(GD&TĐ) – Vụ nổ thiên thạch ở Nga khiến 1.200 người bị thương và 4.000 tòa nhà bị hỏng, đồng thời gây ra thiệt hại ước tính 33 triệu USD đã tạo ra một cuộc bàn luận sôi nổi về thiên thạch, qua đó thúc giục các nước tăng cường nỗ lực đối phó với nhiểm họa từ vũ trụ.
Vụ thiên thạch nổ rơi xuống Nga khiến nhiều tòa nhà bị hỏng |
Những vụ nổ thiên thạch có phổ biến không?
Thiên thạch phát nổ trên bầu trời thành phố của Nga ở khu vực núi Ural hôm thứ 6 tuần trước có thể là vụ thiên thạch “tấn công” lớn nhất vào Trái đất ghi lại được trong vòng hơn thế kỷ nay.
Tuy nhiên, theo nhà khoáng vật học Addi Bischoff của ĐH Muenster (Đức), thiên thạch rơi xuống khoảng 5 đến 10 lần mỗi năm, tạo ra những tác động nhỏ. Những thiên thạch kích cỡ lớn, giống như rơi xuống nước Nga và qua, diễn ra khoảng 5 năm một lần. Nguyên nhân vì sao chúng không được biết tới là do hầu hết chúng đều rơi xuống ở đại dương, núi non hay sa mạc.
Thực ra, một vật thể như thiên thạch rơi từ trên trời xuống trung tâm Cuba vào hôm thứ 5 tuần trước và biến thành một quả cầu lửa “lớn hơn mặt trời” trước khi nó phát nổ - một kênh truyền hình Cuba cho biết.
Tại sao nhiều người bị thương trong vụ nổ thiên thạch?
Vụ nổ thiên thạch ở Nga được cho là thiên thể lớn nhất va vào Trái đất trong vòng vài trăm năm qua.
Theo dữ liệu của NASA, đường kính của thiên thạch này khoảng 15 mét và nó bay xuyên qua khí quyển với vận tốc 64.000 km/h. Năng lượng của nó phát ra bằng 300 kiloton thuốc nổ TNT.
Quả cầu lửa lao trên bầu trời nước Nga đi với vận tốc 30km/ giây – cơ quan vũ trụ Nga cho biết.
Các nước cảnh giác với mối nguy từ vũ trụ
Chúng ta vừa chứng kiến sự tiếp cận gần nhất giữa một thiên thạch và Trái đất. Mặc dù nó chỉ lướt qua chúng ta nhưng trong tương lai, chúng ta có thể không may mắn như vậy vì rất nhiều các vật thể gần Trái đất vẫn chưa được phát hiện và những hành tinh nhỏ như 2012 DA14 có thể đủ mạnh để phá hủy cả một thành phố - các chuyên gia cho biết.
Sau vụ nổ thiên thạch, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã đề xuất thiết lập một hệ thống bảo vệ chung để đối phó với các hiểm họa từ vũ trụ. Ông cho biết sẽ trình lên Thủ tướng Dmitry Medvedev các đề xuất về cách đối phó với các vụ việc tương tự trong tương lai.
Các chuyên gia địa phương cũng mong muốn xây dựng một hệ thống cảnh báo và theo dõi mối đe dọa từ vũ trụ.
Các kỹ sư của cơ quan hàng không Anh đến Liên hợp quốc tuần này để bàn bạc với các đối tác với hy vọng đạt được một thỏa thuận. Họ đang có mục tiêu thu hút nguồn tài chính để theo dõi thiên thạch từ các nước khác.
Hà Châu (Theo Xinhua)