Bản Mông hiếu học

Bản Mông hiếu học

(GD&TĐ) - Cách trung tâm xã Thu Cúc (Tân Sơn-Phú Thọ) 18km, bản Mông Mỹ Á nằm cheo leo trên đỉnh núi Củm Cò cao hơn 2000m. Từ năm 1983, đồng bào Mông từ Suối Giàng Yên Bái về bám trụ mảnh đất đầy nắng, đầy gió này. Trong cuộc mưu sinh đầy khó nhọc hơn 30 năm, người Mông Mỹ Á không quên cho con em mình xuống núi học chữ, mong một ngày mai tươi sáng. Câu chuyện học chữ của những đứa trẻ nơi đây thật đáng khâm phục.

Nằm trên đỉnh núi Củm Cò, bản Mông Mỹ Á là vị trí giáp danh giữa ba tỉnh Phú Thọ- Yên Bái- Sơn La, người ta thường nói Mỹ Á nơi con gà gáy sáng ba tỉnh đều nghe thấy. Theo ông Sùng A Tủa- Trưởng bản Mỹ Á thì vào năm 1983, hơn chục hộ người Mông từ Suối Giàng (Văn Chấn- Yên Bái) di cư sang mảnh đất này. Bởi ở đó, địa hình và đất đai với những ngọn núi tai mèo nhọn hoắt, phải lách đá để trồng ngô, trồng lúa nên không thể sinh sống ở đó. Khi đến Mỹ Á, thấy ngọn núi Củm Cò cao vời vợi, quanh năm mây trắng bao phủ, người Mông an lòng dừng chân nơi đây để định cư lâu dài. Tính đến nay, cả bản Mông Mỹ Á có trên 90 hộ với 584 nhân khẩu. Cuộc sống trở nên đông vui trên đỉnh núi mờ sương. 

Bữa cơm của học sinh Mỹ Á còn quá thiếu thốn
Bữa cơm của học sinh Mỹ Á còn quá thiếu thốn

Có cái ăn, bớt đi cái nghèo, điều đó đồng nghĩa với việc đồng bào nơi đây sẽ quan tâm tới việc học chữ của con em mình. Mặc dù đường xa, bàn chân còn nhỏ xíu nhưng khát vọng con chữ của trẻ em nơi đây còn cao hơn cả đỉnh Củm Cò mờ sương kia. 

Trưởng bản Sùng A Tủa cho chúng tôi biết, những năm trước đây, khi cuộc sống của dân bản còn nhiều khó khăn, đói nghèo đeo đẳng thì chuyện học chữ của con em dân bản nơi đây dường như rất hạn chế. Không phải đồng bào không nhận thức được việc học nhưng có lẽ bát cơm, hạt gạo còn vơi nên đồng bào không dám nghĩ đến. Vì vậy, khi ấy, con chữ bản Mông cũng theo đó mà “gầy teo”. Con trẻ bỏ học nhiều, có đứa học đến bậc THCS nhưng phải bỏ học để theo cha mẹ lên nương rẫy trồng ngô, trồng sắn để kiếm cái ăn. Gánh nặng mưu sinh đeo đẳng và nặng trên vai những đứa trẻ Mông còn đầy nét hồn nhiên. 

Khi dự án của chương trình 135 đến với đỉnh Củm Cò này cũng là lúc điểm trường Mầm non và Tiểu học Thu Cúc được đầu tư xây dựng khang trang. Có trường ngay tại bản, được Nhà nước hỗ trợ, những đứa trẻ trong độ tuổi được cắp sách tới trường. Thầy cô giáo ở điểm trường chính miệt mài lên cắm bản để dạy chữ cho bọn trẻ ở bản. Mặc dù việc dạy chữ ở đây còn nhiều khó khăn do phải dạy lớp ghép, rồi chuyện đi vận động học sinh đến trường nhưng thầy cô vẫn không nản lòng. Dần dần, trẻ con ở Mỹ Á thích đi học, yêu trường lớp và khát khao học lên cao hơn.

Khi tốt nghiệp bậc Tiểu học, ban đầu, dân bản e ngại không muốn cho con em mình đi học bậc THCS do cấp 2 không có điểm trường và điều kiện còn khó khăn, trường xa bản tới 18km nên việc đi lại, ăn ở của bọn trẻ còn khá khó khăn. Nhưng rồi, do được chính quyền và thầy cô vận động nên dân bản hiểu ra muốn thoát nghèo, muốn con em mình được làm cán bộ phải cho chúng đi học chữ ở cấp cao hơn. Do vậy, những đứa trẻ ở bản Mỹ Á tóc vàng hoe, khuôn mặt đầy nắng đầy gió lại “khăn gói” xuống núi thực hiện ước mơ của mình. Ngôi trường cấp 2- trường THCS Thu Cúc nằm ở trung tâm xã, cách bản 18km là nơi học trò Mông của bản Mỹ Á theo học. 

v
Học trò Mỹ Á ăn cơm theo nhà bếp khu bán trú

Để tạo điều kiện cho học trò trên núi yên tâm ở lại trường học chữ, Nhà nước đã đầu tư xây dựng khu bán trú ngay khu vực sau sân trường. Hằng ngày, học sinh bản Mỹ Á sau giờ tan lớp nghỉ tại phòng bán trú, cuối tuần nếu có điều kiện hay bố mẹ đón thì về thăm nhà. Theo thầy Mùa A Đàn- giáo viên Sinh, cán bộ phụ trách khu bán trú thì hiện nay, bản Mông Mỹ Á có 32 học sinh theo học ở hầu hết các khối lớp trường THCS Thu Cúc, cả 32 em đều ăn ở tại khu bán trú. Tuy nhiên, hiện nay, nhà trường mới chỉ dừng lại ở hình thức bán trú dân nuôi nên đời sống và điều kiện sinh hoạt của các em hết sức khó khăn. Mặc dù được Nhà nước trợ cấp cộng với số gạo, rau mà các em mang xuống hàng tuần nhưng bữa ăn của học trò Mỹ Á và cả khu bán trú vẫn còn đơn sơ lắm. Có nhà bán trú có nghĩa là trường sẽ giữ chân được học trò, các em sẽ không còn bỏ học lên núi như trước nữa.

Học cấp hai đã khó, học cấp 3 và đại học càng khó hơn bởi khoảng cách quá xa. Đứng trên đỉnh Củm Cò nhìn ra phía con đường trước mặt mà xa tít mù khơi. Vậy mà, sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học trò Mỹ Á đã quyết tâm vượt dốc, vượt suối, vượt đèo để đi học chữ “to” mong sẽ tìm thấy con đường sáng láng hơn ở phía trước. Từ bản đến trường cấp 3 (trường THPT Thạch Kiệt) mất chừng 30 cây số đường dốc, đèo khó đi. Vì xa như vậy nên học trò phải ở lại trường đến cuối tuần. Thầy Mùa A Đàn cho biết hiện nay, bản Mỹ Á có 5 em đi học nội trú ở tỉnh, 15 em trọ học tại trường THPT Thạch Kiệt. Con số tưởng như ít qúa nhưng đó là cả một sự nỗ lực lớn của dân bản và học trò nơi đây. Những buổi chiều chủ nhật, học trò bản Mông lại đeo theo nào gạo, nào muối, nào rau xanh để xuống núi theo học. Cái khó khăn vất vả hiện diện trên mỗi khuôn mặt, mỗi bước đi của những đứa trẻ nơi đây. 

Học trò Mỹ Á khiêng nước về nấu cơm chiều
 Học trò Mỹ Á khiêng nước về nấu cơm chiều

Khi được hỏi về số học sinh thành đạt, thầy Mùa A Đàn cho biết con số này chưa nhiều nhưng đã có 5 người đi học trung cấp, 1 đi học cao đẳng và bản thân thầy Đàn là người xung phong của bản đi học ĐHSP Hà Nội 2 khoa sinh về Thu Cúc dạy chính con em mình và làm công tác quản lý khu bán trú. Chắc chắn 15 học trò đang theo học cấp 3 kia sẽ có em trong nay mai theo học đại học. 

Dừng chân thăm học trò Mỹ Á ở khu bán trú trường THCS Thu Cúc vào một buổi chiều thu, được chứng kiến chuyện ăn ở học hành của các em, chúng tôi mới thấy chuyện học nơi đây còn khá khó khăn và nhọc nhằn. Tuy cơ sở vật chất dành cho việc học của các em tương đối khang trang nhưng đời sống và sinh hoạt nhất là bữa cơm thường ngày của học trò Mỹ Á cũng như ở các bản khác còn khá thiếu thốn vất vả. Là hình thức trường bán trú dân nuôi nên ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, việc sinh hoạt hàng ngày của học sinh bán trú chủ yếu là do phụ huynh đóng góp. Góp nhiều thì các em được no đủ, góp ít thì lại thiếu. Do vậy, trong một tuần, các em phải cân nhắc và lựa bát gạo sao cho đủ trong tuần. 

Chiều đến, khoảng 17 giờ, thầy và trò cùng vui chơi thể thao ngay tại sân vận động trước khu nhà bán trú. Một số em cùng nhau đi tắm tại khu bể nước và khiêng nước về bếp ăn để nấu cơm. Do chưa ăn tập trung nên các em, mỗi nhóm hay mỗi người một niêu. Các em nấu và ăn cơm ngay tại bếp ăn của khu bán trú. 

Thầy Trần Văn Toàn- Hiệu trưởng trường THCS Thu Cúc cho biết, tới đây, sẽ tiến hành cho các em trong cả khu bán trú ăn cơm tập trung và thuê một người cấp dưỡng nấu ăn hằng ngày cho các em để học trò đỡ đi vất vả sau mỗi giờ tan lớp.

Chứng kiến bữa ăn của học trò bản Mông, chúng tôi thấy chạnh lòng khi nghĩ đến học trò miền xuôi và ở những thành phố lớn, điều kiện học tập đã tốt, điều kiện chăm lo sinh hoạt còn tốt hơn nhiều lần ở đây. Chẳng thế mà, trên khuôn mặt hồn nhiên, đôi mắt sáng tràn đầy sự ham học còn pha cái nắng, cái gió của bản Mông và muôn nỗi nhọc nhằn. Điều đó đồng nghĩa với việc học trò nơi đây vẫn cần lắm và mong đợi sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước cùng các nhà hảo tâm để các em bớt đi những khó khăn, yên tâm học chữ. 

Bản Mỹ Á hôm nay đang thay da đổi thịt, mây mù tuy có bao phủ quanh năm trên dãy Củm Cò nhưng bầu trời Mỹ Á trong vắt một màu. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng gió này đang ngày đêm xuống núi miệt mài theo đuổi hành trình con chữ để cuộc đời ngày mai tươi sáng hơn. 

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ