200 văn bản trong gần 10 năm
Theo kết quả rà soát trong đợt tổng rà soát theo chuyên đề về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT năm 2017, thì chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, tổng số văn bản (bao gồm cả văn bản quy phạm pháp luật và các quyết định cá biệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) đã ban hành về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là khoảng hơn 200 văn bản.
Đây thực sự là một con số khổng lồ, bởi vì quy trình thông thường để xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật là 1 năm, có những văn bản liên tịch giữa các Bộ, quá trình xây dựng có thể kéo dài từ 2 - 3 năm, cá biệt, có những văn bản phải mất đến 4 - 5 năm vì liên quan những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm hoặc phạm vi tác động lớn lên phải xin ý kiến đến cả Chính phủ dù thẩm quyền ban hành chỉ là cấp Bộ hoặc liên Bộ.
Sự nỗ lực ấy của Bộ GD&ĐT một mặt vừa để đáp ứng nhiệm vụ do Chính phủ giao với trách nhiệm của Bộ quản lý viên chức chuyên ngành GD-ĐT, mặt khác, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo các quy định của pháp luật.
Có thể nói, chế độ, chính sách là thứ không bao giờ thỏa mãn với tất cả mọi đối tượng. Vì chính sách bao giờ cũng có tính chất giai đoạn và thời điểm. Cho nên, quy trình của làm chính sách luôn luôn là xây dựng ban hành – thực thi – đánh giá, điều chỉnh, sửa đổi – xây dựng, ban hành.
Các cơ quan hoạch định chính sách cũng không bao giờ kỳ vọng có một chính sách hoàn hảo, có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi đối tượng mà chỉ luôn luôn hướng tới việc xây dựng các chính sách phù hợp nhất với một nhóm đối tượng tại một giai đoạn, thời điểm nhất định. Nhưng mặt khác, chính sách cũng không phải là thứ mà nhà hoạch định chính sách xây dựng hoặc ban hành để hợp thức hóa cho thực tế cuộc sống (nhất là những thực tế diễn ra không đúng quy định của pháp luật).
|
Cần nghiêm túc rà soát
Chính vì thế, quay trở lại vụ việc 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn (Hà Nội), điều đáng buồn nhất là: Trong khi cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trong nhiều năm đã hết sức nỗ lực xây dựng, hoàn thiện khung chính sách, hành lang pháp lý đủ để các địa phương, cơ sở giáo dục có thể tuyển dụng giáo viên giảng dạy, bảo đảm chất lượng giáo dục. Thì, ở thủ đô Hà Nội, bên cạnh Bộ GD&ĐT, vẫn đang còn biết bao nhiêu giáo viên không có cơ hội để tham gia tuyển dụng, phải trói mình trong phận giáo viên hợp đồng, đằng đẵng 29 năm trời, không biết đến chính sách, pháp luật của Nhà nước ra sao.
Lỗi này tại ai? Nếu là do giáo viên không có đủ điều kiện về năng lực, trình độ để tham gia tuyển dụng, thì cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ không có đủ điều kiện để đứng lớp làm công tác giảng dạy và giáo dục học sinh suốt ngần ấy năm. Hơn nữa, nếu thực sự cần giáo viên để phục vụ giảng dạy mà vì bất cứ lí do nào, giáo viên ấy còn thiếu điều kiện theo chuẩn, thì cơ quan quản lý các cấp đã chỉ ra cho họ, hay tạo điều kiện, động viên, khuyến khích họ tham gia học tập, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu hay chưa?
Tình trạng giáo viên hợp đồng diễn ra tại nhiều địa phương. Ảnh: Đức Chiêm |
Còn nếu giáo viên đã có đủ điều kiện về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để tham gia tuyển dụng thì tại sao cấp có thẩm quyền không trao cho họ cơ hội để được tham gia tuyển dụng? Bởi vì thực tế giáo viên đã khẳng định, có những môn học, cấp học do có kỳ tuyển dụng nhưng giáo viên tham gia thi nhưng không đạt yêu cầu nên tiếp tục hợp đồng giảng dạy, còn có những môn học, thì mặc dù thiếu giáo viên để dạy, nhưng hơn mười năm nay không có một chỉ tiêu tuyển dụng nào.
Trong trường hợp lập luận rằng không có đủ biên chế để tuyển dụng họ, thì tại sao lại vẫn có đủ chỗ, đủ công việc để giữ chân giáo viên trong thân phận của một giáo viên hợp đồng từng ấy năm?
Đã đến lúc, cấp có thẩm quyền cần rà soát một cách thật sự nghiêm túc đối với việc hợp đồng giáo viên thuộc phạm vi quản lý, để có một giải pháp tổng thể, hợp lý, hợp tình, giải quyết một cách dứt điểm, để đơn kêu cứu không còn bay và nước mắt không còn rơi nữa!