Bác sĩ thương binh nâng bước những mảnh đời

GD&TĐ - Với tấm lòng nhân hậu, trái tim bao dung, thương binh - bác sĩ Lê Thành Đô, nguyên giảng viên y khoa của Dự án đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình (do Đức tài trợ cho Trường Đại học Lao động Xã hội) trú ở ngõ 242, phố Minh Khai (Hà Nội) đã mở xưởng sản xuất chân tay giả, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh…

Bác sĩ Lê Thành Đô miệt mài bên xưởng sản xuất chân tay giả, để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.	Ảnh: Đăng Chung
Bác sĩ Lê Thành Đô miệt mài bên xưởng sản xuất chân tay giả, để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: Đăng Chung

Những khát vọng…

Buổi tối muộn trong căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp cùng những bằng khen, giấy khen được treo trang trọng, bác sĩ Lê Thành Đô kể về tuổi thơ vất vả. Mồ côi cha mẹ từ sớm, ông sống cùng ông bà nội…Tuy cuộc sống muôn phần khó khăn nhưng cậu bé Đô ngày nào lại là người hiếu học, luôn có thành tích học tập xuất sắc, được thầy cô, bạn bè quý mến.

Khi mới là học sinh lớp 10, cậu học trò Lê Thành Đô đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Vào quân đội ông được xung vào Sư đoàn 304, trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở đảo Hòn Mê. Ông bị thương ở mặt và phần cánh tay trong khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở cầu Hàm Rồng. Sau 2 năm điều trị, thấy sức khoẻ của ông giảm sút, đơn vị buộc phải điều chuyển ông về tuyến sau.

Với trình độ lớp 10, ông Đô được cấp trên tạo điều kiện, tiếp tục đi học tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Vừa hạnh phúc vừa mãn nguyện vì được cấp trên giao phó, ông chỉ có một trăn trở là sau này học xong sẽ giúp đỡ những người khó khăn hơn mình trong cuộc sống.

“Tôi chỉ mong sẽ mở rộng thêm xưởng sản xuất của mình để Trung tâm Tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật ngày càng giúp được nhiều mảnh đời bất hạnh hơn. Tôi sẽ làm cho đến khi sức khỏe của mình không cho phép nữa. Đến khi ấy, xưởng sản xuất này sẽ được giao cho những học trò có tâm”, ông giáo nghèo rưng rưng nói.

Mong muốn ấy cứ trở đi trở lại, đến nỗi, đi làm thì thôi nhưng khi đặt lưng xuống ông lại thấy thôi thúc dội về. Sáu năm đằng đẵng miệt mài đèn sách, cầm tấm bằng y khoa, ông được điều chuyển công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Từ đây, cuộc đời ông bước sang một trang mới cùng niềm hạnh phúc được đem kiến thức chuyên môn, chăm sóc những thương binh nặng, phần lớn là những người bị liệt do chấn thương cột sống.

Bác sĩ Đô tâm sự: “Đó là những năm tháng không bao giờ quên trong cuộc đời của tôi. Làm việc ở trung tâm, tôi được sống cùng anh em đồng đội. Anh em đã chinh chiến ở các chiến trường, vì đất nước mà quên mình hi sinh. Thế nên, không chỉ khám chữa bệnh, mà tôi còn luôn ở bên cạnh, động viên anh em, coi họ như người thân trong nhà. Mỗi khi thấy anh em đau đớn là thấy tim mình nhói lên”. Gắn bó Sau 10 năm gắn bó với trung tâm trên cương vị Trưởng phòng y tế, ông được điều chuyển công tác về Hà Nội.

Ông tham gia thực hiện dự án sản xuất chân giả cho thương binh, người tàn tật (Dự án do Hoa Kỳ tài trợ cho Viện Chỉnh hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); rồi làm giảng viên y khoa của Dự án đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình (do Đức tài trợ cho Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội)…

Cùng với việc giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bác sĩ Đô còn luôn hoàn thành tốt công việc của một cán bộ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, chuyên chăm sóc sức khỏe, vận động xóa nhà dột nát cho người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa. Các cháu nhỏ ở Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ bại liệt, bại não thường xuyên được bác sĩ Đô thăm khám miễn phí, tham gia phẫu thuật để khắc phục biến dạng. Sau đó, ông làm dụng cụ chỉnh hình sao cho phù hợp với đặc thù khuyết tật của từng cháu. Để tập trung vào việc này, bác sĩ Đô đã quyết định mở xưởng sản xuất chân tay giả ngay tại ngôi nhà tập thể của mình.

Để cống hiến

Với một bác sĩ thương binh nghèo như ông, mở được xưởng sản xuất chân giả là điều không mấy dễ dàng. Chỉ bằng đồng lương hưu, trợ cấp thương binh ít ỏi, ông vẫn dành dụm, tằn tiện mua sắm trang thiết bị y cụ phục vụ cho công việc này. “Lúc đầu khó lắm. Để mua thiết bị, máy móc là một khoản tiền khổng lồ. Tôi quyết định mở xưởng sản xuất này là để làm miễn phí cho người khuyết tật, vì vậy cũng không có quá nhiều áp lực. Sau mười năm đi vào hoạt động, xưởng sản xuất của tôi cũng dần đầy đủ và giúp đỡ được khá nhiều người khuyết tập. Tính ra đến thời điểm này, cũng đã giúp được 614 trường hợp; nếu tính về dụng cụ là 750 chiếc”.

Ông Lê Văn Thà cộng sự của bác sĩ Đô, chia sẻ: “Tôi có 10 năm làm việc tại xưởng sản xuất của anh Đô. Những năm tháng sống, làm việc tại đây, tôi thấy ông là một con người nhân hậu, sống bao dung, giàu lòng nghĩa hiệp, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người yếu thế hơn mình. Công việc mà ông đang theo đuổi càng trở thành tấm gương cho chúng tôi học tập. Chúng tôi tự nhủ sẽ cùng anh chung sức vì hoạt động xã hội nhân ái cho đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”.

Nhiều người sau khi được ông lắp chân giả đã tìm được công việc phù hợp để mưu sinh. Người thì làm thợ điện, xe ôm, người làm nhân viên bán hàng. Chứng kiến công việc hàng ngày của ông Đô, mới hiểu được hết nỗi vất vả của ông. Để làm được một chiếc chân giả phải tốn nhiều công sức, từ việc thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người.

Bác sĩ Đô cùng các cộng sự không chỉ thăm khám, làm dụng cụ chỉnh hình miễn phí, mà còn động viên và tư vấn cho các bệnh nhân cách tập, vận động để phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt. Dù đã có 50 năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng người thương binh già vẫn luôn tìm tòi, học hỏi để đưa những kĩ thuật tiên tiến, hiệu quả nhất áp dụng vào xưởng sản xuất của mình. “Tôi nghĩ rằng, cần phải tìm hiểu và cải tiến để người khuyết tật có một đôi chân, đôi tay phù hợp nhất. Tôi đam mê công việc này lắm, nó như thú vui tuổi già, cứ giúp được nhiều người là hạnh phúc rồi”, bác sĩ Đô hiền hậu nói.

Bà Hồ Thị Dương Liễu - Cán bộ văn phòng theo dõi thi đua khen thưởng - UBND phường Minh Khai phấn khởi cho biết, bác Đô có tấm lòng nhân hậu, thân tình, chan hòa với bà con khu phố nên được mọi người yêu mến, kính trọng. “Đến nay, nhiều đồng nghiệp cùng các thế hệ học trò của bác Đô vẫn tham gia công tác từ thiện tại địa phương. Mới đây bác sĩ Lê Thành Đô cũng được UBND quận Hai Bà Trưng tặng Giấy khen…”- bà Liễu thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ