Tại bang Rajasthan (Ấn Độ), hàng ngàn trẻ em đang làm việc trong các mỏ đá, nơi bụi silic giết chết cha mẹ chúng và đẩy cả gia đình vào vòng luẩn quẩn nợ nần, bệnh tật. Dù luật pháp cấm lao động trẻ em, thực tế lại chống lại điều đó.
“Làng góa phụ”
Từ ngày đầu tiên đi làm, cậu bé Sonu, 8 tuổi, sống tại làng Budhpura (bang Rajasthan, Ấn Độ), đã được ông chủ dặn dò rằng nếu thấy người lạ, em phải chạy trốn. Trong suốt 2 năm làm việc tại mỏ đá kim sa, Sonu mới phải bỏ chạy 2 lần.
Mẹ của em, chị Anita, kể rằng mỗi khi có người lạ xuất hiện ở làng, ông chủ lại gọi điện, dặn dò gia đình không để Sonu đi làm. Chỉ những người lớn mới được làm việc vào những ngày đấy.
20 năm làm việc trong ngành chế tác đá kim sa, trên mình Anita có vô số thương tích. Dù mới 40 tuổi, chị mắc bệnh lao vì liên tục hít phải bụi đá nhưng không thể điều trị dứt điểm vì nhà nghèo. Để nuôi nấng 5 người con, chị không chỉ co kéo chi tiêu mà còn để con trai cả, Sonu, đi làm từ rất sớm.
Hai mẹ con làm việc 8 tiếng mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần. Họ chủ yếu đục đá lát đường, những viên đá sau này được xuất khẩu sang Anh, Bắc Mỹ và châu Âu. Sonu bắt đầu đi làm sau khi cha em qua đời vì bệnh bụi phổi silic năm 2021.
Bệnh bụi phổi silic xuất hiện do bệnh nhân tiếp xúc lâu dài với các hạt silica mịn trong cát, thạch anh và đá. Khi triệu chứng nặng, người bệnh phải nằm liệt giường còn chi phí điều trị quá đắt đỏ. Nếu người lớn trong gia đình mắc bệnh này, đó là lúc những đứa trẻ bỏ học và đi làm. Số tiền các em kiếm được không đủ cho gia đình sống thoải mái hay trả các khoản nợ nhưng vẫn tốt hơn là không có gì.
Chị Anita kể, ban đầu Sonu chỉ hỗ trợ mẹ đục vài viên mỗi ngày, rồi dần dần tăng lên cho đến khi cậu bé bỏ học làm toàn thời gian. Kể từ đó, mỗi ngày, 2 mẹ con ngồi trên một con phố nhỏ gần nhà, giữa đống đá kim sa vụn, miệt mài đục đẽo từng viên đá thô ráp. Sonu được trả một rupee cho mỗi viên đá hoàn chỉnh.
Những viên đá này, khi đến tay người tiêu dùng ở Anh, có giá bán lẻ lên tới 80 bảng Anh mỗi mét vuông. Mỗi ngày, Sonu hay Anita có thể đục 100 – 150 viên và mỗi tháng được trả khoảng 3,5 nghìn rupee.
Tương tự, Amar, 14 tuổi, bị nhiều vết sẹo do làm việc với đá từ năm 10 tuổi, sau khi cha mắc bệnh bụi phổi silic và qua đời. Những thương tật như vậy là rất phổ biến ở công nhân khai thác đá nhưng họ không nhận được cũng như không mong đợi bất kỳ hỗ trợ y tế nào từ chủ lao động vì đây chỉ được coi là “tai nạn nhỏ”.
Ước tính, hơn 11 triệu người dân sống tại Ấn Độ đã tiếp xúc với bụi gây bệnh bụi phổi silic. Ban đầu, nó bị nhầm lẫn với bệnh lao vì có triệu chứng khá giống nhau. Ở những ngôi làng xa xôi như Budhpura, việc điều trị là bất khả thi vì bệnh viện ở rất xa, chi phí, thuốc men đắt đỏ. Cũng bởi vậy, làng Budhpura còn được biết đến là “làng góa phụ” do đàn ông nơi đây đều chết sớm vì bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Phục vụ nhu cầu quốc tế
50 năm trước, Budhpura chỉ là một ngọn đồi đá kim sa với vài khu mỏ nhỏ và một số công nhân di cư sống tạm bợ. Munna, một trong những người đầu tiên đến đây, nhớ lại, cuộc sống khi ấy vô cùng nóng nực, bụi bặm, lương thấp. Ngày nay, ngọn đồi đã bị san phẳng. Dân số Budhpura tăng lên hơn 4 nghìn người, đá kim sa gần như đã bị khai thác cạn kiệt.
Khi nguồn đá lớn cạn dần, các công ty bắt đầu đổ đá vụn ra 2 bên đường cao tốc. Ở đó, trẻ em, phụ nữ và người già ngồi cả ngày đập đá lấy tiền công rẻ mạt. Chỉ một rupee cho một viên đá. Công việc này dành cho những người yếu thế, không thể vào làm trong mỏ.
Ngày nay, khắp Budhpura, đâu đâu cũng thấy những đống đá vụn bụi bặm. Đá cuội được chất đầy trong thùng gỗ, không nhãn mác, chờ xe tải đưa đi mà không ai biết rõ nguồn gốc hay điểm đến. Anh Munna cho hay: “Chúng tôi không biết công ty nào cả. Chỉ nghe nói đá sẽ được đưa ra nước ngoài. Chuỗi cung ứng vẫn dài, phức tạp và gần như không thể lần theo dấu vết”.
Vào một buổi chiều hè oi bức, khoảng 20 phụ nữ ngồi trên khu đất trống ở Budhpura, cắt những phiến đá kim sa bằng tay dưới nắng gắt. Họ làm việc cho các đại lý địa phương, theo ca, không hợp đồng, trong một thị trường khai thác gần như không kiểm soát, bị chi phối bởi các băng nhóm xã hội đen.
Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất đá tự nhiên lớn nhất thế giới, với các loại đá nổi tiếng như granit, cẩm thạch, kim sa và phiến đá. Bang Rajasthan, giàu tài nguyên khoáng sản, thu hút đông đảo các công ty khai thác. Tuy vậy, theo các tổ chức môi trường, còn hàng ngàn mỏ đá khác đang hoạt động chui, khiến một phần lớn ngành khai khoáng ở đây gần như nằm ngoài vòng kiểm soát.
Đá kim sa, một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Rajasthan, là loại đá trầm tích nhiều màu sắc, chủ yếu gồm cát thạch anh, được sử dụng phổ biến trong xây dựng và lát đường. Năm 2020, bang sản xuất khoảng 27 triệu tấn kim sa.
Phần lớn đá được tiêu thụ trong nước, song những khối đá bền chắc nhất lại đặc biệt được ưa chuộng tại châu Âu và Bắc Mỹ, nơi cần vật liệu chịu được tuyết và xe tải hạng nặng. Đặc biệt, Vương quốc Anh là thị trường nhập khẩu kim sa Ấn Độ lớn nhất.
Ước tính có khoảng 2,5 triệu lao động tham gia ngành khai khoáng ở bang Rajasthan, phần lớn là dân di cư từ các cộng đồng thiểu số trên khắp Ấn Độ. Một số chủ động tìm đến xin việc, số khác là người dân địa phương do các mỏ đá chiêu mộ.

Không thể truy vết
Ông Shankar Singh, nhà hoạt động xã hội và đồng sáng lập tổ chức từ thiện Mazdoor Kisan Shakti Sangathan, cho biết: “Các doanh nghiệp hứa hẹn người lao động sẽ được trả rất nhiều tiền, làm việc theo hợp đồng lao động với mức đãi ngộ hậu hĩnh. Nhưng họ không nói rõ công việc này đi kèm những nguy hiểm ra sao vì nếu họ biết sự thật, chẳng ai còn muốn đi làm”.
Một báo cáo năm 2005 tiết lộ rằng, một số đại lý thậm chí đưa lao động nhập cư đến bang Rajasthan bằng cách tổ chức các chuyến đi miễn phí đến những địa điểm hành hương, sau đó buộc họ làm việc để trả nợ chi phí. Với khả năng khai thác dồi dào, các doanh nghiệp, mỏ đá thậm chí còn thuê lao động trẻ em dù biết điều này là bất hợp pháp.
Khi nhận thức về nạn nô lệ hiện đại và buôn người gia tăng, một số quốc gia đã ban hành luật nhằm ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động, đặc biệt là bóc lột lao động trẻ em. Năm 2015, Vương quốc Anh thông qua Đạo luật Nô lệ Hiện đại, yêu cầu các công ty lớn phải công bố cách thức kiểm soát lao động trong chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, trong ngành khai thác đá, việc truy vết nguồn gốc đá vẫn cực kỳ khó khăn. Đá kim sa sau khi khai thác thường được tập kết ở các trung tâm xử lý rồi vận chuyển ra nước ngoài, khiến mọi thứ trở nên mơ hồ.
“Ngành này đã tạo ra quá nhiều lớp trung gian”, nhà báo người Ấn Độ Madhavan Pillai nhận xét.
Một số doanh nghiệp đã phối hợp cùng chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để cắt giảm lao động trẻ em khỏi các mỏ đá, đồng thời đưa tuyên bố chống nô lệ lên website. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của nhà báo Romita Saluja, tờ The Guardian, Anh, những nỗ lực này còn rất hạn chế.
Năm 2005, nhà báo Pillai công bố báo cáo về lao động trẻ em trong ngành khai thác, khiến nhiều công ty châu Âu và Anh ngừng nhập đá từ Ấn Độ. Marshalls, một nhà cung cấp vật liệu xây dựng Anh, đã tham gia các sáng kiến chống lao động cưỡng bức, và Giám đốc Chris Harrop của họ sau đó được trao Huân chương Đế chế Anh.

Giấc mơ bị vùi dập
Tuy nhiên, khi nhà báo Romita trở lại bang Rajasthan hồi năm 2023, lao động trẻ em vẫn còn. Ở Ấn Độ, trẻ em dưới 14 tuổi bị cấm làm những công việc nguy hiểm như khai thác mỏ. Vì vậy, khi nhận chế tác đá, các em đều phải tuân theo một lệnh cấm là không được hé nửa lời với bất kỳ ai.
Ngay ngày đầu tiên nhà báo Romita tới Budhpura, trẻ em đều trốn đi. Tuy nhiên, sau đó, một số nhân công thừa nhận họ được các doanh nghiệp cảnh báo không được tiếp xúc với người ngoài, không được tiết lộ có trẻ em trong nơi làm việc.
Khi việc bóc lột lao động bị phanh phui, các doanh nghiệp chuyển việc từ mỏ vào tận làng, biến nhà dân thành “xưởng đá” ngoài trời. Điểm chung của lao động trẻ em nói riêng và lao động địa phương nói chung là lương thấp, làm việc cực nhọc, đầy thương tích.
Sonu và những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi ngày ngày cầm búa đập đá thay vì cắp sách đến trường. Có khả năng, những viên đá lát vỉa hè đang được ưa chuộng ở Anh và châu Âu là kết quả từ lao động trẻ em.
Ông Dilip Singh, Chủ tịch Công đoàn mỏ đá, cho biết nhiều chủ mỏ vẫn gián tiếp sử dụng lao động trẻ em bằng cách bán đá cho doanh nghiệp chế biến thuê trẻ em làm việc.
Trong khi đó, ông Akshaydeep Mathur từ Liên đoàn Khai khoáng bang Rajasthan, thừa nhận có thể có trẻ từ 14 - 18 tuổi giúp việc nhẹ, nhưng phủ nhận lao động trẻ em phổ biến và cho rằng phần lớn công việc hiện đã cơ giới hóa.
Từ tháng 9/2023 - 1/2024, ông Romita nhiều lần liên hệ với các cơ quan chính phủ Ấn Độ về tình trạng này nhưng không nhận được phản hồi. Marshalls cho biết, công ty đã siết chặt chuỗi cung ứng từ 2006 và tiếp tục kiểm soát chặt việc chống lao động trẻ em.
Năm 2019, chính quyền bang Rajasthan hỗ trợ tài chính cho nạn nhân bệnh bụi phổi silic, nhưng tiền chủ yếu dùng để trả nợ và chi phí y tế, không giúp họ rời khỏi ngành. Các gia đình như mẹ con Amar và Pooja phải làm việc để sống, dù biết rủi ro bệnh tật.
Trẻ em lao động trong điều kiện nguy hiểm do thu nhập cha mẹ quá thấp. Các nhà hoạt động cho rằng, muốn xóa lao động trẻ em cần nâng lương người lớn hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, nông nghiệp không phải là lối thoát vì hầu hết công nhân đều là dân di cư không đất.
Nhiều công nhân mong có nhà ở, chăm sóc y tế thay vì đóng cửa ngành đá. Nhưng nếu chi phí tăng, sản phẩm khó cạnh tranh, họ lại rơi vào thế khó. Những đứa trẻ như Amar và Sonu vẫn mơ ước học hành và chơi đùa, dù thực tế buộc các em phải lao động.