Bài học thành công của giáo dục Việt Nam cần được chia sẻ rộng rãi hơn

GD&TĐ - Đó là nhận xét của ông Koffi Georges- Chánh Văn phòng Tổng thống Công hòa Bờ Biển Ngà trong chuyến công tác tại Thái Nguyên và Ninh Bình nhằm học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục tại Việt Nam.

Ông Koffi Georges (bên phải) cùng đoàn công tác Bờ Biển Ngà đến thăm các trường học tại Việt Nam
Ông Koffi Georges (bên phải) cùng đoàn công tác Bờ Biển Ngà đến thăm các trường học tại Việt Nam

Nằm trong chương trình công tác, hôm nay 27/3, đoàn công tác cấp cao nước Cộng hòa Bờ Biển Ngà đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình.

Tại Thái Nguyên, đoàn công tác Bờ Biển Ngà đã được nghe Ban Giám hiệu, Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên giới thiệu những nét tổng quan về sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam nói chung cùng như về sứ mạng, chiến lược của Trường Đại học Thái Nguyên trong việc phát triển giáo dục tại các tỉnh miền núi.

Hai bên cũng trao đổi về quy trình và những tiêu chuẩn đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, về tự chủ đại học, về kiểm định chất lượng giáo dục, về đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, về cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm trong trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Vui mừng khi được đến thăm và làm việc tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên, ông Koffi Georges cho biết: Trong những ngày làm việc tại Việt Nam, đoàn công tác Bờ Biển Ngà đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm quý báu và bổ ích.

Đoàn công tác Bờ Biển Ngà làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên
Đoàn công tác Bờ Biển Ngà làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên

Từ việc Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, cho đến việc thực hiện những cải cách, đổi mới đào tạo giáo viên, trao quyền tự chủ cho các trường. Học sinh Việt Nam được đánh giá rất cao trên thế giới đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của giáo dục Việt Nam. Bài học thành công của giáo dục Việt Nam cần được chia sẻ rộng rãi hơn đến với các nước khác trên thế giới, trong đó có Bờ Biển Ngà.

Ông Koffi Georges cho biết thêm: Chuyến công tác của đoàn đến Việt Nam với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới nhằm hiện thực hóa chiến lược và chính sách phát triển giáo dục của quốc gia Bờ Biển Ngà đến năm 2030, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách của Tổng thống.

"Qua nghiên cứu về chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam trong những năm qua, Tổng thống Bờ Biển Ngà, ngài Alassane Ouattara đã rất khâm phục thành tựu của đất nước các bạn và đã quyết định cử đoàn công tác đến tìm hiểu kĩ hơn về những thành công này để có thể áp dụng vào đất nước Bờ Biển Ngà".

Đoàn công tác Bờ Biển Ngà làm việc tại Sở GD&ĐT Ninh Bình
Đoàn công tác Bờ Biển Ngà làm việc tại Sở GD&ĐT Ninh Bình

Cùng ngày, đoàn công tác Bờ Biển Ngà đã có chuyến làm việc tại Ninh Bình. Ông Phạm Thanh Toàn- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình đã tiếp và chia sẻ với đoàn những vấn đề về của giáo dục Ninh Bình, về vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong trường học, về xây dựng môi trường học tập.

Đoàn công tác Bờ Biển Ngà cũng quan tâm đến việc đánh giá chất lượng giáo dục, công tác bán trú, tuyển dụng giáo viên, về chương trình đào tạo giáo viên theo nhu cầu thị trường lao động, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Ngày mai, Đoàn công tác tiếp tục làm việc tại Ninh Bình, đi thăm các trường học tại thành phố Ninh Bình là trường Mầm non Đông Thành và Trường tiểu học Đông Thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.