Singapore: Kiên quyết loại quấy rối tình dục trong nhà trường

GD&TĐ - Các trường đại học (ĐH) tại Singapore vừa ra tuyên bố sẽ có những biện pháp nghiêm khắc nhằm xử lý tận gốc các vụ quấy rối tình dục trong khuôn viên trường, sau lời kêu gọi từ Bộ trưởng Giáo dục (GD) nước này.

Bộ trưởng Giáo dục Singapore kêu gọi các trường ĐH có biện pháp cứng rắn với những kẻ quấy rối tình dục
Bộ trưởng Giáo dục Singapore kêu gọi các trường ĐH có biện pháp cứng rắn với những kẻ quấy rối tình dục

Kiên quyết xử lý

Những thay đổi về quy tắc trong trường được đề xuất sau nhiều phản đối từ dư luận về trường hợp của Monica Baey, sinh viên (SV) của ĐH Quốc gia

Singapore (NUS). Monica đã đệ đơn khiếu nại sau khi bị một SV khác quay lén trong phòng tắm của trường. Mặc dù xảy ra từ tháng 11/2018, nhưng tới tháng 4/2019, Baey mới quyết định phơi bày vụ việc với lý do cho rằng, nhà trường chưa giải quyết thỏa đáng. Sau bê bối này, NUS đã đưa ra các hình phạt mới cứng rắn hơn và quyết định đình chỉ kẻ quay lén.

Trước đó, Bộ trưởng GD Ong Ye Kung khẳng định, các hình phạt của NUS đưa ra là quá nhẹ trong trường hợp của nữ sinh Monica. Thông qua một bài đăng trên mạng xã hội, Bộ trưởng Ong cho biết: “Kể từ nay, đối với những vi phạm gây ảnh hưởng đến sự an toàn của SV trong trường, chúng ta phải có lập trường cứng rắn và biện pháp mạnh hơn”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng không yêu cầu các trường ĐH tại Singapore áp đặt các tiêu chuẩn hoặc quy tắc của Bộ vì họ là những tổ chức tự chủ độc lập. Thay vào đó, ông Ong Ye Kung đã chỉ ra 3 trọng tâm chính mà các cơ sở GD cần thực hiện, bao gồm: Hỗ trợ nạn nhân, tăng cường an ninh trong khuôn viên trường nhằm ngăn chặn những kẻ phạm tội, có biện pháp cứng rắn chống lại hành vi quấy rối tình dục.

Sau phát biểu này, các trường ĐH tại Singapore khẳng định sẽ nhanh chóng đưa ra những luật lệ mới và sẽ có hiệu lực vào tháng 8, trước thềm năm học mới. ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) tuyên bố đã bắt đầu thực hiện việc xem xét lại luật lệ từ cuối năm ngoái. “Quy định mới được đưa ra sau khi chúng tôi thảo luận với các lãnh đạo SV”, tuyên bố từ nhà trường cho biết.

Bên cạnh đó, ĐH Quản lý Singapore (SMU) cho biết đang xem xét các quy tắc sau khi tham khảo ý kiến của nhân viên, giảng viên, lãnh đạo SV và cựu SV. Chủ tịch trường ĐH, bà Lily Kong khẳng định sẽ không dung thứ cho mọi hành vi quấy rối tình dục dưới bất kỳ hình thức nào.

Các trường đại học chính thức vào cuộc

Các hình phạt mới dành cho hành vi quấy rối tình dục, trong đó có cả việc trục xuất khỏi trường đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất, đã có hiệu lực tại NUS từ giữa tháng 6/2019. Ngoài ra, trường ĐH này cũng nhấn mạnh rằng, các hình phạt mới sẽ được áp dụng cả với trường hợp bị cáo buộc hình sự.

Trong bức thư gửi tới SV, cựu SV và nhân viên trường, Chủ tịch NUS Tan Eng Chye khẳng định sẽ không áp dụng hình phạt đối với những vụ việc xảy ra trong quá khứ. Điều này có nghĩa là, trường hợp của nữ sinh Monica Baey sẽ không được giải quyết theo quy tắc mới. Trước đó, kẻ quay lén Baey đã phải nhận cảnh cáo từ cảnh sát, bị đình chỉ một học kỳ và phải thực hiện 30 giờ lao động công ích. Phía cảnh sát cũng khẳng định, họ chỉ cảnh cáo kẻ vi phạm vì nhận thấy rằng, SV này đã có những biểu hiện hối cải.

Theo thống kê, khoảng 25 trường hợp đã được đưa đến hội đồng kỷ luật NUS trong vòng 3 năm qua nhưng không SV nào bị trục xuất. Mới đây, nhà trường tuyên bố sẽ đào tạo bộ phận an ninh trong trường, cũng như các SV và nhân viên, nhằm thành lập một đơn vị hỗ trợ nạn nhân. Ngoài ra, NUS cũng khẳng định sẽ tăng cường nhân viên tuần tra trong khuôn viên trường và cả khu ký túc xá, lắp đặt thêm hàng trăm camera tại nhiều địa điểm, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh và phòng tắm.

Ông Alan Chan, Phó Chủ tịch ĐH Công nghệ Nanyang, cho biết: “Các trường ĐH ở Singapore đang dần có nhận thức rõ hơn về vấn đề quấy rối. Vì vậy, không chỉ NTU, mà NUS và SMU, cũng như các trường ĐH khác sẽ phối hợp trong các chương trình nhằm giúp SV, giảng viên, nhân viên hiểu những gì là yếu tố cấu thành hành vi quấy rối. Đây là những bước quan trọng để tạo ra một môi trường công bằng hơn, không chỉ cho cộng đồng ĐH mà còn cho mọi người”. Ông Chan cũng cho biết, NTU mô phỏng qua một video về những yếu tố cấu thành quấy rối - không chỉ là quấy rối tình dục mà còn cả bắt nạt.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng GD Ong Ye Kung cho biết, 6 trường ĐH tại Singapore do chính phủ tài trợ đã kỷ luật 56 trường hợp liên quan đến hành vi quấy rối tình dục trong vòng 3 năm qua. Trong đó, 2/3 trường hợp có liên quan đến quay lén; 10 trường hợp phạm tội nghiêm trọng phải chịu án tù từ 10 ngày – 8 tháng. “Nếu nhìn lại 10 trường hợp vi phạm nghiêm trọng dẫn đến án tù, chỉ có một SV bị trục xuất và sau đó được giảm thành án treo 18 tháng, sau khi người này kháng cáo và được xác nhận có vấn đề về thần kinh”, Bộ trưởng GD chia sẻ.

Cũng theo ông Ong, có tới 37/56 vụ là quay lén các SV khác trong những trạng thái nhạy cảm. “Chúng ta cần phải công nhận rằng, nạn quay lén đang ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại lớn đối với mọi người. Đặc biệt là với sự phát triển của Internet như ngày nay, nhiều trẻ em được tiếp xúc sớm với mạng xã hội. Chính những tiến bộ công nghệ đó đã khiến việc quay lén trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết và khó bị phát hiện. Do đó, không ít người nghĩ rằng, hành động quấy rối không phải là một hành vi phạm tội nghiêm trọng”, Bộ trưởng Ong bức xúc cho biết.

Trong văn bản trả lời các câu hỏi của Quốc hội, Bộ trưởng GD Ong Ye Kung nhấn mạnh: “Các tổ chức GD cũng phải công nhận rằng, cách phản ứng trước nạn quấy rối đang dần quyết liệt hơn, không chỉ ở Singapore mà trên toàn cầu. Phong trào “Me Too” là một ví dụ điển hình”. Ông Ong cũng khẳng định, khi các chuẩn mực xã hội đang thay đổi, những cơ sở GD cần bắt kịp thời đại, phát tín hiệu rõ ràng rằng, hành vi quấy rối tình dục là không thể chấp nhận được. “Mọi người nên được trang bị kiến thức để có thể giải quyết các khiếu nại về hành vi sai trái này một cách thích hợp”, Bộ trưởng GD Singapore nói thêm.
Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ