Bám bản xóa mù

GD&TĐ - Trong khi đa số đồng nghiệp bắt đầu kỳ nghỉ hè bằng những chuyến hồi hương hay đi du lịch thì nhiều giáo viên vẫn bám bản, bám trường...

Thầy Công trong một tiết dạy học.
Thầy Công trong một tiết dạy học.

Nhiều giáo viên ở vùng cao Phong Thổ (Lai Châu) ở lại trường, cùng với việc tham gia tập huấn Chương trình GDPT mới, họ còn tranh thủ vận động học sinh đến lớp trong năm học tới…

Gác lại kỳ nghỉ

Khi trời đêm buông xuống, lớp học xóa mù chữ tại bản biên giới Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) lại sáng đèn. Học viên người bản địa, già có, trẻ có tạm gác công việc gia đình để lên lớp tập đọc, tập viết. Từ tháng 3 đến nay, đều đặn từ tối thứ 2 đến thứ 7, thầy Lý Văn Phương, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Sì Lở Lầu đứng lớp với những học viên chưa biết mặt chữ, xa lạ với tính toán ở bản Lả Nhì Thàng.

Thầy Phương chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi có gặp chút khó khăn do bà con chưa hiểu lợi ích của việc học chữ. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, hiểu vai trò của việc biết chữ cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình xóa mù chữ, học viên đã tự nguyện theo học”.

Lả Nhì Thàng là bản nằm ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc với 100% người dân tộc Dao đỏ. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên chương trình xóa mù chữ vì thế cũng đối diện với nhiều rào cản. Lớp của thầy Phương có 19 học viên. Người lớn tuổi nhất đã 61 và trẻ nhất là 35 tuổi. Họ đều là lao động chính trong gia đình, ngày phải lên nương, tối đến mới có thời gian tranh thủ tới lớp.

Bà Sần Ga Giê (bên phải) học viên cao tuổi nhất tại lớp xóa mù chữ bản Dền Thàng.

Bà Sần Ga Giê (bên phải) học viên cao tuổi nhất tại lớp xóa mù chữ bản Dền Thàng.

Cũng theo thầy Phương, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng là một trở ngại trong việc duy trì lớp xóa mù. Học viên thường xin nghỉ học để giúp đỡ gia đình trong lúc mùa vụ như: Đi làm ruộng, đi phát nương thảo quả... Vì thế, giáo viên phải tìm hiểu để điều chỉnh lịch học phù hợp với thực tế.

“Ngôn ngữ và văn hóa là một trong những thách thức lớn đối với việc dạy chữ cho bà con. Người dân tộc Dao đỏ tại bản Lả Nhì Thàng sử dụng ngôn ngữ và có truyền thống văn hóa riêng biệt. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải nắm bắt và hiểu sâu văn hóa, phong tục của đồng bào để có phương pháp dạy học phù hợp. Nhờ đó, học viên cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình học và việc tiếp thu kiến thức cũng thuận lợi hơn”, thầy Phương chia sẻ.

Nhà thầy Phương ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, cách trường khoảng 70km. “Mỗi tuần thầy và đồng nghiệp dạy 6 buổi tối, vì nhà xa nên tôi ở lại trường. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi tập huấn chuyên môn và đến nhà để vận động các em đến trường trong năm học mới”, thầy Phương kể đồng thời thông tin thêm:

Là một trong số giáo viên lâu năm tại xã Sì Lở Lầu nên việc sử dụng ngôn ngữ địa phương để giao tiếp không gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bà con quen với hình ảnh thầy cô đến nhà thăm trò rồi dạy lớp xóa mù cho phụ huynh nên việc vận động trẻ ra lớp thuận lợi hơn nhiều.

Thầy Công (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí Đội sản xuất 365 và trưởng bản đến vận động người dân tham gia lớp học.

Thầy Công (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí Đội sản xuất 365 và trưởng bản đến vận động người dân tham gia lớp học.

Hiện thực hóa khát khao biết chữ

Không còn là những tiếng đánh vần ê a như ngày đầu đến lớp, sau khoảng 3 tháng tham gia lớp học, chị Chẻo Lụ Mẩy (sinh năm 1984), người bản Lả Nhì Thàng đã đọc ghép được thành câu. Chữ viết của chị cũng ngày càng nắn nót, khác hẳn với nét chữ nguệch ngoạc ngày đầu đến lớp.

Kết quả của chị Mẩy cùng 18 học viên khác cũng chính là tâm huyết của thầy Phương và những thầy cô đang nỗ lực “hiện thực hóa” khát khao biết chữ của bà con dân bản vốn chịu nhiều thiệt thòi. Chị Mẩy chia sẻ: “Tôi đăng ký đi học để biết chữ, sau này còn dạy con. Cảm ơn thầy giáo đã luôn động viên, hướng dẫn chúng tôi từng nét chữ, phép tính. Tôi sẽ cố gắng học để có thể vận dụng trong cuộc sống hằng ngày”.

Thầy Lê Hữu Công, Trường PTDTBT Tiểu học Dào San quê ở Hà Tĩnh. Mỗi năm thầy về quê 2 lần vào dịp Tết và nghỉ hè. Thế nhưng, đầu hè năm nay, thầy Công vẫn chưa được về vì lớp xóa mù chữ với 20 học viên của bản Dền Thàng mà thầy đang dạy phải đến ngày 24/6 mới kết thúc chương trình.

Thầy Công chia sẻ: “Lẽ ra chương trình học kết thúc từ tháng 5. Tuy nhiên, để bù vào những ngày nghỉ lễ, Tết, chúng tôi dạy thêm 1 tháng để học viên nắm chắc thêm phần kỹ năng. Qua đó, đảm bảo người học sau khi hoàn thành chương trình sẽ biết đọc, viết và tính toán”.

Không chỉ thầy Phương, thầy Công đang tạm gác lại kỳ nghỉ để thực hiện xóa mù chữ cho người dân. Ở huyện vùng cao Phong Thổ vẫn còn nhiều thầy cô đang ngày đêm bán bản, bám trường để dạy chữ cho đồng bào.

Bởi theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ - ông Khổng Văn Thiện, huyện tổ chức 11 lớp xóa mù chữ cho bà con ở trên địa bàn 6 xã. Trong đó, 5 lớp mở từ năm 2022 và 6 lớp mới mở năm 2023 nên thầy cô đứng lớp cố gắng hoàn thành việc chung mới nghĩ đến chuyện riêng.

Tranh thủ thời gian ở lại trường, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sì Lở Lầu dự tập huấn chuyên môn.

Tranh thủ thời gian ở lại trường, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sì Lở Lầu dự tập huấn chuyên môn.

Xóa mù chữ - xóa nghèo

Dào San là một trong những địa bàn xã khó khăn nhất ở huyện Phong Thổ. Toàn xã có trên 85% người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 62%. Đặc biệt, tình trạng mù chữ và tái mù chữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Cô Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Dào San, cho hay: “Thực hiện công tác xóa mù chữ ở địa phương, chúng tôi mở 3 lớp xóa mù chữ với 60 học viên ở hai điểm bản U Ní Chải và Dền Thàng. Mỗi tuần 5 buổi vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6, giáo viên được phân công lên lớp để dạy chữ. Các lớp xóa mù chữ của nhà trường giờ đã đạt chuẩn mức độ 2”.

Theo cô Xuân, phần lớn học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ. Khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng bận rộn hơn. Đặc biệt, các học viên của lớp học đều là người đã lớn tuổi mới được tiếp cận tiếng phổ thông nên khi truyền đạt gặp khó khăn trong phát âm, cách viết.

“Chúng tôi lên kế hoạch dạy học phù hợp với trình độ nhận thức của từng người, tạo điều kiện cho học viên được học, tham gia trao đổi, giao lưu, tạo không khí học tập vui vẻ, nhẹ nhàng trong quá trình tiếp cận kiến thức. Để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học; đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ”, cô Xuân thông tin.

Để nâng cao tỷ lệ chuyên cần, nhất là dịp mùa vụ, nhà trường chỉ đạo giáo viên duy trì kết nối thông tin, thăm hỏi, động viên học viên, nhất là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên sẽ tạo điều kiện cho học viên nghỉ học theo mùa vụ. Đồng thời, động viên người học tham gia học tập ngay khi có thể. Giáo viên sẽ có kế hoạch dạy bù kiến thức để cho học viên theo kịp được mặt bằng chất lượng chung của cả lớp.

Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, lối sống văn hóa hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục… Kết thúc khóa học, đảm bảo 100% học viên biết đọc, viết, biết sử dụng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản...

Bà Sần Ga Giê là học viên cao tuổi nhất tại lớp xóa mù chữ bản Dền Thàng, xã Dào San khi đã gần 50 tuổi. Mặc dù công việc bận rộn nhưng ngày nào bà cũng dành thời gian lên lớp. Điều quan trọng hơn là bà được cả chồng và con ủng hộ. “Tôi đã lớn tuổi, việc tập viết, tập đọc cũng khó khăn hơn so với người khác. Trước vì gia đình không có điều kiện cho đi học nên không biết chữ. Làm việc gì cũng phải nhờ chồng con dịch hộ. Giờ có lớp dạy miễn phí, tôi quyết tâm đi học để biết cái chữ, cái tên của mình như thế nào”, bà Giê kể.

Vì có con nhỏ nên ngày nào đến lớp, 2 vợ chồng Giàng A Chơ và Chang Thị Nông cũng dắt díu lũ trẻ đi cùng. Đứa lớn đang học tiểu học, còn đứa nhỏ mới 8 tháng tuổi. Anh Giàng A Chơ chia sẻ: “Ngày đi làm, tối lại đi học nên cũng vất vả. Nhưng chúng tôi quyết tâm đi học để biết đọc, biết viết, sau này còn dạy con”.

Chị Lù Thị Mẩy, bản Dền Thàng, lập gia đình từ sớm, quanh năm bận rộn với nương rẫy. Chồng chị lại đi làm xa nhà, một mình chị chăm sóc 3 con nên việc không biết đọc, viết được tiếng Việt khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, không thể dạy con học chữ. Do đó, khi có cán bộ đến vận động đi học lớp tái xóa mù chữ chị đăng ký tham gia ngay. “Tôi rất vui khi được tham gia lớp xóa mù chữ. Nhờ thế mà đã biết đọc, biết viết và tính toán làm ăn. Biết chữ chính là một trong những chìa khóa quan trọng giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển”, chị Mẩy nói.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng xóa mù chữ. Không chỉ riêng ở Phong Thổ, trên địa bàn Lai Châu còn có nhiều lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021 - 2025 Lai Châu sẽ đầu tư cơ sở vật chất 94 trường; mở lớp dạy xóa mù chữ cho trên 5.500 người.

Theo ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, ngành GD-ĐT đã phát huy vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp và đưa ra giải pháp để thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù… Nhờ vậy, tỷ lệ huy động người mù chữ, tái mù chữ tham gia học các lớp xóa mù và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ngày càng cao. Đến nay, tỷ lệ xóa mù chữ toàn tỉnh trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi là đạt trên 90%.

Ông Lò Việt Tuyển cho biết: Thời gian tới, thực hiện tiểu dự án 1 trong dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là động lực quan trọng để công tác xóa mù chữ có bước tiến mới. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Lai Châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ