Bản Khoang - trước ngày "khai giảng muộn"

Bản Khoang - trước ngày "khai giảng muộn"

(GD&TĐ) – Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) đúng vào đêm trước ngày khai giảng (5/9) đã khiến biến bản sầm uất nhất thuộc trung tâm xã thành bản “chết”, bản “đá” đầy tang thương. Sau mấy ngày chung lưng đấu cật khắc phục hậu quả, Bản Khoang đang dần “gượng dậy”. Theo Bí thư Huyện ủy Sa Pa Hầu A Lềnh, một trong những việc cần làm ngay là sớm khắc phục, tổ chức được lễ “khai giảng muộn” vào ngày mai (9/9), giúp các em học sinh sớm được tới trường…

f
Quang cảnh Trường Dân tộc Bán trú THCS Bản Khoang trước ngày khai giảng muộn 9/9

Nơi tiếng trống trường ngưng lặng

Sáng 8/9, khi chúng tôi trở lại Bản Khoang cũng là lúc các thầy cô giáo vừa treo xong khẩu hiệu, chuẩn bị lên đường đi vào từng bản động viên các em học sinh ngày mai đi “khai giảng muộn”.

Khai giảng muộn!

“Cụm từ lần đầu tiên tôi được nghe thấy trong đời vì nó gắn với nỗi đau quá bất ngờ, lại xảy ra đúng vào ngày khai giảng năm học mới năm nay” – Thầy Trần Quang Sáng, Hiệu trưởng Trường Dân tộc Bán trú THCS Bản Khoang, ngậm ngùi nhớ lại.

Cơn lũ quét bất ngờ và kinh hoàng đột ngột ập đến đêm 4/9 và điểm đầu của dòng lũ tới khu dân cư lại chính là dãy nhà tập thể giáo viên Trường Dân tộc Bán trú THCS Bản Khoang có 7 hộ, sau đó tràn xuống bản người Dao Can Hồ nơi có 45 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu đồng bào Dao.

Dòng lũ mang theo khối đá tảng khổng lồ, nhiều tảng to như nửa căn nhà cùng vô số cây cối, bùn đất đã nhấn chìm, cuốn phăng, làm biến mất cả căn nhà tập thể giáo viên, 10 ngôi nhà gỗ, nhà xây kiên cố của người dân, làm hư hỏng nặng 15 căn nhà khác. 11 người chết và mất tích trong đó có 3 trẻ em bị chết thảm khi đang chuẩn bị sách vở ngày mai đi khai giảng. 17 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng. Trong 8 người bị thương nặng thì có 4 giáo viên. Trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, các công trình nước sạch, tỉnh lộ đều bị hư hỏng nặng nề…

Trường học của thầy Trần Quang Sáng là một trong những địa chỉ có nhiều thiệt hại nhất: 4 thầy cô giáo bị thương nặng gồm 2 phó hiệu trưởng, 2 giáo viên, cháu bé 3 tuổi con thầy giáo Hà Thanh Sơn bị chết,ột khu tập thể bị cuốn phăng, các thầy cô đều không còn nơi ở, đồ đạc, tài sản.

Cô giáo trẻ Phạm Thị Vui, sinh năm 1992, quê ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) là giáo viên Trường mầm non Bản Khoang thảng thốt nhớ lại: “Bọn em là giáo viên trẻ, lên đây được hơn một năm, chưa có nhà ở nên phải đi thuê nhà nhưng may mắn hơn là khi lũ ập đến, chúng em chạy được lên chỗ trụ sở xã. Sau giây phút kinh hoàng, nghe tiếng gào thét kêu cứu của mọi người, bọn em bình tĩnh lại và các anh giáo viên có sức khỏe hơn đã dũng cảm phân công nhau đi tìm kiếm, cứu người suốt đêm ấy”.

Lội qua những bãi đá khổng lồ và con suốt chảy xiết gầm réo, chúng tôi tới nhà anh Chảo Duần Chỉn, vừa bị mất bố mẹ và đứa con gái út, cháu Chảo San Mẩy, học sinh lớp 7. Nhắc đến năm học mới, anh bật khóc nức nở: “Tối hôm trước, nó còn tíu tít chuẩn bị quần áo mới để đi khai giảng. Không hiểu sao, đã qua 6 mùa khai giảng, nhưng khai giảng năm nay, cháu phấn khởi hơn rất nhiều. Vậy mà chỉ trong phút chốc, cháu không có được mùa khai giảng lần thứ 7 và vĩnh viễn không bao giờ được khai giảng nữa”.

Thầy giáo Trần Quang Sáng cho biết, em Chảo San Mẩy là học giỏi, chăm ngoan đồng thời là hạt nhân văn nghệ. Nếu cơn lũ không đến, hôm khai giảng em sẽ tham gia đội khánh tiết và trình bày một tiết mục văn nghệ…

đ
Tấm bảng khai trường bị “lỗi hẹn” vì cơn lũ

Gượng dậy cho lễ “khai giảng muộn”

Trong những khó khăn bộn bề khi mất bản, mất người, mất đất, trường thiếu thầy cô, học trò mất cha mẹ nhưng lãnh đạo tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa vẫn đặt ra những nhiệm vụ đầu tiên là phải sớm đưa các em học sinh đến trường trở lại.

Việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận hủy 3 cuộc họp, có mặt ngay từ sáng sớm 6/9 kiểm tra, chỉ đạo, động viên thầy cô giáo, học sinh và nhân dân đã để lại sự xúc động lớn lao. Người đứng đầu ngành Giáo dục đã đến ngay nơi đau thương nhất ngành Giáo dục sau ngày khai giảng, có nhiều chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời để lễ khai giảng “muộn” được tiến hành chỉ sau 4 ngày cơn lũ đi qua.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, hàng trăm thùng sách, đồ dùng học tập đã được gửi tới các trường học, giúp các em học sinh bị lũ cuốn trôi sách vở, đồ dùng học tập có đủ sách, dụng cụ tới trường. Với nhà trường có 4 thầy cô giáo đang phải điều trị tại bệnh viện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa đã kịp thời điều động bổ sung 2 giáo viên giảng dạy.

Khi chúng tôi gọi điện liên hệ với thầy Nguyễn Công Hưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Khoang, tôi lại được nghe thêm một câu chuyện xúc động nữa. Thầy Hưng nói thầy và tất cả thầy cô giáo đang đi vào từng bản động viên các em học sinh và phụ huynh ngày mai đi khai giảng. “Bản xa nhất phải đi bộ 12 cây số nhưng chúng tôi đều đi tới từng nhà. Chúng tôi đã trích quỹ mua thêm quà bánh tới động viên các em học sinh” – Thầy Hưng nói.

Thầy Hưng còn giải thích thêm, cơn lũ đã đi qua nhưng nỗi hoang mang, hoảng loạn trong người dân chưa chấm dứt. Đồng bào dân tộc nhận thức còn hạn chế, vừa sợ lũ, vừa sợ “ma” không dám cho các con đến trường. Sự gần gũi, động viên của các thầy cô lúc này là rất cần thiết.

Về nỗi lo dòng suối chảy xiết và nhiều tảng đá lớn khiến các em nhỏ không thể đến trường như trước kia, thầy Hưng cho biết sẽ động viên các phụ huynh đưa con đi học và sáng ngày mai, các thầy cô sẽ ra tận đầu con suối đón học sinh. Trong ngày hôm nay, lực lượng bộ đội và dân quân sẽ bắc một số cây cầu tạm giúp học sinh vượt suối tới lớp…

Tấm lòng người thầy nơi vùng lũ

Cô Phạm Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường mầm non - kể, suốt mấy ngày qua, gần như là những đêm trắng của các thầy cô giáo tại Bản Khoang. Ban ngày, tất cả các thầy cô dầm mưa cùng bộ đội, công an thu dọn bùn đất, lau rửa phòng học tới tận khuya mới về nhà ăn vội bát cơm rồi lại soạn bài.

Các thầy cô giáo nơi đây đều còn rất trẻ từ dưới xuôi hoặc địa phương khác cách hàng trăm cây số vì yêu ngành, yêu nghề tình nguyện lên đây dạy học. Cô Thúy bảo, tiếng là dạy học ở xứ du lịch Sa Pa nhưng cuộc sống, công việc của các thầy cô chẳng hề nhàn hạ.

Từ thị trấn Sa Pa vào Bản Khoang, tuy chỉ gần 40 km nhưng con đường cũng “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” chẳng kém câu thơ Quang Dũng với rất nhiều khúc cua tay áo. Dù đã có thêm phụ cấp ưu tiên khu vực, lương của các cô giáo lâu năm như cô Tuyusy cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, tạm trang trải cho sinh hoạt nơi này rất đắt đỏ, giao thông khó khăn.

Xã Bản Khoang gồm các bản người Dao, người Mông nghèo, thôn Can Hồ A được coi là khá nhất xã nhưng khi mở cuốn sổ ghi danh sách học sinh Trường Dân tộc Bán trú THCS Bản Khoang của thầy hiệu trưởng Trần Quang Sáng, chúng tôi chợt nhói lòng ở phần ghi chú đều được đánh dầu mực đỏ san sát dòng chữ nói về hoàn cảnh các em: “ hộ nghèo”, “hộ cận nghèo”.

f
Sáng 8/9, các thầy cô giáo đã lội suối tới động viên học sinh tới trường khai giảng

Trò nghèo, thầy cô cũng nghèo mà thầy cô lương đã thấp còn phải bỏ tiền túi thuê xe ôm lên bản xa động viên học sinh không bỏ học hay mua lương thực, quần áo hỗ trợ các em. Trong số gần 100 thầy cô giáo nơi đây, còn rất nhiều người khó khăn về chỗ ở. Như cô giáo Trần Thị Hà bị thương nhẹ nhưng đã bị lũ cuốn mất nhà nay không còn nơi ở, cũng không còn tài sản, đồ dùng sinh hoạt. Các cô như cô Hà, cô Duyên phải chung nhau thuê nhà dân.

Nghe thầy giáo Trần Quang Sáng kể mà tôi không khỏi chạnh lòng. May sao sau cơn lũ, địa phương cũng vừa khánh thành một khu nhà bán trú trị giá 8 tỷ đồng cho các em học sinh. Giờ đây, vào năm học mới, các em đã có nhà bán trú mới. Khu nhà bán trú làm tạm bằng gỗ của các em trước đây lại trở thành khu tập thể tạm của những thầy cô vừa mất nhà…Các thầy cô vẫn nhường cho học sinh những gì thuận lợi, tốt đẹp nhất.

Nghe thầy Sáng kể, tôi lại nhớ hình ảnh hôm ông Phạm Vũ Luận đến thăm trường tiểu học, các cô giáo còn miệt mài vét bùn trong lớp, không ai nhận ra Bộ trưởng đứng trước mặt. Phải tới khi anh Phạm Ngọc Phương - Chánh văn phòng Bộ - giới thiệu, các cô mới biết, cầm nguyên cả xẻng, cuốc chạy đến đứng quanh người lãnh đạo cao nhất ngành.

Nghe Bộ trưởng hỏi các thầy cô giáo có nguyện vọng gì, một cô giáo nói trong nước mắt một lời đề nghị: "Chúng cháu chỉ xin các bác quan tâm làm sao có trường lớp kiên cố và đường sá để các em học sinh đi học đỡ khổ…".

Các thầy cô giáo không “xin” gì cho mình cả. Nhưng ấm lòng hơn khi tôi được biết, chiều hôm qua, khi tới thăm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải làm thật sớm việc xây dựng khu dân cư mới và nhà công vụ cho giáo viên.

fd
Chiếc cầu tạm vừa được lực lượng dân quân bắc qua suối sáng nay để giúp học sinh tới trường khai giảng ngày mai (9/9)

Nhưng đó còn là việc của ngày mai…

Ngày mai, lễ khai giảng muộn theo các thầy cô cho biết sẽ diễn ra rất nhanh, sẽ chỉ còn phần lễ mà không còn phần hội như trước…

Ngày mai, các thầy cô sẽ dành nhiều thời gian hơn để hỏi han, động viên, giúp các em bớt đi nỗi sợ, yên tâm tới trường…

Ngày mai, sẽ có một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân và học sinh thiệt mạng vì cơn lũ

Ngày mai, mục đố vui có thưởng như dự định của ngày khai giảng sẽ được cắt bỏ nhưng các em vẫn được tặng quà…

Ngày mai, những cuốn vở được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi tặng sẽ được phát tới tay từng em, thay cho những cuốn sách vở bị cuốn theo dòng lũ…
 

Theo Nguyên Minh - Chu Anh (qdnd.vn)  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.