Bài học cho phát triển nghề nghiệp giáo viên tại Việt Nam

GD&TĐ - Phát triển nghề nghiệp cho giáo viên đang là vấn đề cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay.

Bài học cho phát triển nghề nghiệp giáo viên tại Việt Nam

Nếu muốn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, quá trình phát triển nghề nghiệp giáo viên phải bao gồm những trải nghiệm có sự tham gia của các giáo viên tương lai và đang hành nghề vào việc học tập chủ động, cho phép họ xây dựng vốn kiến thức, hiểu biết và năng lực.

Tầm nhìn về giáo dục, triết lý giáo dục, phương pháp học, về học sinh sẽ gần như không thể được truyền đạt tới học sinh nếu bản thân các giáo viên chưa từng trải nghiệm qua.

Đưa ra nhận định trên, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề nghiệp giáo viên của Malaysia ở đào tạo ban đầu và bồi dưỡng dựa trên chiến lược nâng cao vị thế của giáo viên thông qua phát triển nghề nghiệp, ThS. Hà Thị Lan Hương - Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - đồng thời rút ra bài học thiết thực cho việc phát triển nghề nghiệp giáo viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Nỗ lực tạo mọi điều kiện cho giáo viên phát triển nghề nghiệp

ThS Hà Thị Lan Hương cho biết: Giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của Malaysia. Chính phủ Malaysia đầu tư phần lớn chi tiêu hàng năm cho giáo dục cả về cơ sở hạ tầng và dịch vụ cũng như đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực.

Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục Đại học và các cơ quan của Malaysia hướng tới việc đào tạo và đào tạo lại giáo viên để hoàn thành tầm nhìn và sứ mệnh của mình.

Tấm gương giảng dạy của các giáo viên ở Malaysia đã trở thành động lực để sinh viên sư phạm phấn đấu và hoàn thiện bản thân.

Các biện pháp đã được thực hiện bởi Chính phủ để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để phù hợp với các thông lệ quốc tế một cách tốt nhất.

Tại Malaysia, trong khi theo kịp với xu hướng thay đổi thường xuyên, sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên đã trải qua một sự thay đổi to lớn và tiến bộ để cải thiện xã hội và quốc gia nói chung. Chương trình đào tạo giáo viên đã được tăng cường để phát triển giáo viên như những nhà quản lý có năng lực về dạy và học.

Cũng theo ThS Hà Thị Lan Hương, việc dạy học ở Malaysia đã trở nên hiệu quả hơn với sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tạo ra và thực hiện các kỹ thuật giảng dạy sáng tạo; mặc dù một số ít các giáo viên dạy học đã từ chối tham gia vào thay đổi.

Chính phủ nước này đã tạo điều kiện cho nỗ lực này với máy tính, máy tính xách tay, và màn hình LCD. Giáo viên được khuyến khích, trả thù lao và chứng chỉ khi họ hoàn thành xuất sắc trong hoạt động của mình. Việc phát triển nghề nghiệp giáo viên tự thấm vào họ và chính họ mong muốn làm tốt hơn trong công việc để giữ vững vị thế là những giáo viên giỏi.

Người đứng đầu trường học và hiệu trưởng được công nhận khi trường của họ vượt trội so với các trường khác cho phép họ được chứng nhận là trường có thành tích cao.

Bài học cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của Malaysia, ThS Hà Thị Lan Hương cho rằng, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, ngoài xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình, chuẩn bị cơ sở vật chất…,vấn đề nguồn lực giáo viên cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Giáo viên phải được phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục và suốt đời, từ giảng đường đại học đến các môi trường làm việc ở phổ thông. Giáo viên phải được phát triển nghề nghiệp trên nền tảng phối hợp giữa cơ sở đào tạo giáo viên và các trường phổ thông. Đội ngũ này cũng cần được tạo cơ hội phát triển về tri thức chuyên môn trong chính quá trình giảng dạy.

Bên cạnh đó, có hiểu biết khoa học đã trở thành điều cần thiết cho tất cả mọi người, con người cần sử dụng thông tin khoa học để giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Để đào tạo ra những con người như vậy, giáo viên phải có kiến thức về khoa học, về phương pháp học, phương pháp giảng dạy các khoa học. Trong một xã hội thay đổi liên tục về khoa học và công nghệ, muốn làm được điều đó, giáo viên phải liên tục phát triển nghề nghiệp mới có thể giảng dạy.

Vì vậy, cần thiết phải xây dựng bộ chuẩn phát triển nghề nghiệp cho giáo viên để họ được học tập và phát triển suốt đời. Đây cũng là căn cứ để giáo viên tự đánh giá họ và các cơ sở quản lý đánh giá giáo viên hàng năm.

Đồng thời căn cứ vào chuẩn, có thể xây dựng các chương trình đào tạo cho sinh viên trong trường sư phạm và xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên ở phổ thông. Đây cũng là cơ sở để đề xuất các chế độ chính sách cho giáo viên.

Tuy nhiên, cũng theo ThS Hà Thị Lan Hương, chuẩn phát triển nghề nghiệp cho giáo viên là thường xuyên và liên tục, nên không thể phân chia chuẩn ra thành các chuẩn cho đào tạo giáo viên tương lai và các chuẩn cho phát triển nghề nghiệp của giáo viên đang hành nghề. Việc xây dựng chuẩn phải theo mục đích có thể được áp dụng cho mọi hoạt động và chương trình phát triển nghề nghiệp diễn ra trong sự nghiệp của một người giáo viên.

Ngoài ra, cần xây dựng cộng đồng phát triển nghề nghiệp hỗ trợ thường xuyên và chuyên nghiệp cho đội ngũ giáo viên trong và ngoài trường. Xây dựng đồng bộ các chuẩn khác, như chuẩn về chương trình giảng dạy, chuẩn nội dung giảng dạy, chuẩn đánh giá, chuẩn về hệ thống khoa học giáo dục. Xây dựng được hệ thống đồng bộ như vậy mới tác động đến học sinh và hướng tới đào tạo con người có tri thức khoa học và kỹ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ