Bài học làm thầy

Bài học làm thầy

(GD&TĐ) - Khi bước vào lớp, tôi đã cảm nhận cái không khí khang khác. Nghĩ rằng bình thường nên tôi bắt đầu tiết hội giảng với cái hồi hộp, lo lắng xen lẫn chút tự tin trước đồng nghiệp và học trò. Nhưng không ngờ, chính cái không khí khang khác ấy có thể là nguyên nhân thất bại thảm hại của tôi?

Thường ngày khi tôi đặt câu hỏi, thì dưới lớp không dưới 10 cánh tay hăng hái giơ lên, xung phong trả lời. Nhưng hôm nay, tuyệt nhiên không, tôi cố gợi mở đến lần thứ ba, một em, hai em, rồi ba em cũng không trả lời được, thậm chí lớp trưởng cũng ậm ờ, lơ đễnh, mơ màng nhìn ra sân bóng. 

Tiến độ bài học không như ý, giáo viên bực bội, không khí lớp học căng thẳng, nặng trịch. Giọng tôi mỗi lúc một to, một gay gắt hơn, nói mà như quát:

- So sánh cái gì? 

- Thầy đã dạy chưa?

- …Tại sao không nhớ???

- Tôi không thể dạy lớp này được nữa, xin mời các thầy cô giáo và các em nghỉ.

… Giờ dạy của tôi kết thúc trong sự tức tối, bực dọc của thầy, sự im lặng của trò và sự ngỡ ngàng của những đồng nghiệp dự giờ.

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet

Đêm đến trong căn phòng nhỏ tôi đặt cho mình không biết bao nhiêu câu hỏi: Tại sao lại thế? Tôi không hiểu thất bại đến từ đâu? Từ sự thiếu chuẩn bị của tôi? Không, tôi đã mất bốn ngày để chuẩn bị từ thiết kế, nội dung ghi bảng, câu hỏi phát vấn, thời gian của từng phần mục... hay thất bại từ cái tính nghiêm nghị mỗi khi lên lớp không mấy khi cuời của tôi? Hay học sinh cố tình gây khó dễ.?.? Tôi không thể hiểu nổi được nguyên nhân thất bại do đâu.

Hôm sau lên lớp, học sinh sợ sệt, xét nét nhìn, gặng hỏi mãi…một cánh tay dụt dè giơ lên.

- Thưa thầy, thay mặt lớp em xin lỗi thầy về thái độ học tập ngày hôm qua.

- Vậy, tại sao các em lại có thái độ đó? Tôi nhẹ nhàng hỏi.

- Thưa thầy, hôm qua lớp em có 2 bạn nghỉ ốm, 4 bạn nghỉ đi ăn cuới bạn Mai ngoài Đồng Khê.

- Vậy thì sao?

- Thưa thầy, hôm qua có đông thầy cô giáo dự giờ nên chúng em…sợ…chúng em....

- ... !..!...

À, thì ra vậy, bây giờ thầy đã hiểu tại sao hôm đó các em còn lại không tập trung vào tiết học mà lơ đễnh, miên man: Bạn ốm bệnh gì? Có nặng hay không? Tại sao bạn nghỉ học lấy chồng? Tại sao có đông thầy cố giáo dự giờ thế?

Chừng đó thôi cũng đủ tạo áp lực ảnh hưởng đến tâm lý của các em trong một tiết học, thậm chí cả buổi học. Bởi tuổi 17, các em vô tư lắm nhưng đã biết ưu tư. Bạo dạn đấy nhưng dụt dè ngay đấy, hoạt láo đấy nhưng lúng túng ngay thôi. Tâm lý chưa phát triển đầy đủ, các em thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, thường đỏ mặt và luống cuống trước đám đông và trong tiết học ngày hôm qua ...cũng vậy.

Ôi, giá như thầy biết sớm điều đấy, biết vỗ về, an ủi để lấy lại tinh thần, cân bằng tâm lý cho các em bằng một nụ cười, một câu chuyện hay một lời động viên, để xua đi cái không khí khang khác, nặng nề, im lặng đến chết người ấy thì chắc tiết học đã không kết thức dở dang...

Cảm ơn tập thể 12c1, năm học 2008 – 2009 đã cho thầy những bài học về sự kiềm chế cái nóng nảy của bản thân và thay vào đó bằng sự kiên nhẫn, các em đã cho thầy bài học về sự sẻ chia, sự quan tâm yêu thương con người, bài học về sự lắng nghe và thấu hiểu, các em đã cho thầy bài học về nụ cuời và những giọt nước mắt để thấy sự ấm áp và khổ đau trong cuộc đời, bài học về tính nghiêm nghị nhưng khoan dung độ lượng, biết cách chấp nhận thất bại và tận hưởng niềm vui …

Thầy nợ tập thể 12c1 một lời cảm ơn về “ bài học làm thầy”

Lê Trung Dũng

(Gửi tặng lớp 12c1 – năm học 2008 – 2009 Trường THPT Sơn Thịnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ