Những lá đơn kêu cứu liên tiếp được gửi về Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch thành phố Hà Nội... Không chỉ một lần. Dường như nỗi tuyệt vọng đã khiến 256 thầy cô giáo hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trở nên dũng cảm nhưng cũng đầy u mê. Phải chăng các thầy cô đang bám víu vào một hi vọng lớn rằng, bằng sự kêu cứu, bằng sự tuyệt vọng ấy của các thầy cô, thì cơ quan quản lý các cấp có thể hợp thức hóa được mọi chuyện?
Nhói lòng những câu hỏi “tại sao?”
Là người trực tiếp tiếp nhận, xử lí các đơn kêu cứu của các thầy cô, cũng như rất nhiều các câu hỏi phỏng vấn của báo chí trong suốt thời gian qua về vụ việc này, cá nhân tôi rất đau lòng. 256 giáo viên hợp đồng, phần nhiều là giáo viên dạy cấp học tiểu học và THCS. Người đã ký hợp đồng lâu nhất là 29 năm, người ít trung bình cũng từ 7 - 9 năm. Giáo viên dạy văn hóa có, giáo viên dạy các môn đặc thù như Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Thể dục cũng có. Mỗi thầy cô là một m ảnh đời, một số phận, một lí do và một con đường đến với 4 chữ “giáo viên hợp đồng”.
Nhiều trong số các thầy cô sau từng ấy năm cống hiến đã kịp tích lũy cho mình không ít thành tích: Giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua, sáng kiến kinh nghiệm… Cho nên, câu đầu tiên các thầy cô nói khi gặp bất cứ một ai để phản ánh về vụ việc này là: Tại sao bao nhiêu năm nay chúng tôi đã cống hiến và được ghi nhận. Chúng tôi vẫn được tăng lương định kỳ, được đánh giá, được khen thưởng như những viên chức bình thường khác mà bây giờ lại ra nông nỗi này?
Giáo viên luôn mong muốn được làm việc trong môi trường ổn định và đãi ngộ tốt Ảnh: MH |
Mỗi một câu hỏi “tại sao” của các thầy cô là một nỗi đau. Nhưng chính cơ quan quản lý và rất nhiều người đang theo dõi câu chuyện này cũng đang có rất nhiều câu hỏi: Tại sao 256 thầy cô giáo ở huyện Sóc Sơn cũng như hàng nghìn (thậm chí nếu thống kê cả nước thì con số còn lớn hơn rất nhiều) giáo viên khác đã làm hợp đồng quá nhiều năm như vậy mà lại không thể tự tìm cho mình một con đường, một giải pháp khác và cũng không hề băn khoăn về việc tại sao mình cứ mãi chui trong “cái rọ” hợp đồng ấy?
Do giáo viên không đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc tuyển dụng qua các thời kỳ? Hay chính họ đã an yên với niềm tin rằng những bằng khen kia và cái sự cứ 3 năm lại lên lương một lần thì hợp đồng hay biên chế có khác gì nhau? Tại sao cơ quan có thẩm quyền trực tiếp lại để tình trạng hợp đồng với một giáo viên có thể kéo dài tới 29 năm mà không hề tiến hành rà soát, bàn bạc, thậm chí phản ánh tới cơ quan quản lý cấp cao hơn để có giải pháp giải quyết dứt điểm việc này?
Bao nhiêu nỗ lực cũng là chưa đủ
Trong khi đó, ngay sau khi vụ việc 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn kêu cứu vì có nguy cơ mất việc được đưa tin, rất nhiều tờ báo đã gửi đến Bộ GD&ĐT một câu hỏi: Giải pháp của Bộ về việc này như thế nào?
Giải pháp gì cho việc này khi Bộ GD&ĐT không phải là cơ quan có thẩm quyền quy định về pháp luật liên quan đến nội dung, hình thức và quy trình tuyển dụng giáo viên? Bộ GD&ĐT cũng không phải là đơn vị có thẩm quyền trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên các cấp (trừ giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ).
256 giáo viên ở Sóc Sơn- HN kêu cứu |
Nhất là từ khi có Luật Viên chức, do thay đổi về phân cấp quản lý viên chức nên Bộ GD&ĐT cũng không có thẩm quyền ban hành văn bản riêng hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức tuyển dụng giáo viên (như giai đoạn 1998 - 2010) mà chỉ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và ban hành các văn bản quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Cũng theo quy định về phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về viên chức, Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức và thực hiện giao biên chế viên chức hằng năm (trong đó có giáo viên) cho các địa phương, đồng thời cũng là cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo và tổng hợp chung về tuyển dụng viên chức.
Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức (hoặc phân cấp tổ chức) việc tuyển dụng viên chức theo quy định và chịu trách nhiệm xử lí các sai phạm (nếu có) trong triển khai thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lí viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Trong thẩm quyền được giao, suốt những năm qua, Bộ GD&ĐT đã hết sức nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp; các văn bản về danh mục khung vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.