Không dễ giữ được bản lĩnh để cất giọng riêng trong mỗi sáng tạo thi ca. Nhưng không phải vì thấy khó mà vội buông bút hay cúi đầu chấp nhận trở thành mảng màu mờ nhạt…
Đó là thông điệp được các nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học đưa ra trong tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhân Ngày thơ Việt Nam.
“Ở đâu thơm đó”
Nhà thơ dân tộc Mường Bùi Tuyết Mai ví “Người như hoa, ở đâu thơm đó”. Bà Mai cho rằng, nhà thơ sinh ra từ một vùng văn hóa, giống như cây cỏ mọc lên từ đó; được thiên thời, địa lợi phát triển tốt tươi, thẩm thấu đầy đủ khí hậu thổ nhưỡng để phát triển; tài năng của vùng nào kết đọng và tụ được khí chất vùng đó.
“Thời gian với những dòng chảy tiếp biến văn hóa của nó sẽ trôi đi rất nhanh. Để hun đúc cho mình bản lĩnh kiên cường hơn người. Người biết vươn lên sẽ là những người xứng đáng có được những điều tốt đẹp nhất. Đó cũng là quá trình tự bản thân người nghệ sĩ sáng tạo biết tự loại bỏ những gì không phải là tinh chất, hồn cốt, tự mình dấn thân, trải nghiệm và chắt lọc”. Nhà thơ Bùi Tuyết Mai
Đặc biệt, đối với cộng đồng tộc người mang trong mình ngôn ngữ của họ thì cũng giữ trong mạch nguồn văn hóa của họ và có đặc trưng riêng bởi những yếu tố: Địa bàn lãnh thổ, phương thức tồn tại, ngôn ngữ, chữ viết…
Khi đó, nhà thơ có bản lĩnh chính là việc họ nghĩ, sống và làm những gì mà vùng văn hóa của tộc người kết đọng nơi họ, mặc định như vậy. Khi xuất hiện trước một rừng hoa muôn màu thì cây ấy, người ấy vẫn bộc lộ khí chất riêng có - thẻ căn cước, của họ, không bắt chước được.
Lấy trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mất 14 năm và phải đến lần thứ 3 ông mới bằng lòng với đứa con tinh thần là ca khúc “Mơ quê”, bà Mai cho rằng đó là một bản lĩnh sáng tạo đáng để học hỏi và hẳn mỗi người khi biết câu chuyện này sẽ thấy thấm thía về quá trình theo đuổi một tác phẩm ở người nhạc sĩ tài hoa.
Theo bà, từ việc tìm được nội dung tốt, chủ đề âm nhạc tốt “Người về hò hẹn cùng ai” đã là rất khó khăn, nhưng để có được thành công lớn lao như vậy thì đòi hỏi sức chịu đựng lớn, thực sự kiên trì và bền bỉ sáng tạo cho đến khi được công chúng bằng lòng thì tác phẩm “Mơ quê” của ông mới được xem là hoàn tất.
“Qua thực tiễn sáng tác và bản lĩnh sáng tạo tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho thấy từ bản lĩnh đến bản sắc của một nghệ sĩ, đó là lao động sáng tạo của một người có vốn sống phong phú, có kinh nghiệm trong nhiều vấn đề từ đó cất lên chất giọng riêng có của mình.
Có thể khẳng định rằng, để sáng tạo được tác phẩm mang cốt cách tinh thần của dân tộc mình, mỗi chúng ta cần phải là những con người bản lĩnh, tự đặt ra cho mình nguyên tắc sống để bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của cha ông để lại.
Đồng thời phải biết vun trồng cái cây từ lúc còn nhỏ, có cây nhỏ thì mới có cây cổ thụ; có cây cổ thụ rồi thì phải biết bảo tồn nó, không chặt phá, không phô trương, đồng thời không để bất kỳ thành tố văn hóa nào bị lấn át”, nhà thơ Bùi Tuyết Mai nhấn mạnh.
Bàn về giá trị của mạch nguồn truyền thống, TS Đỗ Thị Thu Huyền cũng đặc biệt lưu ý: “Mạch nguồn truyền thống vừa là sợi dây níu giữ, vừa là hành trang cần thiết trong sự dàn xếp hài hòa để hướng đến hiện đại. Đó là thứ làm nên bản lĩnh và vị thế của những nhà thơ dân tộc thiểu số trong dòng chảy văn học đương đại”.
Vậy nên, bà Huyền nêu bật: “Yếu tố độc đáo của mỗi dân tộc là điều kiện cần để gìn giữ; thêm vào đó, sự tự chủ, tinh thần phát huy truyền thống từ cái nhìn cởi mở là điều kiện đủ để trở thành động lực phát triển trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo”.
Với nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, thơ cũng như tình yêu, dễ dàng bị bại lộ nếu là giả, và chỉ “những gì đi ra từ trái tim sẽ giao thoa chạm gặp trái tim”. Đồng thời, “trong tình thế nào thì thơ cũng rất cần đến phẩm tính tự nhiên chân thành. Chính cái thi tính này gây tạo sức sống của thơ, sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại của thơ”.
Bởi vậy, bản lĩnh thơ là “tự do, tự tin, tự chủ viết câu chuyện của tâm hồn mình theo cách của mình. Tuy nhiên, cả bản lĩnh và bản sắc đều phải luôn được cài đặt ở chế độ động và mở, tức là nói không với cứng nhắc và bảo thủ. Bản lĩnh còn là biết tự xóa tẩy mình để làm mới mình, tức kiến tạo một phiên bản mới, một bản sắc mới.
Bản lĩnh còn là biết độ lượng với chính mình, bởi cuộc thơ thì vô cùng, người thơ thì thường khi lực bất tòng tâm. Và bản lĩnh còn là vừa biết tận tâm tận lực với thơ, vừa biết xem thơ chỉ là một nghề chơi, dẫu lắm công phu…”, ông Khoa đúc rút.
Đường thơ Ngày thơ Việt Nam 2024. Ảnh: Bình Thanh |
Thử thách của dễ dàng
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc cũng nhấn mạnh: “Nhà thơ bản lĩnh là phải luôn ý thức được rằng: Trong hoàn cảnh thế giới phẳng với những vấn đề toàn cầu hiện nay thì phải làm thế nào để tiếp thu văn hóa nhân loại mà không sa vào vọng ngoại, làm thế nào để giữ được bản sắc Việt, căn tính Việt để thơ Việt Nam có bản sắc riêng khác với thơ Trung Quốc, thơ Ấn Độ, thơ Nhật Bản hay thơ Hàn Quốc… Bản lĩnh của nhà thơ còn là phải giữ vững lập trường khi xác định sứ mệnh của nhà thơ là phải chống lại cái ác và tôn vinh vẻ đẹp nhân văn; không một thế lực nào có thể bắt mình nói những điều giả dối, trái với lương tâm”.
Từ góc nhìn: “Đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối”, nhà thơ Đặng Huy Giang thẳng thắn chỉ ra thực trạng “co vòi từ trong trứng” của không ít cây bút.
Theo ông Giang, ở quốc gia này, quốc gia khác, ở chỗ này, chỗ khác, vẫn có những nhà văn, nhà thơ vừa viết vừa lo không biết có làm sao không, có được xuất bản không; có người bỏ sở trường chạy theo sở đoản, để hợp thời mà bỏ thơ tình (đang rất thành công) xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu... Và kết quả đương nhiên là không ít tác phẩm dở dương, chết yểu, chẳng đâu vào đâu hoặc nếu có hoàn thành thì cũng đã bị đổi hướng, thay màu, biến chất.
“Họ không dám đối diện với họ, đối diện với trang giấy. Đó là những tác phẩm viết không tới và thường là những tác phẩm vô thưởng, vô phạt, có khi còn vô bổ, vô ích nữa. (…) Ấy là sự xa rời mình nên không thể trở thành mình. Ấy là sự tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh.
Có người làm thơ viết về nông dân thì giống nông dân, viết về công nhân thì giống công nhân, viết về cán bộ thì giống cán bộ... không thể hiện được cá tính sáng tạo của mình, cái riêng của mình. Cũng có nhà thơ cả đời chạy theo đề tài, coi đề tài là mục đích viết, cứ như là tin rằng đề tài sẽ làm nên tên tuổi của mình.
Nên nhớ, đề tài không phải là tất cả, đôi khi chỉ là cái cớ để viết. Bài thơ lớn hay nhỏ không hoàn toàn phụ thuộc vào đề tài. Có khi viết về hạt cát, ngọn cỏ lại hay hơn, có lý hơn viết về đại dương, khu rừng”, ông Giang nói.
Nhắc về việc đăng thơ trên báo, tạp chí, ông Giang cho biết, một thời từng là niềm vinh dự lớn lao đối với mỗi tác giả. Cũng vì, khi đó cả nước chỉ có báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới đăng thơ hoặc một số tờ báo khác thì chỉ đăng vào số Chủ nhật và một bài thơ. Vì thế, người được in một lúc một chùm thơ được coi là nổi tiếng.
Ảnh minh họa: ITN |
Việc xuất bản thơ cũng vậy, mỗi năm nhà xuất bản có liên quan đến văn chương chỉ phát hành khoảng 20 cuốn nên khó lòng in riêng mà thường các tác giả phải in ghép chung. Người trẻ làm thơ hồi ấy, được in một, hai bài thơ trong các tập thơ mang tên “Sức mới”, “Hoa trăm miền”... đã là vinh dự và may mắn. Song “những cái khó ấy cũng làm cho các tác giả phải không ngừng trui rèn bản lĩnh”.
Vậy nhưng, hiện nay thì việc đăng thơ quá dễ, người viết còn không đọc của nhau, không quan tâm đến tác phẩm của nhau. Ai cũng có thể đăng thơ chùm trên các báo, tạp chí. Ai cũng có thể xuất bản được sách. Còn việc tự xuất bản thơ qua Facebook thì dễ dàng và tự do hơn nhiều. Nhà nhà, người người cứ việc làm thơ, công bố thơ.
“Việc công bố thơ dễ dàng như thế cũng là một thử thách về mặt bản lĩnh đối với người viết, nhất là đối với những người không có tài, lại có phần ngộ nhận mình. Và trong trường hợp này, sự tự tin, sự tự làm chủ mình trở nên thái quá, trở nên phản tác dụng một cách nhãn tiền.
Nên nhớ: Bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài. Nêu thế để thấy: Trong cái khó luôn có cái khó của nó (đã đành) nhưng trong cái dễ cũng có cái khó của nó. Có khi cái dễ còn tạo ra thách thức hơn cái khó”, ông Giang cảnh báo.
“Trần Dần là một nhà thơ có bản lĩnh. Ông theo đuổi quan điểm nghệ thuật, cách nghĩ, lối viết của mình đến cùng. “13 mi ni” của ông là một minh chứng… Chế Lan Viên viết có phần khác. Ông “đào sâu, xoáy mạnh” về một hiện tượng có thật trong làng thơ. Ông chê những nhà thơ không dám là mình, đã không làm nên cơm cháo gì, mà còn khoe khoang một cách buồn cười hết chỗ nói. Đấy là sự đánh mất mình từ bản lĩnh đến tư cách. Đây cũng chính là một bi kịch đối với một người viết: “Những nhà thơ tuổi hổ/ Lại nghĩ mình phận mèo/ Đã liếm cá trong đĩa/ Lại còn kêu meo meo”. Nhà thơ Đặng Huy Giang