(GD&TĐ) - Ngày 19/3, Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris đã bay tới Moskva để hội đàm khẩn cấp về vấn đề giải cứu khủng hoảng của ngành ngân hàng đảo quốc này. Để đổi lấy khoản vay và trợ giúp tài chính mới, Sarris cam kết sẽ dành cho Nga mọi ưu đãi trong ngành năng lượng, quyền phát triển các mỏ khí và nắm giữ cổ phần trong các ngân hàng ở Síp. Hai ngày sau, ông Sarris rời Moskva với hai bàn tay trắng. Trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, ngày 25/3 Síp và EU đã đạt được thỏa thuận giải cứu khủng hoảng tài chính, nhưng hàng tỷ euro từ các tài khoản của nhà giàu Nga trong các ngân hàng của Síp bị “bốc hơi”, toàn bộ tài khoản của người Nga bị “đóng băng”.
Không ít nhà phân tích phương Tây cho rằng, quyết định không chấp nhận lời đề nghị ban đầu của Sarris là sai lầm nghiêm trọng mang tính chiến lược của Moskva. Là một nhà đầu tư lớn nhất, một khách hàng có lượng tiền gửi lớn nhất ở đảo quốc này, việc từ chối các hợp đồng ưu đãi của Nga là không thể giải thích nổi. Dư luận đặt câu hỏi: Một cường quốc như Nga, tại sao lại có thể bỏ qua một cơ hội lớn cho những tham vọng về địa chính trị ở Địa Trung Hải?
Quyết định của Moskva chỉ có thể được giải thích theo 3 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, có thể những hợp đồng béo bở mà ông Sarris dành cho Moskva chưa đủ độ tin cậy.
Thứ hai, Moskva không tin rằng sự trợ giúp về mặt tài chính có thể cứu được Síp thoát khỏi khủng hoảng.
Thứ ba, mất vài chục tỷ euro với Nga không phải là một thảm họa.
Michalis Sarris thất vọng sau cuộc đàm phán ở Moskva |
Giờ đây, khi mọi chuyện qua đi, những thỏa thuận của Síp với Nga trong chuyến công du Moskva 2 ngày của Michalis Sarris vẫn còn nhiều uẩn khúc. Theo nhiều nguồn tin từ báo chí Nga thì Sarris đến Moskva trong tình trạng thiếu chuẩn bị (không có con số cụ thể cho gói cứu trợ và một số đề xuất cụ thể như một cơ sở cho cuộc đàm phán). Theo các nhà phân tích thì mọi cuộc đàm phán vội vã đều không mang lại hiệu quả và cuộc đàm phán Nga - Síp phải mất hàng tuần chứ không chỉ 2 ngày. Đã thế, bộ ba EU, Ngân hàng châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế không muốn coi Nga như vị cứu tinh của một nước thành viên Eurozone. Chính vì thế, ngay cả khi thỏa thuận song phương được ký kết, Moskva cũng khó có thể tin rằng Síp có khả năng thực hiện.
Theo báo chí Nga, Síp muốn vay 2,5 tỷ euro của Nga trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, còn khoảng 5 tỷ euro bổ sung trong việc trao đổi cổ phần của các công ty khí đốt và ngân hàng. Tuy nhiên, những ngân hàng hàng đầu của Nga như Sberbank và Nhóm VTB hay tập đoàn khí đốt “Gazprom” không mấy mặn mà trong việc đầu tư ở Síp. Chính vì vậy, dành những điều khoản ưu đãi thương mại cho các công ty Nga trong lĩnh vực tài chính, dầu khí của Síp là không đủ sức nặng để người Nga có thể rút hầu bao. Người Nga ngày càng nhận thức rằng đã qua rồi cái thời Síp được coi là thiên đường của việc trốn thuế. Nguyên nhân hết sức đơn giản rằng EU sẽ giúp Síp - nước thành viên của khối cải tổ lại hệ thống ngân hàng để nó không thể là nơi trú ẩn của những nguồn tiền “bẩn” từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Do đó, tổng số tiền gửi trong các ngân hàng ở Síp nhanh chóng sụt giảm, từ 100 tỷ euro (năm 2010) xuống còn 83 tỷ euro (năm 2012). Điều làm các nhà phân tích hết sức quan tâm rằng người Nga đã kịp chuyển khỏi Síp một lượng tiền khá lớn trước khi nước này phải cầu cứu các tổ chức tài chính thế giới.
Như vậy, Nga đã chọn giải pháp an toàn khi không rút hầu bao cứu Síp. Vào thời điểm hiện tại, số tiền của người Nga ở các ngân hàng Síp vào khoảng 20 tỷ euro, nếu có bị mất thì cũng chỉ vào khoảng 4-6 tỷ euro là cùng.
Giải pháp “làm sạch” ngân hàng Síp của EU đã đạt được mục đích nhưng nó lại là đòn đánh chí mạng vào hệ thống ngân hàng được coi là “cần câu cơm” của Síp. Các nhà phân tích cho rằng, hệ thống ngân hàng - yếu tố chủ đạo của nền kinh tế đang mang lại GDP trên đầu người vào khoảng 30 ngàn USD đã bị bóp chết. Tương lai của Síp sẽ ra sao? Đây là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Về phía Nga, bài học từ Síp là rất lớn. Hơn lúc nào hết Chính phủ Nga phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp để chặn đứng nguồn ngoại tệ không ngừng chảy ra nước ngoài mà trước hết phải củng cố lòng tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng quốc nội. Nga đã có 20 vùng kinh tế đặc biệt, ở đó các nhà đầu tư được hưởng thuế ưu đãi và chế độ bảo vệ tài sản cá nhân đặc biệt. Trong tương lai đây là mô hình tốt để thu hút lượng tiền nhàn rỗi của dân chúng và nguồn tài chính của các nhà đầu tư. Chỉ có như vậy, nguồn tài chính của người Nga sẽ không phải lang thang ở các ngân hàng châu Âu, nơi vốn được coi là an toàn tuyết đối lại không hề an toàn trong thời khủng hoảng. Khủng hoảng tài chính ở Síp vừa rồi là một bài học xương máu đối với họ.
Duy Long (TH)