Còn cơ quan có thẩm quyền liên quan thì điềm nhiên mỗi ba năm, lại ký một quyết định tăng lương cho những giáo viên hợp đồng ấy, để cho họ tự an yên rằng như thế cũng chẳng khác là bao so với khái niệm “biên chế”, mà không hề rà soát, tính toán, hoặc cảnh báo, khuyến nghị để giáo viên có thể lường trước được những hệ lụy, tìm phương án cho riêng mình?
Hai hình thức tuyển dụng
Để có cái nhìn tổng thể về các quy định liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên, cần lấy năm 2010 làm mốc vì đây là thời điểm chúng ta chính thức có Luật viên chức.
Theo đó, cần rà soát các văn bản chính sách về tuyển dụng ở 2 chặng đường: Trước và sau năm 2010. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010 trở về trước là một chặng đường đầy phức tạp bởi các quy định liên quan chưa được luật hóa, chúng ta lại đang trong những giai đoạn sơ khai về xây dựng pháp quy chuyên nghiệp.
Trong câu chuyện của 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn, người có thời gian hợp đồng lâu nhất là 29 năm, nghĩa là họ bắt đầu tham gia hợp đồng vào năm 1990. Vì vậy, khi điểm lại chính sách về tuyển dụng giáo viên bắt đầu từ mốc năm 1990, chúng tôi thấy có thể tạm chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn trước năm 1998; giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2010; giai đoạn từ 2010 đến nay.
Giai đoạn trước năm 1998: Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 về điều lệ tuyển dụng công nhân, viên chức Nhà nước (NĐ24) và Quyết định số 256/TTg ngày 15/7/1975 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tập sự đối với người được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước. Sau đó, liên Bộ Nội vụ và Bộ Lao động đã ban hành Thông tư số 06-TT-LB ngày 6/9/1963 về việc giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức nhà nước (TT06).
Theo đó, đối với việc tuyển dụng viên chức có 2 hình thức bao gồm: (1) tuyển dụng công nhân, viên chức làm việc lâu dài (những đối tượng mà lâu nay ta thường gọi lực lượng thường xuyên hoặc trong biên chế) bao gồm những người được xí nghiệp, cơ quan Nhà nước tuyển vào để làm những công việc có tính chất lâu dài, không quy định thời hạn công tác, lực lượng này do Nhà nước quản lý, sử dụng, điều động theo yêu cầu của sản xuất và công tác; (2) Tuyển dụng công nhân, viên chức làm tạm thời (những đối tượng mà lâu nay ta thường gọi công nhân viên phụ động, hợp đồng, tạm tuyển) bao gồm những người được xí nghiệp, cơ quan tuyển dụng theo chế độ ký kết hợp đồng có thời hạn để làm những việc có tính chất tạm thời, thời vụ, đột xuất trong một thời gian nhất định, khi công việc hoàn thành thì thôi việc.
Tiêu chuẩn cụ thể của các ngạch giáo viên thì đến 1994 mới được ban hành tại Quyết định số 202/TCCP-VC ngày 8/6/1994 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức ngành GD-ĐT. Các tiêu chuẩn ngạch giáo viên nêu trên được sử dụng từ năm 1994 cho đến khi Luật Viên chức có hiệu lực và Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp.
|
Tuyển dụng theo Pháp lệnh
Từ năm 1998 - 2010: Việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/2/1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29/4/2003. Theo đó, tại Khoản 3 Điều 1 của Pháp lệnh đã quy định cán bộ, công chức là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và giáo viên nằm trong nhóm đối tượng “Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp trong các cơ quan nhà nước; mỗi ngạch thể hiện chức và cấp về chuyên môn nghiệp vụ, có chức danh tiêu chuẩn riêng”.
Thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên công chức bao gồm: Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (NĐ95) và Nghị định số 96/1998/CP-NĐ ngày 17/11/1998 về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức (NĐ96); Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (NĐ116); Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Theo quy định tại các văn bản nêu trên, một người là viên chức thì đồng thời phải đảm bảo các điều kiện bao gồm: (1) Là công dân Việt Nam; (2) trong biên chế; (3) được tuyển dụng; (4) được bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; (5) được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Điều đó cũng giá trị ngược lại, nghĩa là, nếu một người đáp ứng tất cả những điều kiện trên, thì họ đương nhiên là viên chức của Nhà nước.
Thời điểm tuyển dụng cũng được quy định rõ: “Hàng năm, các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Sở, Ban, ngành, UBND huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch tuyển dụng đề nghị với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trong chỉ tiêu biên chế mà Bộ, ngành, tỉnh, thành phố được giao” (khoản 2, Điều 5, NĐ95).
Trong giai đoạn này, đối với việc tuyển dụng giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT ngày 26/10/2007 quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hợp đồng qua 2 chặng
Giai đoạn từ 2010 cho đến nay: Sau khi Luật Viên chức có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (NĐ29), sau đó là Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ161). Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 15/2012/TT-BNV Thông tư 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
Kể từ khi có Luật Viên chức, khái niệm về viên chức đã được chuẩn hóa: Là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để xác định một người có phải là viên chức hay không, cần phải đảm bảo đồng thời tất cả các yếu tố sau: (1) Là công dân Việt Nam; (2) được tuyển dụng theo vị trí việc làm, (3) làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, (4) hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Điều ngược lại cũng có giá trị như vậy, nghĩa là, nếu một người đáp ứng đồng thời 4 tiêu chí nêu trên, họ đương nhiên đã là viên chức.
Từ khi có Luật Viên chức, do thay đổi về phân cấp quản lý viên chức nên Bộ GD&ĐT không ban hành văn bản riêng hướng dẫn về tuyển dụng giáo viên (như giai đoạn 1998 - 2010) mà chỉ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và ban hành các văn bản quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức và thực hiện giao biên chế viên chức hằng năm (trong đó có giáo viên) cho các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng viên chức theo quy định và chịu trách nhiệm xử lí các sai phạm (nếu có) trong triển khai thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lí viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, cũng theo hướng dẫn tại các văn bản nêu trên, khi được tuyển dụng vào viên chức, người trúng tuyển làm giáo viên sẽ thực hiện hợp đồng làm việc qua 2 chặng: Hợp đồng làm việc có thời hạn không quá 36 tháng, sau đó sẽ kí hợp đồng làm việc không thời hạn. Cần lưu ý rằng, viên chức sẽ kí hợp đồng làm việc với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, không phải với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.