Mệt mỏi vì polyp tái phát nhiều lần
Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên phó giám đốc Bệnh viện K cho biết ông gặp những bệnh nhân bị đại tràng cả hết đoạn ruột già này. Có những bệnh nhân bác sĩ phải cắt hết ruột già và đem đi giải phẫu tế bào học để tìm tế bào ác tính.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Tân trú tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc thường hay bị đau bụng, gần đây còn bị tiểu bị ra máu đen.
Ông đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ chụp CT scan phát hiện có nhiều polyp nhưng những hạt ngô bám vào chi chít quanh cả đoạn đại tràng dài 2 mét.
Sau khi khám, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên cắt bỏ đại tràng vì nhiều polyp đã phát triển lở loét có thể ung thư hóa rất cao. Ông Tân và gia đình đang rất lo lắng chưa biết thế nào.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hải (tên nhân vật đã thay đổi) bị polyp đại tràng đã hơn chục năm nay.
Chị Hải cho biết khi chị còn nhỏ bố chị đã mất vì căn bệnh ung thư trực tràng nên khi bác sĩ chẩn đoán chị bị polyp đại tràng có thể gây ung thư, gia đình chị rất hoang mang.
Mắc căn bệnh này khiến chị Hải mệt mỏi, rơi vào stress vì cứ cắt polyp lại tái phát là mỗi lần tái phát lại mọc rộng như chùm sung. Nhìn trên phim chụp chị Hải còn giật mình không nghĩ sao ruột của mình lại có những khối polip khủng như thế.
Chị Hải được bác sĩ tư vấn cắt bỏ hết đoạn đại tràng và phẫu thuật nối thẳng ruột non xuống trực tràng. Khi phẫu thuật như này, số lần đi đại tiện trong ngày có thể tăng lên nhưng đây là cách duy nhất chữa căn bệnh này của chị.
Chị Hải đã đồng ý vì chị và gia đình đã quá mệt mỏi. Dù không có triệu chứng điển hình, chỉ khi nào nặng mới đau và đi ngoài ra dịch đen gây bất tiện cho người bệnh.
Sau khi cắt hết đoạn đại tràng, gia đình chị Hải đưa đến Bệnh viện K để giải phẫu tế bào học. Rất may, chùm polyp như chùm sung u to, u nhỏ có u đã loét ra như chiếc nhọt viêm nhiễm. Bác sĩ sinh thiết tế bào học không phát hiện tế bào ác tính.
Không may mắn như chị Hải, ông Cao Văn Chung trú tại Thái Bình đi kiểm tra sức khỏe bác sĩ phát hiện ông bị đa polyp. Các polip chạy dài từ đầu đến hết đại tràng.
Dù chưa gây biến chứng cho bệnh nhân nhưng nội soi cắt những khối polyp to đi xét nghiệm tế bào học xuất hiện ung thư đại tràng. Bác sĩ khuyên ông nên cắt bỏ hết đại tràng. Đoạn đại tràng của ông Chung chằng chịt những polip từ trong thành ruột đến cả bên ngoài.
Ung thư từ khối polyp
Bác sĩ Căn cho biết có rất nhiều trường hợp bị đa polyp có thể chuyển thành ung thư chỉ từ 1- 10 % nhưng tầm soát ung thư cắt đi vẫn là tốt nhất vì các khối polyp to loét, vỡ ra có thể gây viêm nhiễm sinh ra nhiều tế bào khác trong đó có thể xuất hiện tế bào ác tính.
Các bác sĩ đều khuyến cáo nếu gia đình có anh em, có bố mẹ tiền sử bị polyp và ung thư đại tràng thì người đó cần phải theo dõi và tầm soát các khối polyp để ngừa ung thư hóa từ nó.
Khi bị đa polyp bệnh có thể tái phát cai. Theo nghiên cứu sau 3 năm kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu, khả năng tái phát polyp là 25 đến 30%.
Một số polyp có thể đã hiện diện trong lần nội soi trước nhưng bị bỏ sót vì quá nhỏ. Một số khác mới vừa hình thành sau này. Do đó sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 đến 5 năm.
Nguyên nhân gây polip chưa được xác định chính xác nhưng có thể kể đến các yếu tố nguy cơ như sau: chế độ ăn nhiều chất béo; ăn nhiều thịt đỏ; ăn ít chất xơ; hút thuốc lá; béo phì, dùng dùng aspirin…
Ngoài ra, polyp và ung thư đại tràng thường xảy ra trong cùng một gia đình, điều này cho thấy nhân tố gia đình cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng.
Tất cả các trường hợp polyp và ung thư đại trực tràng xảy ra trong gia đình cần phải thảo luận với thầy thuốc, nhất là khi ung thư xảy ra ở người trẻ, liên hệ huyết thống gần hoặc xảy ra ở nhiều thành viên trong cùng một gia đình.