Vì sao ư? Vì nó vô cùng yêu cái màu đỏ thắm tươi ấy, yêu ngay từ lần đầu nhìn thấy anh trai lên lớp 3 mang khăn quàng trên vai, hớn hở khoe với ông bà, bố mẹ rằng đã được vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. “Cả lớp chỉ có 3 bạn được kết nạp Đội vì chăm ngoan và có thành tích xuất sắc”, anh nó nói trong tiếng cười giòn vang.
Thực ra, năm đó mới 5 tuổi nên nó không quá để ý đến câu nói, ánh mắt cười vui của anh mà chỉ chăm chắm vào chiếc khăn màu đỏ nổi bật trên áo đồng phục trắng và cứ bay phấp phới trước những luồng gió quạt điện thổi vù vù. Bám sát chân anh trở về nhà, nó níu anh ngồi xuống để có thể chạm vào chiếc khăn màu đỏ ấy.
“Nó được gọi là khăn quàng đỏ, cô Tổng phụ trách tặng cho anh và các bạn khi trở thành đội viên đấy. Nhớ là, chỉ những ai chăm học, chăm làm, vâng lời cha mẹ, thầy cô thì mới được chọn kết nạp Đội đợt đầu tiên. Sau này đi học cũng cố gắng như anh nhé. Khăn quàng đỏ đẹp nhỉ, có muốn đeo thử không?”, anh nó được dịp vừa khoe thêm vừa tháo khăn ra rồi quàng vào cổ cho đứa em dù còn bé bỏng nhưng lúc nào cũng như ông cụ.
Nhưng là đội viên mới toanh nên anh nó chưa biết gập, thắt khăn quàng như thế nào, cứ lúng ta lúng túng. Lúc ở trường, cô giáo có hướng dẫn nhưng lúc đó anh nó chỉ nhớ mỗi việc cười tít mắt vì hãnh diện, sung sướng nên về đến nhà thì không còn nhớ gì nữa.
Thế là mẹ bước tới. Mẹ nhẹ nhàng dạy hai anh em cách gập nếp đến đâu là vừa rồi thắt thế nào để không bị nút lại, hai đuôi phải so le, mở to... Mẹ bảo, việc này rất quan trọng vì không chỉ làm đẹp, mà còn là thực hiện nghi thức Đội sao cho chính xác, nhanh gọn. Hai anh em nó cứ tròn mắt mà nhìn, vểnh tai mà nghe rồi lúng túng thực hành.
Phải mất khá nhiều lần làm đi, làm lại thì chúng mới vượt qua bài học ấy, vậy mà chẳng đứa nào tỏ vẻ chán nản hay đòi bỏ cuộc như những việc khó khác. Nhờ đó mà anh nó đã có thể tự thắt khăn quàng cho mình rồi cho nó và để mặc đứa em vui đùa, nhảy nhót suốt buổi tối. Cái màu đỏ bay bay ngay trên vai cứ thế mê hoặc hai anh em.
Đã thế mẹ còn kể thêm câu chuyện về chiếc khăn quàng đỏ của những năm 1980 đầy kỳ bí. Ngày đó, đội viên nào cũng nâng niu, gìn giữ khăn quàng đỏ như một… “báu vật”, có khi trở thành người bạn đồng hành suốt những tháng năm học cấp 1, cấp 2. Mẹ giải thích thêm rằng, ngoài việc để khẳng định “đẳng cấp” của một đội viên xuất sắc thì sự giữ gìn này còn vì loại vải hình tam giác cân được nhuộm đỏ làm khăn quàng của ngày ấy rất dễ mục, rách và nhăn nhúm.
Mãi sau này mới có vải valise vừa giữ màu vừa bền và ít quăn. “Như ỷ lại vào điều đó mà bây giờ có học sinh rất hay đánh mất khăn quàng đỏ hoặc chưa thực sự gìn giữ, nâng niu… Việc này không chỉ gây lãng phí, phản cảm, mà còn cho thấy các bạn ấy chưa thực sự trân trọng sự trưởng thành của chính mình. Vậy nên, các con đừng vui mừng, hãnh diện khi được vào Đội được vài hôm rồi lại sao nhãng nhé”, mẹ dặn dò.
Sáng đầu tiên anh nó đi học khi đã trở thành đội viên cũng rất khác biệt. Anh dậy sớm và tự giác vệ sinh cá nhân rồi nhanh chóng ngồi vào bàn ăn sáng chứ không phải chờ mẹ giục như mọi khi. Mẹ nháy mắt với nó: “Đội viên mới có khác…”.
Lúc anh đem ba lô ra soạn sách vở là nó nhanh nhảu mang khăn quàng đỏ đến, thì thầm: “Anh đeo đến trường còn lúc ở nhà em đeo nhé!”. “Đã là đội viên đâu mà đòi…”, anh nó bĩu môi. “Em tập trước, lên lớp 3 em cũng là đội viên đầu tiên của lớp như anh!”, nó vẫn khăng khăng…
Nó đã giữ lời hứa ấy một cách chuẩn chỉnh, thậm chí còn xuất sắc hơn khi trong lễ kết nạp vào Đội còn được nhà trường cử lên đọc lời hứa quyết tâm. Hôm ấy, nó hân hoan lắm vì đây mới là những tháng ngày nó chính thức được đeo khăn quàng đỏ chứ không phải theo kiểu giả dụ từ việc mượn của anh nữa.
Chiều ấy đi học về, nó cũng khoe tưng bừng với ông bà, bố mẹ. Riêng với anh, nó còn to nhỏ kể lại giây phút lên bục có hồi hộp một chút nhưng sau đó chỉ còn lại niềm vui dâng trào hòa cùng bài “Đội ca” do nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác: “Khăn quàng đỏ tươi là của Bác trao cho mình,/Biết bao tự hào Đội Hồ Chí Minh quang vinh.//Nhớ năm điều của Bác ngời ánh sáng,/Nhớ những lời di chúc đầy yêu thương,/Những cháu ngoan Bác Hồ nối nghiệp Đảng tiên phong,/Xây nước non đời đời sáng tươi huy hoàng”.
Năm đó, nó học lớp 3 còn bây giờ đã sắp thi vào 10. Vậy là, trong suốt hơn 6 năm qua, khăn quàng đỏ luôn tung bay trên vai cùng nó đến trường miệt mài học tập, rèn luyện và phương trưởng. Với không ít thành tích đạt được, mấy tháng trước nó vinh dự là đại biểu dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của thành phố.
Vậy mà giờ đây nó sắp tiến lên Đoàn. Vẫn là niềm vinh dự khi là một trong số ít thành viên đầu tiên của lớp được kết nạp Đoàn song khi phải tạm biệt khăn quàng đỏ, lòng nó không khỏi bâng khuâng, lưu luyến. Thế rồi điều đó được hóa giải khi mẹ tới bên.
Sau câu đùa, vậy là từ nay mẹ không còn phải tức mắt khi nhìn thấy có hôm gần như cả lớp không ai đeo khăn quàng đỏ mà chỉ có con mẹ và một hai bạn khác mang trên vai, mẹ siết chặt tay nó chúc mừng: “Đây tiếp tục là niềm vinh dự, tự hào của người đội viên. Khi được vinh dự mang trên vai khăn quàng đỏ thắm, con đã không ngừng học tập, rèn luyện và trưởng thành để được ghi nhận. Dù bước lên Đoàn nhưng con vẫn có thể giữ chiếc khăn đặc biệt này làm kỷ niệm để luôn nhớ về những tháng năm được là đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh!”.