Thế hệ kỹ sư mới - “kỹ sư 57”
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết: Ngay trong tháng 5 này, nhà trường bắt đầu triển khai khóa đào tạo đầu tiên của chương trình “Kỹ sư 57”.
Chương trình tập trung vào việc rèn luyện các kỹ năng thiết yếu: Làm chủ công nghệ, vận hành hệ thống số hóa, quản trị công và tổ chức thực thi các dự án chuyển đổi số.
Nhân lực sau đào tạo có thể tham gia hỗ trợ các cơ quan nhà nước, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW cũng như các nghị quyết khác.
Đây là lực lượng tinh nhuệ, sẵn sàng đồng hành cùng lực lượng chủ lực để “tác chiến” trên mặt trận chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT cũng chính thức đào tạo chuyên ngành Chuyển đổi số. Các tân sinh viên nhập học năm học 2025-2026 sẽ là thế hệ đầu tiên của ngành này. Môn học chuyển đổi số cũng được đưa vào chương trình đào tạo cho sinh viên tất cả các chuyên ngành và triển khai từ 9/2025.
“Có thể nói, từ rất sớm, Trường Đại học FPT đã rất nhanh chóng vào cuộc, sẵn sàng đóng góp vào việc thực thi Nghị quyết 57 bằng năng lực đào tạo, định hướng và hành động cụ thể. Thông qua đó, sinh viên trường cũng trở thành nguồn nhân lực chiến lược cho sự phát triển vươn mình của quốc gia”, ông Lê Trường Tùng chia sẻ.

“Đối với VietinBank, nếu đặt câu hỏi: “Kỹ sư 57 trong lĩnh vực ngân hàng cần gì?” – thì cho phép tôi chia sẻ ngắn gọn rằng thách thức lớn nhất hiện nay chính là nhân lực”.
Khẳng định điều này tại tọa đàm “Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi nghị quyết 57-NQ/TW” do Tập đoàn FPT phối hợp các bộ ban ngành, đơn vị tổ chức, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng Quản trị VietinBank cho biết:
Chúng tôi đang rất thiếu nhân sự có năng lực về AI, điện toán đám mây (cloud), và an ninh mạng - những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng.
Về tư duy quản trị và vận hành, đội ngũ hiện tại còn thiếu kiến thức về các phương pháp hiện đại như Agile và Design Thinking – những tư duy đặc biệt quan trọng trong môi trường đổi mới và chuyển đổi nhanh chóng.
Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai mô hình ngân hàng số, nhà máy số, nơi đòi hỏi không chỉ hạ tầng công nghệ mà cả năng lực con người phù hợp.
Vì vậy, theo tinh thần Nghị quyết 57, một cán bộ ngân hàng thế hệ mới – hay còn gọi là “kỹ sư 57”, theo ông Lê Thanh Tùng, cần hội tụ ba yếu tố sau:
Về tri thức: Có kiến thức nền tảng và cập nhật về công nghệ số (tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây); có năng lực ngoại ngữ, để hội nhập và tiếp cận tri thức quốc tế.
Về quản trị: Biết quản trị bản thân, quản lý đội nhóm, và tiến tới quản trị tổ chức một cách hiện đại, dựa trên dữ liệu và minh bạch.
Về năng lực cá nhân: Có khả năng tự học suốt đời, thích nghi linh hoạt với môi trường biến động, và đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo.
“Nếu không liên tục rèn luyện những năng lực này, chúng ta sẽ không thể đáp ứng được tốc độ phát triển của thế giới”, ông Lê Thanh Tùng cho hay.

Cần nhân sự am hiểu khoa học công nghệ chuyên sâu
Cũng chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết:
Khi nói về Nghị quyết 57, cần đặt ra ba nhóm vấn đề chính: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong cả khu vực công và tư, chúng ta cần đánh giá rõ: Thiếu năng lực ở đâu, thiếu loại người như thế nào?
Nhóm nhân sự am hiểu khoa học công nghệ chuyên sâu hiện đang rất thiếu. Những năm gần đây, chủ đề mới như giảm phát thải, chuyển đổi xanh nổi lên mạnh mẽ, nhưng đội ngũ chuyên gia và nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đủ đáp ứng.
Trong chuyển đổi số, dù có lực lượng công nghệ thông tin khá dồi dào; nhưng khi bước vào các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, vẫn thiếu lực lượng phù hợp.
Ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, lại thiếu những người quản lý “có nghề” - tức là quản lý có chiều sâu chuyên môn, hiểu chuyển đổi số và cần được trang bị kiến thức, kỹ năng mới trong bối cảnh vận hành hiện đại.
Khu vực công đứng trước áp lực chuyển đổi mạnh mẽ, nhưng đang thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực. Các khái niệm như “quản trị dựa trên dữ liệu”, “lấy người dân làm trung tâm” đang được đưa ra, nhưng câu hỏi là: Nguồn nhân lực nào sẽ thực hiện các chiến lược đó?
“Thực tế là, lâu nay chúng ta đặt gánh nặng chuyển đổi số lên vai lực lượng công nghệ thông tin, nhưng nay mới thấy thiếu trầm trọng nhóm chuyên tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ - yếu tố sống còn trong bất kỳ chuyển đổi nào”.
Nhấn mạnh điều này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy đề xuất ba nhóm “kỹ sư 57” cần được đào tạo và phát triển, đó là:
Kỹ sư khoa học công nghệ chuyên ngành - những người hiểu sâu ngành, như ngân hàng, logistics, sản xuất…
Nhà quản trị và quản lý thông minh - biết ứng dụng dữ liệu và công nghệ để ra quyết định, quản lý hiện đại.
Chuyên gia phân tích nghiệp vụ (BA) - kết nối giữa quy trình, dữ liệu và công nghệ, hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống vận hành.
“Đây là những lực lượng nòng cốt nếu chúng ta muốn thực thi Nghị quyết 57 một cách thực chất và hiệu quả”, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ nhấn mạnh.