Chú trọng nhân lực phục vụ địa phương
Trường ĐH Trà Vinh thời gian qua đầu tư các ngành đặc thù, mở rộng ngành mới theo hướng đa dạng hóa gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương và khu vực.
Theo PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, với tốc độ tăng trưởng mạnh, tiềm năng phát triển và nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành logistics hiện nay và trong những năm tới được dự báo ngày càng tăng trưởng. Trường ĐH Trà Vinh đã thành lập Trung tâm Đào tạo Logistics và Thương mại điện tử nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết phát triển nguồn nhân lực logistics ở ĐBSCL. Đây là bước đi tiên phong của nhà trường trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực trong ngành logistics hiện nay.
Đặc biệt, trường tập trung đầu tư, phát triển nhân lực chất lượng cao về năng lượng, điện, cảng, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học sức khỏe, kinh tế, du lịch, công nghệ sinh học, quản lý môi trường… Đồng thời, nhà trường gắn kết với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh thực hiện đào tạo theo địa chỉ, đặc biệt mở rộng chương trình đào tạo Co-op - mô hình đào tạo đặc thù của nhà trường.
Co-op là chương trình có sự liên kết đào tạo với các doanh nghiệp lớn, với 1/3 thời gian đào tạo cho phép sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp như một nhân viên tập sự. Qua đó giúp người học tích lũy các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, thực tế ở vị trí việc làm và nâng cao cơ hội làm việc sau khi ra trường.
Là một trong những đơn vị trọng điểm của khu vực ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong đào tạo, phát tiển nguồn nhân lực cho các địa phương và cả nước. Năm 2022, trường mở thêm 5 chương trình đại trà: An toàn thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật cấp thoát nước, Thống kê. Trường có thêm 3 chương trình chất lượng cao: Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kỹ thuật phần mềm.
Theo lãnh đạo nhà trường, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL và cả nước, yêu cầu thực tế cũng như vị trí việc làm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trường mạnh dạn đề xuất và mở mới các chương trình đào tạo nêu trên. Những ngành này đáp ứng nhu cầu việc làm trong 5 - 10 năm tới. Chương trình đào tạo cũng được xây dựng với sự góp ý của các chuyên gia và nhà tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường tiếp tục tập trung cho định hướng nghiên cứu công nghệ cao, tự động hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Định hướng trên nhằm đưa Trường ĐH Cần Thơ thành cơ sở giáo dục ứng dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý. Nhà trường tiếp tục phát triển cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ngoài trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và vùng khác.
Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thực tập tại phòng thực hành in 3D. |
Phát triển các chuyên ngành đặc thù
Theo TS Lê Thị Thu Diềm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Logistics và Thương mại điện tử (Trường ĐH Trà Vinh), ngành thương mại điện tử được giảng dạy lý thuyết kết hợp với phân tích tình huống thực tế tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước; các cơ quan đang vận hành chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử. Ngoài ra, trường mời chuyên gia đến từ doanh nghiệp để chia sẻ những vấn đề thực tiễn trong việc thiết kế và vận hành hệ thống thương mại điện tử tại đơn vị; tổ chức đi tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm, thực tập Co-op tại doanh nghiệp có kinh doanh thương mại điện tử.
Các trường đại học ngoài công lập cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở ngành học đón đầu xu hướng phát triển vùng. Năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Tây Đô tuyển sinh và đào tạo 1 ngành trình độ tiến sĩ (Quản trị kinh doanh), 6 ngành trình độ thạc sĩ (Dược lý và Dược lâm sàng, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, Luật Kinh tế), 29 ngành trình độ đại học chính quy, 3 ngành hệ đào tạo từ xa. Đồng thời, trường tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp với vùng ĐBSCL và cả nước.
Theo PGS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng nhà trường, năm học vừa qua, trường đã mở mới 1 ngành đào tạo trình độ đại học (Thiết kế đồ họa); 2 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 1 ngành trình độ tiến sĩ. Trường xúc tiến mở ngành điều dưỡng trình độ thạc sĩ, ngành dược lý và dược lâm sàng trình độ tiến sĩ… cho mùa tuyển sinh tới.
Trường ĐH Nam Cần Thơ năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo tập trung mở mới các ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và sức khỏe. Theo TS Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị đang đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện cơ cấu ngành, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, trường gấp rút xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn nữa cho công tác đào tạo.
Hội đồng trường đã thống nhất đầu tư xây dựng Trung tâm Phát triển và Ứng dụng phần mềm, quy mô 7 tầng; dự kiến, tháng 12/2022 sẽ khánh thành đưa vào sử dụng. Trường khởi công xây dựng tòa nhà “Viện Nghiên cứu - Đào tạo khoa học sức khỏe” có kết cấu 10 tầng; dự kiến, tháng 5/2024 hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng quy mô đào tạo cho 5.000 sinh viên theo học khối sức khỏe. Từ năm 2022 đến năm 2030, Trường ĐH Nam Cần Thơ sẽ hoàn thiện các hạng mục: Xây dựng khu giảng đường và Viện Dưỡng lão hiện đại phục vụ thực hành, thực tập cho sinh viên các ngành thuộc khối sức khỏe, khối kỹ thuật công nghệ cao.
Trường ĐH Cần Thơ vừa thành lập 4 trường (Bách khoa, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Kinh tế, Nông nghiệp). Theo GS Hà Thanh Toàn, với mô hình trường chuyên ngành, việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh hơn, tăng vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới, tạo động lực phát triển đến từng giảng viên. Các trường chuyên ngành sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh của mình để phục vụ cộng đồng…