Chính sách không bao giờ thỏa mãn tất cả mọi người
Đại ý của lá đơn là vị phụ huynh ấy có hai người con, đều theo học ngành Sư phạm. Đến khi ra trường, hai người tham gia thi tuyển giáo viên nhưng không đạt yêu cầu. Con thi không đỗ, người mẹ có lẽ vì tuyệt vọng, đã viết đơn kêu cứu, khẩn thiết đề nghị các cấp lãnh đạo “nới lỏng” điều kiện tuyển dụng để con mình đỗ. Một câu chuyện rất thật và rất đau xót cho những người làm chính sách. Vì rốt cuộc, chính sách không bao giờ thỏa mãn và có thể đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của tất cả mọi người, dù chính đáng hay không.
Nhưng biết đâu, giống như 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kia, sau một hồi tham gia thi cử mà không đỗ, hai người con của vị phụ huynh ấy sẽ bằng cách này hay cách khác kiếm được một chân giáo viên hợp đồng ở một trường X, Y, Z nào đó để dạy học, với một nguyện vọng tha thiết miễn là có chỗ để đi làm; tiền lương và các chính sách khác không quan trọng.
Thế rồi, một năm, hai năm, hay nhiều hơn thế, khi đã quen với công việc ấy, họ - những giáo viên hợp đồng - không còn muốn thay đổi hoặc cũng không cố gắng để thay đổi với an ủi rằng: Cũng có lương, cũng đóng bảo hiểm xã hội, thì hợp đồng hay biên chế đâu có khác gì nhau. Và cũng giống như rất nhiều người khác, họ - mặc dù đang ngày ngày làm công việc dạy học và giáo dục, nhưng không mảy may quan tâm tới các chính sách của Nhà nước về tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên. Cho đến một ngày, khi không thể trì hoãn thêm nữa, họ buộc phải đối mặt với việc phải dừng lại, đồng nghĩa với việc sẽ không còn con đường nào khác ngoài những lá đơn kêu cứu và những giọt nước mắt rơi?
Ảnh minh họa |
Cần phương án giải quyết dứt điểm
Khi xem hồ sơ của những giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn, điều ám ảnh nhất đối với những người làm chính sách là, có những giáo viên đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm từ những năm 1992, bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động từ những năm 1993. Tôi đã tự hỏi, tại sao một người tốt nghiệp đại học sư phạm từ những năm 1992 lại chấp nhận đi dạy hợp đồng trong từng ấy năm?
Thế hệ của chúng tôi sinh sau đẻ muộn, khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm, tôi biết rất nhiều bạn bè, anh chị, đã chọn cách lên miền núi hoặc những tỉnh ít thuận lợi hơn để tham dự tuyển dụng giáo viên. Bởi vì bằng tốt nghiệp của họ chỉ ở mức trung bình, trong khi chỉ tiêu biên chế ít, khả năng cạnh tranh để thi tuyển vào các cơ sở giáo dục khu vực thuận lợi rất khó khăn. Những người ấy đã chọn đúng và họ có cơ hội, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều người đã phát triển tốt, được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông công lập.
Trong số 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn, có những giáo viên đến thời điểm hiện nay đã chuẩn bị nghỉ chế độ. Nhưng cũng còn rất nhiều người mới vào nghề chưa đến 10 năm, nghĩa là con đường phía trước của họ vẫn còn rất dài và xa. Ngoài 256 giáo viên ở Sóc Sơn, còn giáo viên hợp đồng của Ba Vì, của Đông Anh, của Yên Định, của Krông Pắc… hay ở bất cứ đâu nữa?
Chính sách của Nhà nước về tuyển dụng giáo viên đã có đầy đủ. Rất nhiều cơ sở giáo dục đang còn thiếu giáo viên. Chưa bao giờ vấn đề biên chế sự nghiệp đối với ngành Giáo dục được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện như thời điểm này. Có lẽ, đây là “thời điểm vàng” để các cấp có thẩm quyền liên quan cần phải quyết liệt rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên, nhân viên đang thực hiện hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để có phương án giải quyết dứt điểm. Khó, nhưng nếu tất cả các cấp có thẩm quyền đều quyết liệt vào cuộc thì nhất định sẽ làm được.
Hãy để cho những giọt nước mắt của các thầy cô thôi rơi trên trang giáo án!