Bắc Síp: Vùng “đất dữ” của sinh viên châu Phi?

GD&TĐ - Trang web “Nghiên cứu tại Bắc Síp” mô tả khu vực này là một “thiên đường” dành cho sinh viên (SV). Tuy nhiên, việc nhiều SV Nigeria bị sát hại đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về chất lượng cuộc sống của SV châu Phi tại vùng đất này (Bắc Síp được cộng đồng quốc tế coi là một phần của Cộng hòa Síp).

Trường Đại học Đông Địa Trung Hải (EMU) tại Bắc Síp
Trường Đại học Đông Địa Trung Hải (EMU) tại Bắc Síp

Vụ việc gây chấn động

Thi thể của công dân Nigeria - Obasanjo Adeola Owoyale (33 tuổi) đang theo học tiến sĩ (TS) ngành Kiến trúc tại Đại học (ĐH) Quốc tế Síp, được tìm thấy vào ngày 8/7 trong xe riêng. Một tuần sau, 9 nghi phạm người châu Phi đã bị bắt do liên quan đến vụ án này. Trước đó, hai SV Nigeria khác cũng đã bị sát hại bởi một nhóm người dân địa phương.

Trước bối cảnh này, truyền thông đã nêu ra những khó khăn mà SV châu Phi phải đối mặt khi theo học tại Bắc Síp, đặc biệt là những công dân Nigeria. Nhiều SV cho biết bị thu hút bởi sự phát triển của nền GDĐH tại đảo Síp, nhưng họ lại phải đối mặt với sự thù địch từ người dân địa phương và gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính.

Chia sẻ với truyền thông, ông Cem Tanova, Giáo sư (GS) khoa Kinh doanh và Kinh tế tại ĐH Đông Địa Trung Hải (EMU) khẳng định, các báo cáo về tội phạm ở Bắc Síp đã bị thổi phồng lên.

“Bắc Síp vẫn là một trong những khu vực có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trên thế giới. Do đó, mọi người không thể chỉ nhìn vào những vụ việc gần đây để đánh giá một cách phiến diện”. Vị GS này cũng nhận định: “Các phương tiện truyền thông phương Tây dường như rất thích mô tả các điểm đến GD ở các khu vực khác một cách tiêu cực. Các tổ chức GD của chúng tôi đều nhận thức được và hợp tác với các đại diện SV, công đoàn và các nhà lãnh đạo, nhằm bảo đảm rằng, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự gia tăng nhanh chóng số lượng SV đều được quản lý một cách hiệu quả”.

GS Tanova chia sẻ, các cuộc khảo sát và quan sát riêng từ lãnh đạo các trường học cho thấy, SV hoàn toàn hài lòng với chất lượng GD cũng như cuộc sống tại Bắc Síp.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đang được đặt ra khi số lượng SV tại Bắc Síp tăng đột biến. Trong bài viết của tác giả có tên Esra Aygin được đăng trên báo hồi tháng trước, số lượng SV quốc tế đã tăng gấp 7 lần từ khoảng 5.000 trong năm 2010 lên hơn 35.000 vào năm 2018. Khoảng 20.000 trong số những SV này đến từ các nước châu Phi, chủ yếu là Nigeria.

GS Tanova cho biết, EMU được coi là một trong số trường ĐH tốt nhất trên thế giới theo bảng xếp hạng của Times Greater Education và được đánh giá cao về giảng dạy và tính toàn diện. “Có lẽ sẽ rất tốn kém và khó khăn cho SV quốc tế khi theo học tại trường ĐH có thứ hạng tương tự và được công nhận ở các quốc gia khác. Thực tế là tỷ lệ SV quốc tế ở Bắc Síp cao hơn nhiều, do đó, hệ thống trường ĐH tại đây phải phát triển, nhằm cung cấp hoạt động ngoại khóa và chương trình hỗ trợ dành cho các du học sinh”, GS Tanova nói thêm.

Vấn đề ở chính phủ…

Hiệu trưởng của một trường ĐH tại Bắc Síp giấu tên, thừa nhận: “Đôi khi có những vấn đề với các SV nước ngoài, đặc biệt là với SV châu Phi”. Vị hiệu trưởng này cho biết, có 3 loại SV Nigeria chính đến Bắc Síp: Những SV có nền tảng gia đình tốt và có thể làm việc bán thời gian; Những SV không có khả năng chi trả học phí và không được gia đình hỗ trợ tài chính; Những người dùng danh tính SV nhằm tìm việc làm bất hợp pháp hoặc mục tiêu chuyển đến Nam Síp.

“Nhiều SV tin rằng có thể làm thêm và kiếm đủ tiền đóng học phí. Trái lại, hầu hết đều không thể chi trả sau một vài học kỳ và nhiều người trong số đó phải bỏ học. Những SV này là những người gây ra nhiều vấn đề nhất. Họ tham gia buôn bán ma túy và các hoạt động phi pháp khác”, vị hiệu trưởng cho biết.

Cũng theo nhà lãnh đạo trường học này, điều quan trọng nhất là phải trục xuất những người không phải là SV hoặc những người không thể theo học tại các trường ĐH, nhờ vào sự hợp tác với chính quyền Nigeria. Bên cạnh đó, vị hiệu trưởng cũng khẳng định, trong khi các cơ sở GDĐH tư thục muốn tuyển càng nhiều SV càng tốt, thì chính quyền Bắc Síp và Thổ Nhĩ Kỳ đã thắt chặt quy định tuyển sinh hơn.

Ông Salim Hamza Ringim, cựu Chủ tịch Hội SV Nigeria tại EMU cho biết, nhìn chung, SV châu Phi đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự như các SV quốc tế khác ở Bắc Síp. “SV châu Phi nên tránh xa mọi hoạt động bất hợp pháp và cần tuân thủ quy tắc của đất nước, cũng như tập trung vào nhiệm vụ chính. Hiện nay, các SV châu Phi không hề có sự thống nhất và hợp tác. Vì vậy, chúng tôi cần một hiệp hội có thể kết hợp SV châu Phi lại với nhau. Hiệp hội này sẽ là tiếng nói của tất cả người dân châu Phi”, ông Ringim nói thêm.

Chia sẻ với truyền thông, ông Victor Ika, Chủ tịch của Hội SV Nigeria tại EMU nhận định, nguyên nhân của các vấn đề tài chính mà SV Nigeria gặp phải khi theo học tại Bắc Síp là do ảnh hưởng bởi nền kinh tế yếu kém ở quê nhà. “Hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Ngoài ra, chính phủ Nigeria cũng không kiểm tra điều kiện làm việc ở một số nơi SV làm thêm, dẫn đến nhiều báo cáo về lạm dụng và phân biệt chủng tộc”, ông Victor nói.

Chia sẻ về biện pháp giải quyết những vấn đề này, ông Victor nhận định: Chính phủ Nigeria cần tạo điều kiện cho SV, đặc biệt là những người có tài năng nhưng không thể tiếp tục theo học vì vấn đề tài chính. “Các đường dây nóng cho SV cũng nên được cải thiện. Thật tệ khi biết có chuyện xấu xảy ra với một SV Nigeria, nhưng điều tồi tệ hơn là không biết chuyện gì đã diễn ra. Điều đó cần được giải quyết. Đảo Síp là khu vực xinh đẹp với những vấn đề có thể dễ dàng giải quyết nếu được chú ý đúng lúc”, ông Victor nhấn mạnh.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.