Mắt thầy Tuệ Tâm chăm chú nhìn lên tấm hình nhà bác học Einstein trên tường với cái lưỡi đang lè ra và dòng chữ “Mục tiêu của giáo dục là huấn luyện những cá nhân có tư duy và hành động độc lập, cùng nhìn nhận thấy rằng phụng sự cho cộng đồng chính là điều cao cả nhất trong cuộc đời mỗi con người”, trong lúc tai ông nghe Phượng – Giám đốc điều hành Học viện Hoa Xuyến Chi trình bày thiết kế một bài giảng kỹ năng sống mới.
Dạo này, nhiều cơ quan, doanh nghiệp các nơi tới tấp gọi điện đến học viện, mời thầy Tuệ Tâm về giảng dạy tại cơ sở của họ, giúp nhân viên của họ phát triển bản thân, nâng cao chất lượng làm việc, chất lượng sống và biết cống hiến cho tập thể, xây dựng cộng đồng một cách tự nguyện. Lịch giảng dạy của thầy Tuệ Tâm kín đặc. Giờ giảng nào của thầy cũng rất sôi động, hấp dẫn từ đầu đến cuối.
Thầy có thể khiến người ta ngồi lặng đi rơi lệ, nhưng rồi cũng lại bật cười ngả nghiêng sau đó ít phút với các câu chuyện, dẫn dắt tình huống để truyền thông điệp của thầy. Các học viên không chỉ ngồi yên một chỗ lắng nghe từ đầu đến cuối, mà có lúc chia thành từng tổ thảo luận sôi nổi, có lúc hào hứng cùng nhau tham gia trò chơi.
Như một người có phép thần, thầy Tuệ Tâm điều khiển được nguồn năng lượng lớn trào sôi trong lớp học, khiến cho các học viên trở nên sung sức hơn bao giờ hết, và tin tưởng mạnh mẽ rằng họ có thể đủ năng lực dời non lấp bể.
Giám đốc Phượng khá lo lắng cho sức khỏe thầy Tuệ Tâm. Chị cũng đứng lớp cùng thầy, cũng trào sôi năng lượng, nhưng chỉ qua được 4 tiếng đồng hồ là oải. Trong khi đó, có ngày thầy Tuệ Tâm đứng lớp cả 8 tiếng, hôm sau lại như thế, mà thầy vẫn sục sôi như ở trong thầy có nguồn năng lượng càng dùng càng trào ra vậy.
Phượng thiết kế lại bài giảng, với các phần Khởi động, Thông điệp, Trò chơi, Phản hồi, Kết luận. Thầy Tuệ Tâm sẽ chỉ xuất hiện ở hai phần: Thông điệp và Kết luận. Các phần còn lại do các thầy cô giáo và trợ giảng trong học viện Hoa Xuyến Chi đảm nhiệm.
Lập tức tuyển thêm những giáo viên, diễn giả truyền động lực, huấn luyện viên mới - Thầy Tuệ Tâm đáp sau khi nghe Phượng trình bày - Chuẩn bị nội dung và xuất bản các bộ sách dạy kỹ năng sống, sản xuất chương trình dạy trực tuyến phát trên Youtube.
Phượng ngẩn người ra sau khi nghe thầy nói vậy. Để thực hiện được mỗi ý trong câu nói đó, cần cả chục người làm suốt năm. Nhưng chị biết tính thầy, đã phát ra lệnh thì cứ y đó mà thực hiện. Chỉ tiếc rằng, do cơn sốt học kỹ năng sống trong xã hội, mà nhiều giáo viên của Hoa Xuyến Chi đã xin rời học viện để thành lập trung tâm dạy kỹ năng sống của chính họ.
Có học viên mới đến xin theo thầy Tuệ Tâm để học, đã nói rõ mục đích, rằng anh ta muốn học nghề đi dạy của thầy, học xong sẽ về mở cơ sở đào tạo riêng. Thầy Tuệ Tâm không từ chối ai cả, thầy nhận họ, truyền giảng hết những gì thầy biết. Bởi với thầy, kiến thức chỉ có ý nghĩa khi được cho đi.
Thầy cũng không ngại rằng, những học trò của thầy sau này mở trung tâm đào tạo kỹ năng sống là sẽ cạnh tranh trực tiếp với thầy. Thầy chỉ cười mà rằng, cạnh tranh là chuyện đương nhiên, chính ta còn cạnh tranh với ta hàng ngày cơ mà.
Chỉ có điều may mắn là thầy Tuệ Tâm không kén chọn nhân sự giống như mọi nơi khác. Bất cứ ai muốn đến xin học làm trợ lý, giảng viên, huấn luyện viên của học viện Hoa Xuyến Chi, thầy cũng nhận ngay không cần tính toán so đo. Dường như trong con mắt đặc biệt thấu suốt của thầy, thì thầy nhìn ai cũng thấy có tài riêng.
Chính trường hợp của Phượng đây cũng là một minh chứng. Phượng được một người quen giới thiệu đến gặp thầy Tuệ Tâm, và quá đỗi ngạc nhiên khi thầy không cần nghe chị trình bày nhiều. Thầy chỉ đơn giản bảo:
Sáng mai cô đến Học viện Hoa Xuyến Chi làm việc luôn. Chúng tôi trả lương cô cao gấp 3 lần chỗ cũ.
Con cảm ơn thầy ạ. Nhưng xin thầy cho con một tuần để thu xếp nghỉ việc chỗ cũ - Phượng mừng quýnh, nói líu ríu.
Thu xếp nghỉ việc mà cũng phải mất một tuần? - Thầy nhướng cặp mắt tròn nhỏ nhìn Phượng. - Chỉ cần hai tiếng là xong. Rút ngắn quy trình đi, đời ngắn lắm.
Thầy Tuệ Tâm có kiểu tuyển người nhanh như chớp vậy. Và hình như chỉ với một cái liếc nhìn, thầy đã biết sẽ giao việc gì cho người đó làm là tốt nhất.
Quá trình tiến thân của Phượng ở học viện cũng nhanh không kịp nghĩ. Học việc vỏn vẹn một tuần, chị trở thành trợ lý cho thầy. Ba tháng sau, chị được làm trợ giảng. Sáu tháng sau, chị thành giảng viên.
Trong quá trình đó, thầy liên tục tạm ứng lời khen, động viên, truyền lửa để chị vượt ra mọi khuôn khổ suy nghĩ thông thường, tin vào năng lực của bản thân, tự tin đứng trước cả ngàn người để diễn thuyết.
Sau hai năm, chị đã được một số tờ báo Thủ đô ưu ái tặng cho danh hiệu một trong những nữ diễn giả hàng đầu Việt Nam. Tấm gương vượt khó cấp tốc của chị cũng được truyền thông nhắc đến.
Trong đời sống riêng, chị cũng đã lấy chồng, có một con nhỏ 6 tháng tuổi, mua trả góp một căn nhà nhỏ trong ngõ tại thủ đô. Chị đã thực sự đổi đời mà lắm lúc vẫn tưởng mình đang sống trong mơ.