Bước tiến lớn
Trong vòng 19 năm qua, Bostwana đã có 4 trường CĐ phát triển thành trường ĐH. Đối với những trường tư thục, hai cơ sở GDĐH mới bao gồm: Trường ĐH BA ISAGO, hiện có trụ sở tại thủ đô Gaborone - nơi từng được gọi là Trường CĐ BA ISAGO cho tới năm 2015; Trường ĐH Botho - cơ sở GDĐH tư thục lớn nhất đất nước.
Mặt khác, về phía các trường công lập, ĐH Mở Botswana (BOU) và Trường ĐH Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên Botswana (BUAN), có trụ sở tại Sebele, phía Bắc thủ đô, đã được công nhận là trường ĐH vào năm 2013.
Nhờ sự thay đổi tích cực này, những cơ sở GDĐH nêu trên hoàn toàn có quyền cấp bằng cho sinh viên (SV), thay vì phải chờ chứng chỉ được xác nhận bởi các cơ quan khác như trước kia. Để có thể được công nhận là ĐH, các trường tại Botswana cần phải chứng minh tiềm lực mang lại một nền GD chất lượng cao cho SV, đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia.
Người phát ngôn của Cơ quan Kiểm định Chất lượng Botswana (BQA) bà Selwana Pilatwe - Koppenhaver giải thích: “Một tổ chức GD và đào tạo được xác nhận là hợp lệ sẽ có quyền cấp bằng cho SV, miễn là chương trình học được công nhận. Quá trình công nhận sẽ xác định rằng, cơ sở GD đó có đủ các nguồn lực cần thiết để trao bằng hay không”.
Cũng theo bà Selwana Pilatwe - Koppenhaver, tổ chức GD với tư cách là trường ĐH cần đáp ứng những yêu cầu cụ thể như: Có một số lượng SV tối thiểu, số lượng các khoa tối thiểu và số người giảng dạy với trình độ giáo sư. “Điều này có nghĩa là, các trường ĐH sẽ có sự đa dạng về dịch vụ và mang đến cho SV một môi trường tốt nhất có thể”, người phát ngôn của BQA nói thêm.
Ngoài ra, bà Pilatwe - Koppenhaver chia sẻ, nếu nhận thấy ngôi trường nào tại Botswana có tiềm năng phát triển, một tổ chức quản lý sẽ đề xuất để cơ sở đó có thể chuyển đổi thành trường ĐH. “Sau đó, tổ chức quản lý này sẽ tăng cường giám sát đối với các trường có khả năng”, bà Pilatwe - Koppenhaver nói thêm.
Đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định liệu một trường CĐ có thể trở thành tổ chức GDĐH hay không, BQA sẽ đánh giá các tiêu chí cần thiết và công nhận các cơ sở GD đó. Tuy nhiên, để chính thức được công nhận, các trường ĐH công lập tại Botswana cần chờ một đạo luật từ quốc hội nước này.
Thực hiện nhiều thay đổi
Kể cả khi được công nhận là một trường ĐH, các tổ chức GD tư thục tại Botswana sẽ không được chính phủ hỗ trợ ngân sách để có thể duy trì hoạt động. Nguyên nhân được cho là bởi, số liệu thống kê từ Hội đồng Phát triển nguồn nhân lực cho thấy, có tới 74,5% cơ sở GDĐH công lập tại Botswana, trong khi các tổ chức GD tư nhân chỉ chiếm 25,5%. “Không có nguồn tài trợ trực tiếp nào dành cho các trường ĐH tư”, bà Pilatwe - Koppenhaver khẳng định.
Tuy nhiên, những tổ chức GD tư thục nước này vẫn được chính phủ hỗ trợ một cách gián tiếp, bằng cách tài trợ cho người học thông qua Bộ Tài chính GDĐH. Bên cạnh đó, chính phủ Botswana cũng đầu tư nhiều khoản vào GD, cũng như việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho các trường CĐ, ĐH.
Ngoài ra, BQA cũng khuyến khích các trường ĐH có tầm nhìn dài hạn hơn về kế hoạch tài chính. Tiến sĩ Daniel Tau, Phó Hiệu trưởng ĐH Mở Botswana (BOU) cho biết, với tư cách là một trường ĐH, tổ chức của ông muốn đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong khung chính sách GD quốc gia và quốc tế. “Khung chính sách này cung cấp lộ trình cho các tổ chức GD trong kế hoạch được công nhận trên toàn cầu, nhờ cung cấp nền GD chất lượng thông qua GD mở và từ xa”, ông Tau cho biết.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Tau, việc các trường CĐ chuyển sang ĐH là một bước tiến nhằm giúp Botswana có khả năng cạnh tranh trong xã hội toàn cầu hoá, sánh ngang với nền GD của các quốc gia phát triển khác tại khu vực Nam Phi.
Các chuyên gia GD tại Botswana nhận định, khi hoàn tất các bước cơ bản của quá trình chuyển đổi thành trường ĐH, các nhà lãnh đạo sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc mở rộng và phát triển trường. Quyền Phó Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên Botswana (BUAN), bà Rebecca Mgadla chia sẻ, với sự hỗ trợ của chính phủ và hội đồng trường ĐH, BUAN khá thuận lợi trong giai đoạn chuyển đổi 2 và sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo”.
Theo đó, giai đoạn 2 bao gồm việc thành lập các phòng, ban mới như ký túc xá và giảng đường; giới thiệu các chương trình học thuật mới; sửa đổi quy định và sửa chữa lại các toà nhà trong trường. Chia sẻ với truyền thông, bà Mgadla cho biết, trong giai đoạn 3, BUAN sẽ xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, mua thiết bị cần thiết, cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, quốc tế hóa dịch vụ và tăng cường quảng cáo cũng như tuyển dụng thêm nhân viên. “BUAN đang chuyển đổi. Chúng tôi mong muốn sẽ thu hút được các nhà đầu tư và cả du học sinh nhờ chương trình quốc tế hóa của trường”, vị quyền phó hiệu trưởng nói thêm.
Theo nhiều chuyên gia GD, khi mạng lưới các trường tại Botswana ngày càng phát triển, việc cải cách các quy định GD có thể sẽ được thực hiện, nhằm mang lại sự giám sát chặt chẽ hơn. “Nhiều vấn đề đang diễn ra trong các tổ chức GD nhưng không được báo cáo”, bà Thabile Samboma, nhà nghiên cứu tại Viện phân tích Chính sách phát triển Botswana khẳng định. Trong nghiên cứu có tiêu đề “Quy định của các tổ chức GDĐH ở Botswana: Các vấn đề và lựa chọn”, bà Samboma cho rằng, đất nước cần một Bộ luật GDĐH toàn diện, nhằm giám sát hoạt động của các trường ĐH.