Trong 2 ngày 27 - 28/1, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) phối hợp với Học viện Eurasia (ELI) về hạnh phúc và an lạc (Hiệp hội giáo dục Eurasia - Thụy Sĩ) tổ chức tập huấn Dự án “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2 năm học 2023 - 2024 (đợt 1) tại quận Ba Đình.
Trong ngày đầu diễn ra buổi tập huấn, bằng cách dẫn dắt vấn đề nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng không rời xa thực tế, diễn giả Trần Thanh Loan (38 tuổi, Trưởng dự án Trường học hạnh phúc tại Hà Nội) đã chia sẻ với gần 50 đại diện ban giám hiệu, giáo viên các trường về tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường trên con đường xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, nơi được mệnh danh là ngôi nhà thứ hai ấm áp của các em học sinh.
Quang cảnh buổi tập huấn. |
Theo diễn giả Trần Thanh Loan, năm 2018, dự án ‘Trường học Hạnh phúc’ lần đầu tiên được chúng tôi khởi xướng tại Huế. Sau đó từ năm 2022 - hiện tại, dự án đang được triển khai tại Hà Nội.
Đối với lộ trình xây dựng trường học hạnh phúc, sau quá trình thảo luận nhóm sôi nổi của thầy cô, diễn giả đã đúc kết lại và chỉ ra năm giai đoạn phản ánh rõ nhất các điều kiện bên trong, điều kiện bên ngoài cần thiết cho hạnh phúc cũng như an sinh trong giáo dục, bao gồm: Giai đoạn 1: Nâng cao nhận thức về “Giáo dục hướng tới hạnh phúc” trong lãnh đạo nhà trường; Giai đoạn 2: Đào tạo, phát triển giáo viên nòng cốt; Giai đoạn 3: Học sinh được tham gia và cùng trao quyền; Giai đoạn 4: Xây dựng hệ sinh thái Trường học hạnh phúc; Giai đoạn 5: Đánh giá và vận động chính sách thay đổi hệ thống.
Diễn giả Phương Vỹ chia sẻ tại buổi tập huấn. |
Khi giáo viên đã xây dựng được bộ quy tắc chung về trường học hạnh phúc, cũng như nhận thức được những giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ sẽ giúp họ và phụ huynh hiểu rõ hơn về học sinh, con em, đồng hành cùng các em một cách phù hợp hơn.
Sang ngày tập huấn thứ 2, thầy cô tham gia sẽ được tập huấn về cách quản lý cảm xúc, cách đối phó và chuyển hóa cảm xúc của mình. Theo chia sẻ của diễn giả, chúng ta nên phân biệt giữa cảm xúc và cách chúng ta phản ứng với cảm xúc.
Chia sẻ với báo chí diễn giả Thanh Loan bày tỏ, mong ước lớn nhất của tôi qua 2 ngày tập huấn đó là tạo ra được một không gian để thầy cô sẽ được chăm sóc, yêu thương, tôn trọng, an toàn và cảm thấy mình không chỉ là một người giáo viên mà có cảm thấy giá trị của nghề giáo, một ngành nghề cao quý. "Đó mới chính là nền tảng để có thể xây dựng được trường học hạnh phúc. Khi làm tốt điều đó, chắc chắn sẽ đem lại được hạnh phúc cho cho học sinh thân yêu...”, diễn giả Thanh Loan chia sẻ.
Theo các chuyên gia, để xây dựng Trường học hạnh phúc cần đáp ứng 22 tiêu chí (các tiêu chí Trường học Hạnh phúc của UNESCO). Trong đó có 5 tiêu chí cốt lõi, đó là: Yêu thương, Tôn trọng, An toàn, Hiểu và Có giá trị. Khi làm tốt 5 tiêu chí này, mỗi người sẽ tự cảm thấy hạnh phúc, chứ không phải hạnh phúc ép buộc.
Thầy cô tham gia các hoạt động thực hành tại buổi tập huấn. |
Trước đó (chiều 18/10/2023), Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức sơ kết Dự án trường học hạnh phúc năm học 2022-2023 và triển khai phương hướng năm học 2023 - 2024.
Dự án thí điểm năm đầu tiên đã được triển khai bắt đầu từ tháng 8/2022 (năm học 2022 -2023) với việc tập huấn và nâng cao năng lực, tri thức và thực hành về giáo dục cảm xúc xã hội cho nhóm giáo viên nòng cốt tại 3 trường (Tiểu học Phan Chu Trinh, THCS Nguyễn Trãi và Tiểu học - THCS - THPT Thực Nghiệm Khoa học giáo dục). Được biết, năm học 2023 - 2024, tiếp tục triển khai thí điểm Dự án trường học hạnh phúc tại 4 trường học (THCS Thống Nhất, THCS Phúc Xá. Tiểu học Thành Công A và Tiểu học Việt Nam - Cu Ba) trên địa bàn quận Ba Đình.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, việc hợp tác với doanh nghiệp xã hội ELI vì hạnh phúc và an lạc (Hiệp hội giáo dục Eurasia – Thụy Sỹ) nhằm đưa mô hình “Trường học hạnh phúc” về các trường học trên địa bàn quận. Qua đó, kiến tạo một hướng đi mới trong tương lai không chỉ là trường học mà thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em học sinh.