Cơ thể trẻ chỉ cần một lượng nhỏ muối trong chế độ ăn uống hàng ngày. Không cho con ăn quá nhiều muối chính là cách mẹ tập cho trẻ quen dần với vị nhạt, giúp hạn chế thói quen ăn mặn của con khi lớn lên. Ăn mặn quá mức có thể là nguyên nhân dẫn đến vô số các căn bệnh nguy hiểm như: Cao huyết áp, ung thư.
Lượng muối cần thiết cho cơ thể trẻ
Nhu cầu muối cho cơ thể trẻ tăng dần theo độ tuổi
Theo nghiên cứu, lượng muối hàng ngày cho bé được khuyến cáo như sau:
- Trẻ dưới 1 tuổi: Dưới 1g
- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 2g
- Trẻ từ 4 - 6 tuổi: 3g
- Trẻ từ 7 -10 tuổi: 5g
- Trẻ sau 11 tuổi: 6g
Có cần nêm muối vào thức ăn dặm của trẻ?
Sữa mẹ và sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuối có đủ hàm lượng muối cung cấp cho cơ thể trẻ. Vì vậy, mẹ tuyệt đối không nêm thêm muối, nước mắm vào thức ăn dặm hàng ngày. Nhiều bà mẹ cảm thấy món ăn sẽ nhạt nhẽo, trẻ sẽ không có hứng thú ăn uống.
Tuy nhiên trên thực tế, trẻ hoàn toàn không biết vị mặn của muối, vị ngọt của đường nên rất dễ chấp nhận và làm quen với loại bột dành cho trẻ ăn dặm.
Mẹ không nên cho muối khi nêm thức ăn dặm cho trẻ
Trong quá trình chọn lựa thực phẩm cho trẻ, có rất nhiều thực phẩm chứa muối (snack, bánh ăn dặm...) vượt nhu cầu của bé hàng ngày và có thể khiến trẻ quen dần với vị mặn. Vì vậy, mẹ cần lưu ý kiểm tra thông tin dinh dưỡng thực phẩm trước khi mua.
Để tính lượng muối trong thực phẩm, căn cứ vào bảng thành phần mẹ có thể áp dụng công thức: Lượng Natri x 2,5. Ví dụ: 1g Natri trong 100g thực phẩm sẽ chứa 2,5g muối.
Trẻ sẽ quen với vị nhạt của thức ăn nếu mẹ tập cho con trong giai đoạn ăn dặm
Nếu trẻ có hiện tượng biếng ăn thời gian dài, mẹ không nên có suy nghĩ trẻ không thích thức ăn nhạt. Mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ kịp thời phát hiện ra những triệu chứng bệnh bất thường. Bác sĩ sẽ có phương pháp và cách điều trị phù hợp đối với thể trạng từng đứa trẻ.