Bậc thầy tranh vẽ lại của Trung Quốc

GD&TĐ - Thế kỷ XX, Trung Quốc xuất hiện họa sĩ khiến toàn thế giới kinh ngạc và ngưỡng mộ, Zhang Daqian (1898 - 1983).

Một bức tranh đậm nét hội họa Trung Hoa dưới cọ pháp trừu tượng của Daqian. Ảnh: Edition.cnn.com
Một bức tranh đậm nét hội họa Trung Hoa dưới cọ pháp trừu tượng của Daqian. Ảnh: Edition.cnn.com

Bằng cách vẽ lại các bức họa nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa, ông giới thiệu phong cách thủy mặc ra thị trường quốc tế. Tuy bị dị nghị “đạo tranh” nhưng ông chính là họa sĩ phương Đông có tranh bán chạy nhất.

“Picasso phương Đông”

Daqian sinh ra ở Tứ Xuyên, được mẹ dạy hội họa từ nhỏ và sớm bộc lộ tài năng. Thời thiếu niên, Daqian từng bị bắt cóc nhưng, trong thời gian phải sống chung với bọn cướp, ông lại thản nhiên mượn những cuốn sách mà chúng ăn cắp được để đọc và tập làm thơ. Thấy ông đọc thông viết thạo, đám cướp quay sang gọi ông là “sư phụ” và khẩn xin sự chỉ dạy.

Họa sư của Daqian là nhà thư pháp Zeng Xi và họa sĩ Li Ruiqing (Thượng Hải). Một trong các bài học vẽ tranh của Daqian là vẽ lại tranh của các danh họa đi trước, chủ yếu là các họa sĩ thời nhà Minh và nhà Thanh.

Bac thay tranh ve lai cua Trung Quoc 1.jpg
Bậc thầy tranh vẽ lại Zhang Daqian (1898 – 1983).

Daqian sớm bộc lộ tài năng vẽ lại tranh cổ. Năm 1930, ở tuổi 32, ông ra mắt với tư cách họa sĩ vẽ lại các bức tranh tường trong hang động Phật giáo ở Đôn Hoàng, Cam Túc. Tuy nhiên, chưa vẽ ở quê nhà được bao lâu, Daqian đã phải tha hương vì chiến tranh.

Thập niên 1950, Daqian sinh sống ở Argentina và Brazil, sau đó chuyển cư tới California, Mỹ. Năm 1956, ông gặp gỡ đại danh họa Pablo Picasso (1881 – 1973, Tây Ban Nha) tại Paris. Picasso nhờ Daqian đánh giá một số bức tranh mà ông vẽ theo phong cách Trung Quốc. Daqian ngắm nghía kỹ càng rồi cho biết, họa cụ của Picasso không thích hợp với phong cách phương Đông rồi tặng ông một bộ cọ Trung Hoa.

Cũng trong thời gian này, thị lực của Daqian kém dần vì ông bị mắc bệnh tiểu đường nặng. Ông không thể nhìn rõ các nét nên đã chuyển từ trường phái tranh đặc tả sang trừu tượng, thể hiện sự nhấn nhá bằng các vòng xoáy và vết màu đậm.

Đối tượng vẽ của Daqian luôn là núi, sông, cây cối của tranh thủy mặc. Tuy nhiên, dưới cọ pháp tượng hình của ông, chúng không sắc nét như thủy mặc thông thường mà như thể bị phủ bởi một màn sương.

Kết hợp với sở thích dùng nhiều màu sắc của ông, chúng trở nên kỳ ảo và mị hoặc. Chẳng mấy chốc, ông đã trở thành bậc thầy trừu tượng. Thế giới hội họa phương Tây kính nể đặt cho ông biệt danh Picasso phương Đông (Picasso of the East).

Nâng tầm tranh cổ

Từ khi còn ở Trung Quốc, Daqian đã được biết đến như “bậc thầy tranh vẽ lại”. Ông thường xuyên đi khắp nơi, vẽ lại các bức tranh cổ. Tranh của ông giống bản chính đến mức có thể gây nhầm lẫn. Tính đến năm 1940, ở tuổi 42, Daqian có 276 bức tranh vẽ lại. Trước khi rời Trung Quốc vào năm 1949, ông cũng liên tiếp tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh cá nhân trong nước và quốc tế, ví dụ như ở Paris (Pháp), London (Anh), Genève (Thụy Sĩ).

Dù chuyển sang trường phái trừu tượng nhưng Daqian vẫn giữ nguyên tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật vẽ lại tranh cổ. Ông tái tạo trung thực các chi tiết từ bản gốc, sau đó thêm vào những đốm sắc tố màu sáng, khiến bức tranh mới trông càng lung linh hơn.

Ví dụ như bức “Phong cảnh hậu Vương Hy Mạch” (Landscape after Wang Ximeng), phỏng theo kiệt tác “Nghìn sông núi” (A Thousand Li of Rivers and Mountains) của danh họa Vương Hy Mạch (1096 – 1119, nhà Tống) được ông thể hiện tỉ mỉ các đường nét, phong cách hội họa cổ điển Trung Hoa, sau đó tô điểm thêm bằng màu vàng.

“Họa sĩ này không chỉ vẽ lại mà còn đưa tranh gốc lên tầm cao mới” là lời nhận xét thường thấy của các nhà phê bình hội họa dành cho Daqian. So với bắt chước, Daqian học hỏi và tìm ra phong cách cá nhân trong vẽ lại tranh. Bằng cách này, ông vừa bày tỏ lòng tôn kính với họa sĩ gốc vừa bộc lộ tài năng tột đỉnh.

Thập niên 1960, trong một buổi triển lãm các tác phẩm của nhà thư pháp kiêm họa sĩ phong cảnh Shitao (1642 – 1707), Daqian đã có mặt chỉ để tiết lộ “có một số bức tranh là do tôi sao chép”. Ông cũng từng ra mặt xác thực bức tranh mà mọi người cứ ngỡ của Bada Shanren (1626 – 1705) thực ra là do chính mình vẽ lại.

Đối với công việc vẽ lại tranh, Daqian không chỉ đam mê mà còn tự hào. Ông không bao giờ ngại thừa nhận đã vẽ lại và còn cực kỳ kiêu hãnh vì vẽ được giống đến mức khiến cả giới chuyên gia phân loại cũng bị nhầm lẫn.

“Như vậy thì nên gọi Daqian là nhà tân họa hay kẻ đạo tranh đây?”, Giáo sư nghệ thuật Mark Johnson (Mỹ) thắc mắc. Giống như ông Johnson, một số người cũng chỉ trích Daqian là “kẻ đạo tranh”.

Bac thay tranh ve lai cua Trung Quoc 2.jpg
Bức 'Phong cảnh hậu Vương Hy Mạch' phá kỷ lục đấu giá với giá chót lên tới 370 triệu dollar Hồng Kông.

Tuy nhiên, trong giáo dục nghệ thuật Trung Quốc, vẽ lại tranh của người đi trước là bài tập mà họa sĩ nào cũng thực hành qua. Bản thân Daqian cũng chưa bao giờ giấu giếm đã vẽ lại những tác phẩm hội họa nào, nên khó mà kết tội rằng ông đã đạo tranh.

Thời gian sống và vẽ tranh ở Mỹ là thời kỳ thăng hoa nhất của Daqian. Bằng trí nhớ về những tác phẩm hội họa Trung Hoa đã từng sao chép, ông cho ra đời hàng loạt các tác phẩm ấn tượng.

Bên cạnh đó, Daqian cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ phong cách trừu tượng của các họa sĩ phương Tây đương thời, ví dụ như Jackson Pollock (1912 – 1956, Mỹ), Willem de Kooning (1904 – 1997, Hà Lan)... Chỉ là đặc trưng phương Đông vẫn lấn át tất cả.

Ngày 2/4/1983, Daqian qua đời, thọ 85 tuổi. Năm 2002, trên bảng xếp hạng Artprice, ông xếp thứ 80 với doanh thu đấu giá chưa đến 5 triệu USD. Tuy nhiên sau đó, vào năm 2021, ông đã nhảy vọt lên vị trí thứ 6 và đẩy họa gia Hà Lan nổi tiếng nhất mọi thời đại - Vincent van Gogh (1853 – 1890) xuống phía dưới.

Nguyên nhân thúc đẩy sự thăng hạng của Daqian có lẽ là do sự mở rộng của thị trường nghệ thuật Trung Quốc. Trước đây 20 năm, Trung Quốc chỉ chiếm 1% thị trường nghệ thuật toàn cầu nhưng hiện tại, họ là thị trường nghệ thuật lớn thứ nhì thế giới (sau Mỹ) và các nhà sưu tập Trung Quốc vô cùng “đói” tranh của các họa sĩ gốc Hoa.

Tháng 4/2022, một khách đấu giá người châu Á giấu tên đã “chốt” bức “Phong cảnh hậu Vương Hy Mạch” của Daqian với giá 370 triệu dollar Hồng Kông (hơn 1.093 tỷ đồng). Trước đó, vào năm 2016, tổng doanh thu đấu giá tranh của Daqian cũng vượt qua mức 354 triệu USD, cao hơn bất kỳ họa sĩ cổ - kim nào tính tới năm này.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.