TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - chia sẻ điều này với báo Giáo dục và Thời đại.
Điều kiện cơ sở vật chất: quan trọng là phù hợp và dễ tiếp cận
- Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH, yêu cầu các cơ sở GD&ĐT rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình Trường học mới. Liệu tiêu chí rà soát điều kiện cơ sở vật chất của các địa phương có quyết định tương lai của VNEN hay không?
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, bởi nó là phương tiện để tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên, điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học không đồng nghĩa với việc phải trang bị hiện đại, đắt tiền mà quan trọng hơn là "phù hợp và dễ tiếp cận" (Đây là 1 trong 10 tiêu chí đánh giá chất lượng trường học của UNESSO).
Cũng như tất cả các phương pháp dạy học tích cực khác, phương pháp dạy học trong VNEN cũng cần có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng việc tổ chức hoạt động học của học sinh, nhưng không phải là điều kiện quyết định.
Hoạt động học tích cực, tự lực của học sinh trong lớp học có thể được tổ chức chỉ với việc sử dụng sách giáo khoa và bảng đen, kể cả các hoạt động học có nội dung gắn với thí nghiệm nhưng không đủ điều kiện thực hiện thí nghiệm đó.
Trong trường hợp này, học sinh sẽ không được thao tác làm thí nghiệm nhưng thay vào đó, có thể sử dụng số liệu thí nghiệm trong sách giáo khoa hoặc số liệu do giáo viên cung cấp để thực hiện các hoạt động học tích cực tiếp theo (xử lý số liệu, rút ra kết luận).
Tuy nhiên, cơ sở vật chất tốt là điều kiện hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả hơn phương thức giáo dục lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, trong đó có “phương pháp VNEN”, do đó Bộ yêu cầu các địa phương phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ.
Đây là điều kiện chung được bảo đảm đối với mọi nhà trường, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tích cực chuẩn bị để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Công văn 3459 chỉ là nhắc lại yêu cầu đó chứ không có yêu cầu gì mới.
- VNEN là mô hình phù hợp với lớp ghép có sĩ số ít, hay sĩ số đông và lớp chật vẫn dạy, thưa ông?
Ở nước ta hiện nay số lớp ghép không nhiều, mô hình VNEN được thiết kế để dạy các lớp học sinh chỉ có một trình độ nhưng cũng áp dụng được đối với các lớp ghép. Tuy nhiên, nếu dạy ở lớp một trình độ thì dễ dàng hơn.
Như đã nói ở trên, bản chất của “phương pháp VNEN” là thực hiện phương thức giáo dục lấy hoạt động học làm trung tâm, nên trong mỗi bài học đều nhấn mạnh đến hoạt động cá nhân, tạo cơ hội và yêu cầu mọi học sinh phải tích cực hoạt động để kiến thức thu được là chắc chắn, tin tưởng.
Nhưng cùng với việc học cá nhân và sau hoạt động học cá nhân, học sinh cần phải thảo luận với bạn ngồi bên, sau đó là thảo luận theo nhóm và có thể toàn lớp, qua đó học sinh được rèn luyện nhiều kĩ năng và hỗ trợ lẫn nhau trong học tập, kiến thức thu được sẽ trở nên chính xác và hoàn thiện thông qua hoạt động “chốt” kiến thức.
Nhưng nếu học sinh không thể “chốt” được kiến thức thì cuối cùng giáo viên phải "chốt" kiến thức, kĩ năng, đảm bảo cho mọi học sinh trong lớp tiếp thu, ghi được kiến thức và vận dụng.
Như vậy bản chất của phương pháp này là học cá nhân, kết hợp học tương tác, trong đó học cá nhân là quyết định. Trao đổi cặp đôi là cần thiết, trao đổi theo nhóm và theo lớp là quan trọng, chứ không phải là bắt buộc. Tất nhiên, lớp học có sĩ số càng ít thì việc tổ chức hoạt động học như vậy sẽ càng hiệu quả hơn (cho dù sử dụng phương pháp dạy học nào).
Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong điều kiện sĩ số lớp đông 35-45 học sinh/lớp là không tránh khỏi. Điều kiện quan trọng nhất để thực hiện được điều đó là năng lực và tâm huyết của đội ngũ giáo viên mà Bộ đang tích cực chuẩn bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Liệu có sách giáo khoa VNEN?
- Tài liệu "hướng dẫn học" của mô hình VNEN có phải SGK hay không?
Có thể nói rằng có 2 mô hình sách giáo khoa (SGK) điển hình là SGK mô hình thuyết trình và SGK mô hình hoạt động. Với SGK mô hình thuyết trình, mỗi bài học được trình bày dưới dạng một văn bản thuyết trình, cung cấp kiến thức có sẵn cho học sinh; cuối bài có câu hỏi, bài tập để củng cố, vận dụng kiến thức và rèn luyện kĩ năng.
SGK hiện hành của Việt Nam chủ yếu là SGK mô hình thuyết trình. Nhưng SGK mô hình hoạt động thì không trang bị kiến thức viết sẵn, mà hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học để tìm kiến thức.
Học theo SGK mô hình hoạt động, HS không chỉ tiếp thu được kiến thức mà còn phát triển năng lực tự học và nhiều phẩm chất, năng lực khác. Tài liệu Hướng dẫn học của VNEN được viết theo SGK mô hình hoạt động để hướng dẫn học sinh tự học.
Hoạt động của GV không phải là trực tiếp giảng bài mà chuyển sang gợi ý, hướng dẫn, hỗ trợ, trọng tài thảo luận, kiểm soát quá trình và kết quả học. Khi nào HS khó khăn, không thể tự tìm được kiến thức thì GV hỗ trợ (lúc đó mới có thể phải giảng bài với mức độ cần thiết) cho cá nhân, hoặc nhóm, hoặc cả lớp để HS đạt được mục tiêu bài học.
Tuy nhiên, tài liệu "Hướng dẫn học" của VNEN được biên soạn dựa trên SGK hiện hành, bảo đảm mức độ cần đạt về kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Vì vậy, học sinh học theo mô hình VNEN có thể sử dụng tài liệu "Hướng dẫn học" thay cho SGK hiện hành.
Trên thực tế Bộ không còn thí điểm tài liệu "Hướng dẫn học" sau khi Dự án đã kết thúc vào cuối năm học 2015 – 2016. Nhưng như đã biết, toàn bộ tài liệu "Hướng dẫn học" của Dự án đều đã được Bộ tổ chức biên soạn, thẩm định trước khi cho phép sử dụng thí điểm và trong thực tiễn tài liệu đã phát huy được ưu điểm nổi bật là tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh.
Thực hiện tinh thần các Công văn 4068, 3459, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, thẩm định lại toàn bộ tài liệu "Hướng dẫn học", các Hội đồng thẩm định đều kết luận tài liệu đạt đủ các điều kiện để được sử dụng (và có góp ý điều chỉnh những tình tiết nhỏ) nên Bộ cho phép hoàn thiện và sử dụng tiếp tục từ năm học 2017-2018 trên tinh thần tự nguyện và chỉ có giá trị cho đến khi cả nước áp dụng các SGK mới của từng cấp lớp phù hợp với chương trình GDPT mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
- Liệu "sách giáo khoa VNEN" có thể là một trong những bộ SGK phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới?
Như trên đã nói, tài liệu Hướng dẫn học của VNEN đã được viết theo mô hình SGK hoạt động và có nhiều ưu điểm nổi bật. Để hỗ trợ giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, thì SGK cần được viết theo mô hình hoạt động. "Sách giáo khoa VNEN" (áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới) là cách nói tắt đối với SGK mô hình hoạt động chứ không phải là bộ tài liệu Hướng dẫn học hiện nay của VNEN.
NQ 88 qui định “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” và tất cả các SGK đều phải đảm bảo tiêu chí do Bộ ban hành, kể cả bộ SGK do Bộ tổ chức biên soạn. Sau khi được Bộ thẩm định, cho phép sử dụng thì các cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn sử dụng bộ SGK nào, thậm chí là có thể lựa chọn từng đầu SGK ở nhiều bộ SGK khác nhau.
Theo đó, có thể có những bộ SGK được biên soạn theo mô hình hoạt động như kiểu tài liệu "Hướng dẫn học" của VNEN hiện nay, sau khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành. Tuy nhiên, việc có hay không có bộ SGK như vậy còn tùy thuộc vào các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn và sách có qua được vòng thẩm định của Bộ hay không.
- Xin cảm ơn TS!