Tại buổi tọa đàm, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tên thật Nguyễn Khắc Tiềm, sinh ra và lớn lên ở làng Nành-Ninh Hiệp, Gia Lâm (Hà Nội).
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm bắt đầu viết từ khi còn làm một nhà giáo ở Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của ông chỉ thực sự tăng tốc và định vị khi ông vào định cư tại TPHCM.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã có mặt trong đoàn cán bộ chi viện cho giáo dục miền Nam. Làm thanh tra Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM được 3 năm, ông chuyển sang làm Báo Người Giáo viên nhân dân (nay là Báo Giáo dục&Thời đại). Môi trường báo chí và văn chương đã tạo bước ngoặt rõ nét trong những trang viết của ông.
Đối diện dòng chảy hối hả không ngừng của xã hội ngổn ngang tốt xấu và thiện ác, ông có tập bút ký “May quá, lòng tốt vẫn còn đây” bày tỏ trách nhiệm một trí thức nặng ân tình với tiến bộ cộng đồng.
Dù cuộc sống trên quê hương thứ hai gặp không ít thử thách, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm vẫn nhẫn nại vun đắp sự bình ổn cho vợ con và kiên trì sáng tác. Những tập thơ “Nữ hoàng trái cây”, “Chia tay võ sĩ dế”, “Thức đợi hoa quỳnh”, “Hương giao thừa”... đều được thai nghén trong căn hộ tập thể chật chội nhưng vẫn đầy mơ mộng của ông.
“Cuộc đời 82 năm của ông đã khép lại, nhưng tác phẩm văn chương và tinh thần sáng tạo của ông vẫn còn là câu chuyện tiếp tục được nhắc nhở với đồng nghiệp và công chúng.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm để lại cho chúng ta hơn 20 tác phẩm đã xuất bản và một số di cảo chờ xuất bản, bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Ở mỗi tác phẩm của ông, không chấp nhận bất kỳ sự dễ dãi và sự đãi bôi nào”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Nhà văn Bích Ngân chia sẻ tại toạ đàm. |
Tại tọa đàm, những người bạn thân thiết, những người đồng nghiệp đã chia sẻ sự trân trọng và nhiều kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.
Nhà thơ Trần Đăng Thao - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Giáo dục&Thời đại có những dòng chia sẻ gửi đến tọa đàm: “Là một đồng nghiệp với anh có 15 năm gắn bó chặt chẽ trong nghề, tôi biết Nguyễn Vũ Tiềm là một nhà báo giỏi, xông xáo, một cây bút có tâm, phát huy được những mặt mạnh và những phẩm chất tốt của một nhà giáo - giáo viên văn học, làm tốt công tác “truyền giáo” ở đất Chín Rồng…
Từ góc độ văn chương, tôi nhận thấy Nguyễn Vũ Tiềm là nhà văn đa tài và đa năng. Anh có thể ứng chiến trên mọi mặt trận của đời sống văn học: một nhà thơ, một cây bút lý luận phê bình, một nhà nghiên cứu và một tiểu thuyết gia, có lúc anh còn tham gia viết kịch bản phim điện ảnh, một con người xốc vác, tất bật,…”.
Trong những dòng tâm sự, nhà thơ Trần Đăng Thao cũng nhấn mạnh: “Hội Nhà văn TPHCM vừa ra Quyết định truy tặng giải thưởng Cống hiến trọn đời nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đối với sự nghiệp văn học nước nhà. Nghĩa cử cao đẹp và thấm đẫm chất nhân văn này âu cũng là một sự bù đắp, an ủi đối với một văn tài đã trọn đời lao động nghệ thuật, không biết đến sự ngơi nghỉ trên lãnh địa văn chương”.