Biết ơn những người thầy ấn tượng nhất thời mới nhập ngũ

GD&TĐ - Để trở thành một vị tướng tài, ngay từ những ngày đầu vào quân ngũ, được huấn luyện bởi những người thầy, tướng Nguyễn Huy Hiệu đã rèn luyện những kỹ năng độc đáo nhất từ những sỹ quan chỉ huy cấp cao.

Tướng Hiệu trong một chuyến đi tri ân
Tướng Hiệu trong một chuyến đi tri ân

Anh lính bộ binh Nguyễn Huy Hiệu nhập ngũ năm 1965, và trong suốt quá trình được huấn luyện, anh đã gặp được những người thầy quan trọng, mà anh mang ơn suốt cuộc đời mình. Những người thầy ấy đã góp phần cơ bản trong việc tạo nên một người lính chiến thiện nghệ, một vị tướng tài trong quân đội là Nguyễn Huy Hiệu sau này. Nhờ năng khiếu quân sự sẵn có, cộng thêm việc được học hỏi từ những người thầy giỏi, tướng Hiệu đã sớm có được những kỹ năng và tư duy quân sự tốt.

Tháng 2/1965 anh lính Nguyễn Huy Hiệu được chiến đấu trong Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 tại Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Mới nhập ngũ, anh còn là một thanh niên nông thôn, chưa hiểu biết gì nhiều về công tác huấn luyện quân sự. Anh khá ấn tượng với 12 điều quy định trong điều lệnh mà tất cả tân binh được rèn luyện.

Các anh được dạy làm những việc tỉ mỉ như cách gấp chăn màn sao cho vuông vắn gọn ghẽ, cách để giày sao cho khi nghe tiếng kẻng báo hoặc hiệu lệnh là có thể xỏ chân vào giày, thắt dây nhanh nhất, cách xếp quần áo, cách để ba lô, mũ, treo súng sao cho có thể lấy nhanh nhất đeo lên người, cách phơi khăn mặt cũng phải kéo hai góc khăn cho trùng khít và phẳng, cách ngủ như thế nào để khi có báo động là trong tích tắc đã bật dậy, xỏ giày đeo ba lô, khoác súng tập trung được ngay…

Những nề nếp sinh hoạt quy chuẩn của bộ đội được huấn luyện từ thời đó, đã trở thành thói quen của tướng Hiệu, khiến ông luôn xử lý các việc cá nhân hiệu quả, nhanh gọn trong suốt cuộc đời mình.

Tướng Nguyễn Huy Hiệu
Tướng Nguyễn Huy Hiệu

Khi huấn luyện với súng, anh lính Nguyễn Huy Hiệu vô cùng thích việc được rèn kỹ năng tháo lắp súng. Các chiến sỹ tháo súng, rồi bịt mắt và lắp lại súng. Rèn thành thục kỹ năng này để trong đêm tối, hay trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể thao tác với thiết bị nhanh nhất. Anh lính trẻ Huy Hiệu khi ấy có ước mơ được sử dụng súng ngắn K59 của Nga.

Sau đó, trong quá trình rèn luyện, anh là tân binh bắn giỏi nên được đồng chí Đại đội phó Võ Tòng - một sĩ quan tập kết từ miền Nam ra, vốn là người bắn vô cùng giỏi - điều về làm liên lạc. Ước mơ đã thành sự thật, anh lính Huy Hiệu được chính Đại đội phó Võ Tòng - người có tài bắn rơi chim đang bay mà không cần ngắm - dạy bắn bằng súng ngắn K59. Tướng Hiệu vốn phục sát đất tài bắn súng của Đại đội phó Võ Tòng nên anh tập trung luyện bắn theo hướng dẫn của vị chỉ huy tài ba này và học được những kỹ năng quý. Sau này anh được điều về làm Tiểu đội trưởng khẩu đội DKZ.

Sau đó, Nguyễn Huy Hiệu lại được đồng chí Nguyễn Hữu Uông, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 điều lên làm liên lạc cho ông. Ông Uông vốn là một trí thức, tham gia quân đội, rất giỏi về bản đồ và công tác tham mưu. Anh lính Hiệu có cơ hội được chứng kiến tất cả các phương pháp thiết kế trận đánh, sử dụng bản đồ, kiến thức địa lý trong chiến trận, cách đánh địch linh hoạt trăm phương ngàn kế… Với cuốn sổ và cây bút trong tay, anh lính liên lạc Nguyễn Huy Hiệu ghi chép lại tất cả các kiến thức đó từ những bậc thầy trong chiến tranh và biến nó thành kiến thức cho mình, rèn luyện nhuần nhuyễn trong chiến đấu.

Nhờ được những người thầy tài giỏi như vậy ngay từ những ngày đầu huấn luyện nên Nguyễn Huy Hiệu sớm lĩnh hội được những kiến thức, kỹ năng và tầm nhìn chỉ huy trong chiến đấu, để trở thành một người lính xuất sắc, một chỉ huy tài năng và sau này trở thành một trong những vị tướng tài của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi chiến tranh qua đi, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn thường xuyên thăm hỏi, tri ân báo đáp những người thầy ấn tượng nhất đối với ông trong thời kỳ đầu ông vào quân ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.