Giáo dục Việt Nam là hình mẫu cho Bờ Biển Ngà học tập

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của các thành viên đoàn công tác cấp cao nước Cộng hòa Bờ Biển Ngà do ông Koffi Georges– Chánh văn phòng Tổng thống dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Sở GD&ĐT Hà Nội sáng 26/3. Cùng đi với đoàn có đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp đoàn công tác Bờ Biển Ngà
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp đoàn công tác Bờ Biển Ngà

Vui mừng đón đoàn công tác đến thăm Hà Nội, ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã giới thiệu với đoàn tình hình khái quát về sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây và cho biết: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến GD, coi GD là quốc sách hàng đầu. Tuy thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục không cao nhưng nền GD Việt Nam luôn được đánh giá cao trên thế giới.

Học sinh Việt Nam, trong đó có học sinh Hà Nội được xếp hạng cao trong bảng xếp hạng chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA. Học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao tại các cuộc thi Olympic quốc tế và hòa nhập rất tốt khi du học tại các trường đại học uy tín trên thế giới. Trong 15 gần đây, giáo dục Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc và đóng góp phần đáng kể vào thành tích chung đó.

Để làm được việc này, có rất nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó có việc Thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội đã phân quyền tự chủ cho các trường. Hiệu trưởng các trường có thể quyết định sử dụng nguồn kinh phí được thành phố cấp. để đào tạo giáo viên, trả lương, thuê các thầy cô giáo khác đến dạy các môn học mà học sinh cần.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Sở có bộ phận kiểm tra chuyên môn đến các nhà trường xem các nhà trường dạy thế nào, có đúng chương trình kế hoạch không. Ngoài ra còn có kì thi, kiểm tra để đánh giá kết quả các bậc học.

Cảm ơn sự đón tiếp thân tình của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Koffi Georges cho biết: Tuy ở một đất nước xa xôi nhưng Bờ Biển Ngà đã nghe rất nhiều về những thành tựu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực GD. Vượt qua quãng đường hàng vạn km từ Châu Phi sang Việt Nam, đoàn muốn tận mắt chứng kiến những thành tựu của GD Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm cụ thể.

Đoàn đã rất cảm động khi được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đón tiếp, cùng những thông tin quan trọng từ các đơn vị chức năng của Bộ đã giúp đoàn có tầm nhìn sát hơn, rộng hơn về các chính sách GD. Đồng thời, Bộ đã tạo điều kiện đến làm việc tại Sở GD&ĐT Hà Nội và giới thiệu đi tham quan một số cơ sở trường học, điều này là rất cần thiết với đoàn công tác.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tặng quà cho đoàn công tác
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tặng quà cho đoàn công tác

Nhấn mạnh chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng để đất nước Bờ Biển Ngà hoạch định các chính sách phát triển giáo dục, ông Koffi Georges chia sẻ: Hiện nay, Bờ Biển Ngà có khoảng 26 triệu dân, trong đó có 6 triệu học sinh và khoảng 150.000 giáo viên.

Dân số Bờ Biển Ngà sẽ tăng lên 30 triệu vào năm 2030 và 50 triệu vào năm 2050, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm khoảng 75%. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có những quyết sách đúng đắn về GD và đào tạo nhân lực. Và Việt Nam chính là hình mẫu lí tưởng để Bờ Biển Ngà học tập do có rất nhiều sự tương đồng.

Theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới, Đoàn công tác cấp cao nước Cộng hòa Bờ Biển Ngà sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25/3 đến ngày 29/3/2019 nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực GD-ĐT. Trong chương trình, đoàn làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Ninh Bình và đi thăm một số trường học tại hai địa phương này. Hoạt động của đoàn sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam với Ngân hàng Thế giới và Bờ Biển Ngà, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...