhóm năng lực giáo dục
Năng lực vạch dự án phát triển nhân cách học sinh. Giáo viên biết dựa vào mục đích giáo dục, yêu cầu đào tạo mà hình dung trước cần phải giáo dục cho học sinh những phẩm chất nào và hướng hoạt động của mình để đạt tới hình mẫu trọn vẹn của con người mới.
Vừa có kỹ năng tiên đoán sự phát triển của học sinh, vừa nắm được nguyên nhân sinh ra cũng như mức độ phát triển của những thuộc tính đó. Có sự sáng rõ về những biểu hiện nhân cách của những học sinh khác sẽ thu được trong tương lai dưới ảnh hưởng của những dự án phát triển nhân cách do mình xây dựng.
Năng lực giao tiếp sư phạm. Giáo viên nhận thức nhanh chóng những biểu hiện bên ngoài và những diễn biến tâm lý bên trong của học sinh và bản thân giáo viên, đồng thời biết sử dụng hợp lý các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biết cách tổ chức, điều khiển và điều chỉnh quá trình giao tiếp nhằm đạt được mục đích giáo dục.
Giáo viên có năng lực này tức có các kỹ năng định hướng giao tiếp, Kỹ năng định vị, Kỹ năng sử dụng phương tiện giao tiếp, Kỹ năng tổ chức và điều khiển, điều chỉnh quá trình giao tiếp sư phạm: Biết kiềm chế các cảm xúc mạnh, khắc phục những tâm trạng có hại.
Năng lực cảm hóa học sinh. Năng lực này phụ thuộc vào một tổ hợp các phẩm chất nhân cách của người giáo viên như tinh thần trách nhiệm, niềm tin và kỹ năng truyền đạt niềm tin, sự tôn trọng học sinh, chu đáo, khéo léo đối với sư phạm, lòng vị tha và các phẩm chất ý chí khác.
Năng lực đối xử khéo léo sư phạm. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng tìm ra được những tác động sư phạm đúng đắn nhất như một nghệ thuật. Sự nhạy bén về mức độ sử dụng bất kỳ mọi tác động sư phạm nào (khuyến khích, trách phạt, ra lệnh...).
Nhanh chóng xác định được vấn đề xảy ra và kịp thời áp dụng những biện pháp thích hợp. Biết phát hiện kịp thời và xử lý khéo léo những vấn đề xảy ra bất ngờ, không nóng vội, không thô bạo. Biết biến cái bị động thành cái chủ động, giải quyết một cách mau lẹ các vấn đề phức tạp đặt ra trong công tác dạy học và giáo dục.
Ngoài những nhóm năng lực trên, người giáo viên cần có năng lực tổ chức các hoạt động sư phạm như các hoạt động cho cá nhân và tập thể học sinh trong những điều kiện sư phạm khác nhau, vừa là hạt nhân để gắn học sinh thành một tập thể, vừa là người tuyên truyền và liên kết, phối hợp các lực lượng giáo dục.
Vì thế, năng lực tổ chức hoạt động sư phạm là tất yếu, cần có trong năng lực của người giáo viên.
Năng lực tổ chức hoạt động sư phạm của người giáo viên được thể hiện, trước hết ở chỗ, tổ chức và cổ vũ học sinh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau của công tác dạy học và giáo dục ở trên lớp cũng như ngoài trường, trong nội khóa cũng như trong ngoại khóa, cho từng học sinh cũng như cho tập thể của chúng; Năng lực tổ chức hoạt động sư phạm còn thể hiện ở chỗ, biết đoàn kết học sinh thành một tập thể thống nhất, lành mạnh, có kỉ luật có nền nếp đảm bảo cho mọi hoạt động của lớp diễn ra một cách thuận lợi.
Mục đích cơ bản của hoạt động giáo dục là nhằm đào tạo các thế hệ chủ nhân của đất nước có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy người thầy luôn luôn trau dồi, rèn luyện năng lực chuyên môn, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, năng lực dự báo.
Đồng thời, tăng cường phương pháp giảng dạy linh hoạt, đa dạng, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích người học phát huy tính năng động, độc lập trong tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo để quá trình học tập, nghiên cứu cho ra những sản phẩm thiết thực, có tính ứng dụng cao, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.402-403.
2. Tạ Minh Ngọc, từ điển Tiếng Việt.
3. Lê Văn Hồng, Lê Văn Hồng (chủ biên), (1998), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.190.
4. Trần Thị Huyền. Giáo dục học. Tài liệu giảng dạy. Trường Đại học An Giang.