Đây là đức tính trẻ cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ, giúp trở thành người biết nhìn nhận bản thân một cách đúng mực, không khoe khoang và luôn sẵn sàng học hỏi từ người khác.
Việc “khoe” của trẻ có thể đến từ nhu cầu được công nhận, được chú ý hoặc bắt chước một ai đó. Vì vậy, phụ huynh cần thấu hiểu nhu cầu của trẻ, giúp định hướng để con phát triển sự tự tin, nhưng không kiêu ngạo.
Hệ lụy khi tự tin thái quá
Giacomo Puccini (1858 - 1924) được biết đến là một nhà soạn nhạc thiên tài người Italy. Những buổi công diễn của ông luôn được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Có một lần, vở nhạc kịch “Tosca” của ông được công diễn chỉ một đêm tại nhà hát thành phố khiến những người hâm mộ Puccini nô nức mua vé tới xem, cả khán phòng không còn một chỗ trống. Puccini lặng lẽ trà trộn vào đám đông khán giả cùng với một người bạn. Trong suốt buổi diễn, mặc cho khán giả vỗ tay rào rào sau khi kết thúc mỗi trường đoạn, Puccini vẫn ngồi im như tượng, thậm chí tỏ vẻ khinh thường. Thái độ của ông khiến người phụ nữ ngồi bên cạnh rất khó chịu.
Khi kết thúc vở nhạc kịch, tất cả khán giả đứng hết cả dậy, tiếng vỗ tay vang như sấm. Riêng Puccini vẫn ngồi im như cũ. Người phụ nữ quay sang Puccini hỏi: “Ông không thấy vở nhạc kịch này hay à?”. Puccini gật đầu trả lời: “Tôi không thích lắm, trong vở nhạc kịch có những chỗ không ổn chút nào”. Người phụ nữ lại hỏi: “Chắc ông là một khán giả quá khó tính, tôi thấy đó đều là ý đồ của tác giả mà”.
Puccini lắc đầu: “Tôi thì thấy đó là một sự bắt chước, bà không thấy vở nhạc kịch có mang hơi hướng của Molière (nhà viết kịch người Pháp (1622 - 1673)) sao? Rồi hợp xướng thì kéo dài quá, hoạt cảnh thì thiếu sinh động, nói chung tôi thấy vở nhạc kịch không có gì đặc sắc cả”. Người phụ nữ khó chịu nhìn Puccini rồi đứng lên bỏ đi. Người bạn ngồi cạnh nghe xong câu chuyện liền quay sang bảo: “Cậu đã nói vở nhạc kịch của cậu là hoàn hảo, không có một sai sót nào cơ mà, sao vừa rồi lại tự chê bai mình thế?”. Puccini nhún vai trả lời: “Tất nhiên là vậy rồi, vì tôi là người khiêm tốn mà”.
Sáng hôm sau, trên tất cả các báo đều có bài viết về “Tosca”. Người bạn cầm tờ có uy tín nhất Italy mang tới cho Puccini xem. Ông cười ha hả và bảo đó toàn là những lời lẽ tâng bốc, không cần đọc cũng biết họ viết gì. Thế nhưng, người bạn vẫn kiên quyết bắt ông đọc bằng được.
Cầm tờ báo, Puccini ngạc nhiên khi thấy chính những lời bình luận “khiêm tốn” của mình hôm qua đã xuất hiện trong bài viết, dưới có ký tên nhà bình luận kèm ảnh. Đó chính là người phụ nữ hôm qua ngồi cạnh ông trong nhà hát.
Puccini sững sờ: “Hóa ra cô ấy chính là nhà phê bình nhạc kịch nổi tiếng, tôi chỉ nói đùa thôi mà, sao cô ấy có thể đưa chúng lên báo chứ? Thế này thì tôi còn dám nhìn ai nữa?”. Còn người bạn lắc đầu, ôn tồn bảo: “Cậu giả vờ chê bai nhưng là một cách gián tiếp để khen ngợi tài năng của mình, tự tin thái quá nên cậu đã trở nên kiêu ngạo, khinh đời. Mọi người hay nói, một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu. Và tự tin không đúng lúc đúng chỗ thường dẫn đến thảm họa đấy, bạn thân mến ạ”.
Câu chuyện trên được coi là một trong những minh chứng cho thấy, thực tế, khiêm tốn là đức tính quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, không ít người lãng quên đức tính này.
Thậm chí, trong xã hội hiện đại, nhiều phụ huynh chỉ chú trọng tới việc giáo dục con những kiến thức sách vở, mà bỏ qua các kỹ năng, phẩm chất như khiêm tốn. Theo nhiều nghiên cứu, khiêm tốn và thích thể hiện bản thân vốn dĩ là hai đặc điểm tính cách đối lập nhau. Đó cũng là đặc điểm tính cách mà đứa trẻ nào cũng sẽ hình thành trong chặng đường trưởng thành.

Lắng nghe nhu cầu của trẻ
Song, khi Internet và công nghệ ngày càng phát triển, trẻ được tiếp xúc sớm với nhiều nguồn thông tin. Nhiều trẻ có xu hướng “flex”, thích thể hiện, khoe khoang trên thế giới ảo. Thậm chí, nhiều trẻ dù học tiểu học cũng có tính khoe khoang, thể hiện những gì mình có với bạn bè.
Trước những tình huống như vậy, không ít phụ huynh “đau đầu” khi không biết nên có cách hành xử ra sao. Theo các nhà tâm lý học, kiêu ngạo là một yếu tố sẽ cản trở bước đường thành công của trẻ. Bởi, thực tế, không có bất kỳ ai thích làm việc với một người luôn tự xem mình là “trung tâm của vũ trụ”.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS Đinh Văn Mãi - giảng viên Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh), chuyên gia đào tạo kỹ năng, cho biết, thực tế, hành vi “flex” của trẻ em không hẳn là tiêu cực. Do đó, phụ huynh nên tránh những phản ứng như la mắng, chê trách trẻ. Những hành động như vậy sẽ khiến trẻ dễ chống đối hoặc che giấu hành vi.
Thay vào đó, phụ huynh hãy bắt đầu bằng việc hỏi và lắng nghe nhu cầu của trẻ. Việc “khoe” của trẻ có thể đến từ nhu cầu được công nhận, được chú ý hoặc bắt chước một ai đó. Vì vậy, thấu hiểu nhu cầu của trẻ sẽ giúp phụ huynh định hướng để trẻ phát triển sự tự tin, ứng xử với mọi người thay vì phụ thuộc hình ảnh trên mạng xã hội.
“Trong thời đại số, phụ huynh cần chủ động hướng dẫn cho trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn và có trách nhiệm. Hãy cùng thảo luận với trẻ về những quy tắc ứng xử cần có trên mạng xã hội. Đồng thời, chính phụ huynh nên làm gương về đức tính khiêm tốn để trẻ học theo”, ThS Đinh Văn Mãi chia sẻ.
Nói về cách cha mẹ cần giáo dục trẻ về tầm quan trọng của sự khiêm tốn, chuyên gia cho rằng, giáo dục sự khiêm tốn không phải là ép con em mình phải giấu tài năng. Thay vào đó, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thể hiện giá trị bản thân nhưng không phô trương, giúp con trở nên tự tin chứ không kiêu ngạo.

Cần sự đồng hành từ phụ huynh
ThS Đinh Văn Mãi cho biết, việc thường xuyên thích khoe khoang từ nhỏ có thể kéo theo nhiều hệ lụy đối với trẻ. Trẻ dễ bị bạn bè xa lánh, không được yêu quý. Bản thân trẻ có thể bị cô lập, tự tin và thích gây sự chú ý bằng những hành vi tiêu cực. Đặc biệt, khi quen với việc được ca ngợi, được ghi nhận quá mức, trẻ khó chấp nhận những thất bại hay bị phê bình. Điều này khiến trẻ dễ chạy đua với những “vỏ bọc” bề ngoài mà quên đi việc nuôi dưỡng những giá trị thật ở bên trong mỗi người.
Do đó, theo chuyên gia này, cha mẹ có thể đồng hành cùng con trên hành trình nuôi dưỡng sự khiêm tốn bằng việc chia sẻ những câu chuyện, tấm gương sống khiêm nhường. Cha mẹ khen ngợi con đúng cách thông qua việc nhìn nhận quá trình nỗ lực của trẻ, thay vì khen “con giỏi quá”.
“Giáo dục tính khiêm tốn ngay từ sớm sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách vững chắc, biết trân trọng người khác, hiểu giá trị của bản thân và dễ hòa nhập với cộng đồng. Cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp để giáo dục trẻ về sự khiêm tốn. Cụ thể, hãy xây dựng ‘góc khiêm tốn’ trong gia đình để mọi thành viên đều ghi lại những hành động đẹp, những việc tốt. Mỗi cuối tuần, cả gia đình cùng đọc và chia sẻ với nhau”, ThS Đinh Văn Mãi gợi ý.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tạo ra cho trẻ những thử nghiệm như “7 ngày sống khiêm tốn”. Thử thách giúp cả cha mẹ và trẻ cùng thực hành sự khiêm tốn qua những hành động cụ thể như xin lỗi, cảm ơn, giúp đỡ người khác. Thông qua đây, cha mẹ cũng sẽ làm gương để con noi theo.
Phụ huynh cũng có thể tạo không gian thúc đẩy văn hóa đọc trong gia đình. Từ đó, để mọi thành viên có nhiều thời gian cho nhau hơn, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Cha mẹ có thể đọc, chia sẻ các câu chuyện về những người không phô trương, sống giản dị nhưng được người khác yêu mến.
“Giáo dục sự khiêm tốn không phải là dạy con cách hạ thấp mình, mà là giúp trẻ hiểu giá trị thật đến từ cách ứng xử, cách sống của mọi người, không phải đến từ việc hơn người khác”, ThS Đinh Văn Mãi chia sẻ.
Không phải ai cũng biết về lịch sử ra đời và quá trình hoàn thiện của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Theo tài liệu của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (15/5/1941 - 15/5/1961), Bác gửi thư chúc mừng và ân cần động viên, căn dặn các cháu thiếu niên, nhi đồng 5 điều. Trong đó, “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” luôn là những yếu tố quan trọng, giúp định hình nhân cách và góp phần vào thành công của trẻ. Đặc biệt, khiêm tốn giúp mở ra cánh cửa thành công cho trẻ trong tương lai.