Bán ruộng lấy tiền học nuôi ước mơ làm giảng viên

GD&TĐ - Là một giảng viên trẻ đầy triển vọng, đang là nghiên cứu sinh ngành Công nghệ Vật liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ít ai có thể ngờ, Đặng Văn Hiếu (Trường ĐH Thành Đô) đã từng phải bỏ dở việc học khi hết THCS vì nghèo; trải qua 3 năm THPT tại trung tâm GDTX, rồi phải bán ruộng để nuôi tiếp ước mơ học tập.

Đặng Văn Hiếu - Giảng viên trẻ của Trường ĐH Thành Đô
Đặng Văn Hiếu - Giảng viên trẻ của Trường ĐH Thành Đô

Quyết tâm học để thay đổi số phận

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, mồ côi cha từ nhỏ, Đặng Văn Hiếu nhớ như in những ngày một mình mẹ làm lụng vất vả nuôi mình ăn học.

Gia cảnh quá khó khăn, Hiếu quyết định nghỉ học sau khi tốt nghiệp THCS để đi làm kiếm tiền giúp mẹ. Nhưng sức vóc cậu bé yếu ớt, mảnh khảnh không chịu nổi công việc nặng nhọc; lo lắng tương lai mịt mờ phía trước, Hiếu đã quyết định quay lại học tiếp THPT tại một trường TTGDTX của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) với mong muốn thay đổi số phận của mình.

Trong suốt 3 năm học THPT, Hiếu đạt thành tích cao và luôn là học sinh khá giỏi, là bí thư đoàn giầu năng lực. Quyết tâm học đã mang đến cho chàng trai trẻ nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh: Giải ba môn Hóa học lớp 11, giải khuyến khích môn Sinh học lớp 11, giải nhì môn Hóa học lớp 12, giải khuyến khích môn Toán lớp 12, Giải nhì cuộc thi giải Toán bằng máy tính cầm tay.

Tự tin vào học lực, nhưng không may mắn, ngay năm đầu tiên thi ĐH, Hiếu đã không đỗ. Thất vọng nhưng không bỏ cuộc, Hiếu theo người thân vào TP Hồ Chí Minh với dự định vào làm kiếm tiền và tiếp tục thi lại đại học. Đó là một khoảng thời gian khó khăn, bởi việc giữ vững bản lĩnh để vừa làm, vừa quyết tâm học không hề dễ dàng.

Giảng viên trẻ kể lại: Cũng trong thời gian đó tôi nhận được giấy giọi của Trường CĐ tư thục công nghệ Thành Đô (này là Trường ĐH Thành Đô).

Quyết định sẽ đi học, tôi nói mẹ bán phần ruộng lấy kinh phí, một phần cũng để thể hiện quyết tâm không quay về làm rộng nữa. Lúc ấy, tôi đã nói với mẹ: Xin được việc hay không là năng lực của chính mình, không phải là học ở trường nào. Thế là mẹ đồng ý và cho tôi đi học.

Giảng viên Đặng Văn Hiếu chụp ảnh lưu niệm cùng NGND Ngô Xuân Độ - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thành Đô
Giảng viên Đặng Văn Hiếu chụp ảnh lưu niệm cùng NGND Ngô Xuân Độ - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thành Đô 

Đường vòng chưa chắc là con đường dài

Với Đặng Văn Hiếu, thời gian học đại học vô cùng đáng nhớ. Từ những bỡ ngỡ ban đầu vì nhập học muộn, được thầy cô trong trường nhiệt tình hướng dẫn, phụ đạo; đến những ngày tháng miệt mài trên giảng đường, càng học càng thấy yêu ngành mình đã chọn.

“Tôi nhớ mãi lời của một thầy nói: “con đường vòng chưa chắc là con đường dài” và động viên chúng tôi học tập. Tôi đã rất cố gắng, thường xin giáo viên được thực hành cả 2 ca để được học nhiều hơn và ngày càng thấy yêu ngành mình đã chọn.

Học hết năm thứ 2, thầy trưởng khoa động viên nếu được bằng giỏi sẽ đề xuất giữ tôi lại làm giảng viên. Đó là động lực vô cùng lớn, giúp tôi phấn đấu nhiều hơn nữa. Và ước mơ đó đã thành hiện thực” – Đặng Văn Hiếu bồi hồi nhớ lại.

Nay, trở thành một giảng viên nhiều triển vọng, đang là nghiên cứu sinh ngành Công nghệ vật liệu điện tử tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, giảng viên trẻ chia sẻ kinh nghiệm đạt được thành công: Hãy luôn đặt mục tiên cho mình phấn đấu, trong đó có mục tiêu ngắn và mục tiêu dài.

Với tôi, mục tiêu ngắn là luôn luôn hoàn thành xuất sắc các môn học, luôn có thái độ cầu tiến và làm chủ cảm xúc của mình để tránh khỏi cám dỗ bên ngoài. Mục tiêu dài hạn là định hình cho mình một vị trí nghề nghiệp để vươn tới, luôn kiên định với mục tiêu đó.

“Hãy luôn tự tin về nơi mình học tập. Hãy học bằng đam mê, học vì ngày mai lập nghiệp, học đi đôi với hành, học phải tư duy liến kết kiến thức, không phải thụ động tiếp nhận; luôn đặt ra các câu hỏi “tại sao” khi gặp vấn đề mới; không ngại trả lời “không biết” để tìm kiếm và học hỏi…” – Giảng viên Đặng Văn Hiếu chia sẻ thêm kinh nghiệm của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ