Luật Nhà giáo góp phần nâng cao vị thế người thầy

GD&TĐ - Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao vị thế người thầy trong xã hội hiện nay.

Cô trò Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Cô trò Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nâng cao vị thế nhà giáo

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản, cơ chế chính sách chăm lo cho nhà giáo. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất và khó áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Nếu Luật Nhà giáo được thông qua thì lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành Giáo dục, có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo, góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo. Do đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đều rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào những tác động tích cực mà Luật sẽ mang lại.

Thầy Vũ Đình Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Một trong những vấn đề khó khăn mà ngành Giáo dục đã và đang phải đối mặt đó là tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên cần được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Còn cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, nhận thấy nhiều bất cập của đội ngũ giáo viên hiện nay như vấn đề tinh giản biên chế, viên chức hành chính liên quan đến nhà giáo, chế độ phụ cấp, tuyển dụng, quy hoạch, phát triển đội ngũ... Vì thế, đón nhận thông tin sẽ có Luật Nhà giáo khiến cô rất vui mừng.

Cô Nguyễn Thị Việt Anh - Chủ nhóm trẻ tư thục Đam Mê (tỉnh Điện Biên) bày tỏ, mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc. Với những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, giáo viên luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi, nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề. Từ thực tế trên, cô Việt Anh mong muốn, thời gian sớm nhất sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên.

Cô Quách Thị Nụ - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) cho rằng: Cần thiết phải sớm có bộ luật riêng bao quát, chi phối được hết các hoạt động của nhà giáo. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc chung của toàn ngành chỉ có thể giải quyết một cách thấu đáo khi Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực thi hành.

Luật Nhà giáo đã được ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng mong đợi suốt 19 năm qua.

Luật Nhà giáo đã được ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng mong đợi suốt 19 năm qua.

Tạo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Một trong những chính sách quan trọng trong Luật Nhà giáo đó là các quy định về định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. Trong đó, nội dung của chính sách sẽ xác định các vấn đề cơ bản liên quan đến chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo làm cơ sở để quản lý và sử dụng nhà giáo, đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Đồng tình với chính sách này, thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng: Trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, có những nhà giáo chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực, ảnh hưởng tới đồng nghiệp và sự đánh giá, nhìn nhận của xã hội đối với đội ngũ giáo viên nói chung.

Vì vậy, khi xây dựng Luật, bên cạnh những chính sách đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh nhà giáo cũng cần có những quy định cụ thể về hành xử của giáo viên và đạo đức nhà giáo trong trường học để đảm bảo quyền lợi cho cả giáo viên, học sinh.

Cô Đặng Thị Thu Trang - Hiệu trưởng Trường Liên cấp Vietschool Pandora - cho rằng dù ở môi trường nào, học sinh và các nhà trường cũng cần được hưởng bình đẳng và chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội như nhau. Các văn bản hiện tại đang phù hợp với nhà giáo công lập nhiều hơn mà chưa có sự chỉ đạo cụ thể để đảm bảo quyền lợi với những nhà giáo ngoài công lập.

Vì vậy, cô Trang bày tỏ mong muốn, với Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành tới đây, sẽ rõ ràng hơn trong các quy định về quyền và nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi chung cho nhà giáo không kể trường công hay trường tư. Luật sẽ thực sự là hành lang pháp lý, tạo công bằng, là cách thể hiện sự tôn vinh đối với nhà giáo một cách cụ thể.

Bên cạnh đó, cần có một hệ thống tiêu chí đánh giá phù hợp với các nhà giáo dù họ có làm việc trong cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập. Tất cả nhà giáo đều nhận được quyền lợi công bằng và xứng đáng, không có sự phân biệt. Họ sẽ cùng nhận được các cơ hội để phát triển nghề nghiệp tốt nhất và đóng góp vào sự phát triển trong hệ thống giáo dục.

GS.TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì cho rằng, Luật Nhà giáo đã được ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng, mong đợi từ nhiều năm qua. Khi Luật có hiệu lực, bên cạnh Luật Viên chức, nhà giáo cả công lập và tư thục còn được điều chỉnh bởi Luật Nhà giáo.

Bên cạnh hành lang pháp lý là Luật Viên chức, cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo để tạo khung pháp lý phù hợp và mềm dẻo cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo, cả công lập và tư thục, vì mục đích tột cùng là sự thành công của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.