Bản lĩnh của nữ tỉ phú 21 tuổi

GD&TĐ - Sinh tại Na Uy, được giáo dục tại Anh, Alexandra Andresen không chỉ là tỉ phú trẻ nhất thế giới (từ năm 2016) mà còn là người rất có phong cách ăn mặc và thích chơi thể thao, kể cả những môn nguy hiểm. Điều đặc biệt nữa là cô không sống dựa vào số tiền thừa kế của mình.

Alexandra Adresen
Alexandra Adresen

Giàu từ trong trứng nước

Không xuất thân từ “cái nôi công nghệ” Silicon Valley, cũng không phải tay chơi Hollywood, số người biết về cô không nhiều, nhưng năm 19 tuổi Alexandra đã có trong tay số tài sản kếch xù 1,2 tỉ USD và được tạp chí Forbes tôn vinh là “tỉ phú trẻ nhất thế giới” trong danh sách tỉ phú năm 2016 dù mới lọt vào danh sách lần đầu.

Alexandra được đưa vào danh sách tỉ phú của Forbes chậm vài năm vì chính phủ Na Uy chỉ công bố danh sách những người đóng thuế trên 17 tuổi. Từ khoản thuế phải đóng truy ra sản nghiệp. Trong 1.810 tỉ phú thế giới năm 2017, Anderson xếp hạng 1.476. Năm 11 tuổi cô theo học tại trường tư Forres Sandle Manor ở thành phố Hampshire của nước Anh với người chị Katharina, hiện 22 tuổi, tỉ phú trẻ thứ 2 trong danh sách. Tỉ phú trẻ thứ 3 trong danh sách cũng là người Na Uy: Gustav Magnar Witzoe, 22 tuổi.

“Điều thú vị là 3 tỉ phú trẻ nhất thế giới đều là người Na Uy và đều là thừa kế” - Kerry Dolan, trợ lý chủ biên tạp chí Forbes nói. Không phải tất cả tiền bạc họ có đều do thừa kế nhưng tại vùng Scandinavia có truyền thống là chia gia tài cho các con từ khi chúng còn trẻ để người kế thừa có thể sớm làm quen với lĩnh vực kinh doanh của gia đình thay vì chờ trưởng thành “đủ lông đủ cánh” như ở nhiều nước khác. Ngoài ra, thuế chuyển nhượng tài sản cũng nhẹ hơn khi người nhận còn trẻ.

Gia đình Andresen làm giàu nhờ thuốc lá từ công ty do ông cố thành lập năm 1849 và trở thành nhà sản xuất thuốc lá thương hiệu Tiedemanns lớn nhất Na Uy. Tuy nhiên, năm 2005, gia đình bán công ty “vì lý do đạo đức”, gom được 500 triệu USD và chuyển sang kinh doanh địa ốc, đầu tư. Năm 2007 khi Alexandra mới… 10 tuổi, người cha Johan H Andresen quyết định chuyển 80% cổ phần trong công ty đầu tư Ferd Holding cho hai con gái.

Gia đình giàu có của Alexandra Andresen

Gia đình giàu có của Alexandra Andresen

Không thích lệ thuộc vào tiền thừa kế

Bất chấp sinh ra trong một gia đình giàu có, không ỷ lại vào số tiền thừa kế, Alexandra vẫn theo học trường công tại Oslo và đi lại bằng những chiếc xe second-hand. “Tôi luôn sống trong tiết kiệm và không tiêu xài hoang phí. Tiền thắng giải thưởng, tiền mừng sinh nhật tôi đều để dành. Bạn chỉ nên tiêu những gì do bạn làm ra với giới hạn của nó chứ không nên tiêu tiền của người khác, dù đó là của cha mình cho.

Tôi chỉ mua những gì thật sự cần thiết chứ không mua theo cảm tính hay “hội chứng bầy đàn”. Mua túi xách hay giày đều thế. Ngay từ trước khi được chia gia tài tôi cũng chưa bao giờ xin tiền cha mẹ để mua sắm những thứ không liên quan đến việc học hành. Số tiền của cha, tôi xem như đòn bẩy để tự đi lên bằng đôi chân của mình chứ không ăn xén vào đó. Tôi không muốn bị xem là tỉ phú nhờ… thừa kế!” - Alexandra bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn báo chí.

Hai chị em cũng cố duy trì một cuộc sống bình thường, không tiệc tùng hay đàn đúm ồn ào. “Chúng tôi sống hai phong cách, vừa chuyên nghiệp vừa nghiệp dư, vừa là doanh nhân vừa là nghệ sĩ. Có rất nhiều áp lực khi bạn trở thành tỉ phú từ lúc còn quá trẻ. Bạn phải tập làm quen với nó và phải biết cách điều chỉnh - Alexandra nói - Tên của chúng tôi luôn đi với… tiền, và đó là điều làm cho hai chị em không bao giờ thoải mái”, Alexandra kể lại trong bữa ăn trưa tại một ngôi trường tiểu học cô theo học ở Majorstuen, khu ngoại ô giàu có của thủ đô Oslo, khi bạn bè nhín lén và thấy cô có 15.000 kroner (1.200 bảng Anh) trong tài khoản.

“Các nam sinh bị sốc thực sự khi nhìn thấy con số này. Lúc đó tôi chợt hiểu phải làm sao để những người bạn mới tìm đến tôi vì tính cách của tôi chứ không phải vì tiền. Sau bài học này, tôi không bao giờ dùng tiền để thu phục người khác nữa. Bạn bè cũng không còn cơ hội nhìn thấy tiền của tôi” - cô nói. Bạn trai của Alexandra hiện nay là Joachim Tollefsen, 26 tuổi, giáo sư người Na Uy rất giỏi võ đang giảng dạy tại Đức, nơi thỉnh thoảng cô lại đến tranh tài đua ngựa quốc tế. Katharina vẫn sống ở Oslo, nơi cô tham gia điều hành công ty do ông cố thành lập năm 1849 nhưng nay kinh doanh địa ốc, ngân hàng và đầu tư.

Alexandra trong đời thường

 Alexandra trong đời thường

Người cha, ông Andresen rất muốn một trong hai con gái sẽ sớm đủ bản lĩnh để thay ông điều hành công ty thay vì giao chiếc ghế này cho một người bên ngoài nếu ông không còn đủ sức khỏe để đảm đương công việc. Hiện nhiệm vụ chính của Katharina là phụ trách các hoạt động từ thiện của gia đình và chuẩn bị lấy bằng khoa học xã hội tại Trường Đại học Amsterdam University College.

Alexandra quan tâm nhiều đến đua ngựa do kế thừa đam mê của người mẹ Kristin và cô đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Năm 3 tuổi cô đã được cho ngồi trên lưng những con ngựa nhỏ Shetland tại lâm viên quốc gia Kongsgarden Park ở Oslo. Năm 2013 cô đoạt huy chương đồng giải vô địch cưỡi ngựa European Junior Riders Championships diễn ra tại Compiegne, Pháp; và năm 2014 tiếp tục đoạt huy chương bạc tại European Junior Riders Championships diễn ra ở Arezzo, Ý với con ngựa chiến Belamour.

Tháng 9.2016, cô thi đấu ở Đức với sự tài trợ của tổ chức đua ngựa Kingsland, nơi cô là người mẫu. “Ngoài việc học hành đàng hoàng để trang bị thêm kiến thức phụ giúp hoạt động kinh doanh của gia đình, tôi chỉ mong dành hết thời gian còn lại cho môn đua ngựa” - Alexandra tâm sự với tạp chí Eurodressage. Hiện Alexandra và người chị giữ 42% cổ phần mỗi người của công ty Ferd Holding.

Theo The Economist, Daily Telegraph và Forbes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ