Băn khoăn chất lượng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuẩn bị mùa tuyển sinh 2024, nhiều trường đại học lên kế hoạch mở ngành mới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, đa số các ngành dự kiến mở năm nay vẫn “hot” trong tuyển sinh thuộc nhóm quản lý kinh doanh, công nghệ thông tin…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 cho phép các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Chủ động nghiên cứu và mở ngành mới vào mỗi mùa tuyển sinh cho thấy sự năng động của cơ sở giáo dục đại học, nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh và xã hội. Tuy vậy, bên cạnh tín hiệu tích cực, việc các trường “trăm hoa đua nở” mở ngành đồng thời để lại những băn khoăn.

Xu hướng mở nhiều ngành mới liên quan đến công nghệ cho thấy giáo dục đại học đang nỗ lực đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng trong cuộc đua mở ngành lĩnh vực này có trường tăng trưởng rất nóng mà chưa chuẩn bị kỹ đội ngũ. Câu chuyện ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả dạy ngành công nghệ thông tin ở nhiều trường đại học, trong đó có trường kéo dài 6 năm, là một chỉ dấu cảnh báo cho thấy sự thiếu hụt nhân sự đào tạo ngành “hot”, dẫn đến qua loa trong tuyển dụng. Điều kiện về cơ sở vật chất cũng tương tự.

Ở một số trường, tiêu chí diện tích sàn xây dựng chưa đảm bảo quy định, phải đi thuê mướn bên ngoài, sinh viên chạy “show” giữa các cơ sở đào tạo, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm không ngừng tăng lên, ngành mới vẫn mở. Lại có trường chương trình đào tạo như cũ, gọi là mở ngành mới nhưng chỉ đổi mới tên, “bình mới rượu cũ”, gây khó khăn cho học sinh trong hướng nghiệp.

Tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ tài chính buộc các trường phải tính toán mở những ngành đào tạo có sức hút với thí sinh để có nguồn thu. Thời gian qua, có nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ nhưng ồ ạt mở thêm mã ngành kinh tế; trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y khoa; trường sư phạm rộng mở đào tạo đa ngành...

Chung quy, việc chuyển hướng này cũng vì bài toán tuyển sinh. Khi thí sinh tiếp tục theo “trend” với nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất (24,54%); máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 (11,79%); công nghệ kỹ thuật đứng thứ ba (9,18%) (theo thống kê của Bộ GD&ĐT về tình hình tuyển sinh 2022), thì các trường dù đặc thù cũng khó đứng ngoài cuộc.

Lấy ngành mới “nuôi” ngành đặc thù là thực tế có thật ở các trường, không ai cấm, nhưng lại đặt ra nhiều trăn trở về quy hoạch ngành nghề trong tương lai. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm 2020 - 2022, bốn lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Số và chất lượng nhân lực những ngành đặc thù, truyền thống sẽ ra sao khi các trường nhóm này lo tuyển ngành mới với chỉ tiêu/điểm chuẩn cao, trong khi ngành truyền thống lại lèo tèo, điểm chuẩn chỉ ngang sàn mà vẫn tuyển không đủ?

Cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch, việc các trường đại học mở ngành mới là xu hướng tích cực, vấn đề là làm sao để đào tạo chất lượng, hiệu quả, bên cạnh đó an ninh nhân lực của quốc gia không bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, việc tập trung ồ ạt hoặc xem nhẹ tuyển sinh một số nhóm ngành trong một giai đoạn cũng có khả năng dẫn đến bão hòa nhân lực hay khủng hoảng trong tương lai.

Vì thế, song song với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo những ngành mới, cần thiết đẩy mạnh hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực của từng ngành nghề, của mỗi địa phương; đặc biệt cần nâng chất công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Khi thí sinh chọn ngành với ý thức, nhận thức cao hơn, không chọn ngành theo phong trào, thì công tác mở ngành của các trường sẽ dần sát với nhu cầu thị trường lao động, thay vì nặng thỏa mãn thị hiếu theo “trend” của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.