Những bài học kinh nghiệm quý từ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống

GD&TĐ - Những bài học kinh nghiệm trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng được rút ra từ thực tiễn triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết:

Sau 5 năm triển khai, Quyết định 1501 đã đạt nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội về công tác này; đồng thời cũng còn những hạn chế, tồn tại cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong giai đoạn tới.

Chia sẻ 8 kết quả, cùng tồn tại, hạn chế, phân tích cụ thể nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, Thứ trưởng chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm triển khai Quyết định 1501.

Theo đó, bài học đầu tiên là công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng phải thực hiện trong quá trình lâu dài, đòi hỏi sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện ở địa phương, cơ sở giáo dục và sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chính quyền, đoàn thể ở địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài trường.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 1501 cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị bảo đảm đạt hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu và thu hút sự tham gia của đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến được coi là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, chính quyền, đoàn thể các cấp, tổ chức, cá nhân mỗi thanh thiếu niên.

Thứ tư giáo dục bằng phương pháp nêu gương của người lớn, bằng những việc làm cụ thể, bằng những câu chuyện đi vào lòng người; đồng thời tạo môi trường để thanh thiếu niên và nhi đồng được rèn luyện, học tập.

Thứ năm, bố trí cán bộ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ trực tiếp thực hiện nội dung Quyết định 1501 có vai trò quyết định trong tổ chức thực hiện sáng tạo, hiệu quả của mỗi đơn vị trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Yêu cầu xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới là nhiệm vụ của toàn xã hội.Trong đó, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, học sinh sinh viên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa vừa trước mắt, vừa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT xác định: Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, bảo đảm các điều kiện để phát triển toàn diện thế hệ trẻ có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ, nghề nghiệp; có phẩm chất năng lực và ý thức công dân; phát huy tiềm năng và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp triển khai để đạt mục tiêu trên của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng đồng thời cho rằng, để công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.

2 nội dung quan trọng Thứ trưởng đề nghị tập trung thảo luận tại hội nghị:

Đánh giá kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án trong đó cần làm rõ: công tác phối hợp chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai Đề án; việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng.

Phân tích những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân hạn chế để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể chỉ đạo triển khai hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt cần chú trọng bàn các nhiệm vụ, giải pháp hữu ích nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; phát huy, khơi dậy trong thế hệ trẻ Việt Nam có khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.