Các bệnh viện cũng thiếu đầu tư cho lĩnh vực này. Điều đó dẫn đến bác sĩ gây mê nhận lương chưa tương xứng với cống hiến, phải làm việc quá giờ, không được bồi dưỡng chuyên môn.
Kiệt sức vì công việc
Tháng 11/2019, Jiang Jinjian - bác sĩ gây mê 30 tuổi làm việc tại Bệnh viện Ruijin, Thượng Hải, đột ngột qua đời vì ngừng tim. Bốn tháng sau, Dong Tian, 29 tuổi, bác sĩ gây mê tại tỉnh Hồ Bắc, qua đời vì đột quỵ. Sau đó, hai bác sĩ gây mê khác đột ngột ra đi mãi mãi trong khi đang làm việc.
Những cái chết thương tâm này làm nổi bật ba thách thức lớn mà các bác sĩ gây mê tại Trung Quốc đang phải đối mặt gồm yêu cầu kỹ thuật cao, rủi ro cao và khối lượng công việc lớn. Mặc dù, nhu cầu về dịch vụ gây mê ngày càng tăng, nghề này vẫn bị các bệnh viện, nhất là ở tuyến dưới, xem nhẹ.
Trong những năm qua, sự phát triển của các thủ thuật hỗ trợ gây mê như nội soi đường tiêu hóa, gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ, đã khiến vai trò của bác sĩ gây mê ngày càng quan trọng đối với y học hiện đại. Theo nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí y học Lancet, từ năm 2015 - 2017, khối lượng công việc của bác sĩ gây mê ở Trung Quốc đã tăng hơn 10% hàng năm. Ngược lại, số lượng bác sĩ gây mê chỉ tăng 6% trong cùng kỳ.
Tại Trung Quốc, bệnh viện công chia thành ba hạng, trong đó hạng 3 là cao nhất. Mỗi hạng được chia thành ba cấp A, B, C theo cơ quan y tế từng khu vực. Mức độ và cấp càng cao thì bệnh viện càng tân tiến và được trang bị tốt hơn.
Ông Liang Wen - Trưởng khoa gây mê tại một bệnh viện hạng 2 tại tỉnh Thanh Hải cho biết: “Gây mê giống như một nền tảng cơ bản, hỗ trợ phẫu thuật tổng quát, chỉnh hình và các khoa khác.
Nó có thể được ví như một tàu sân bay với các khoa khác là đơn vị chiến đấu. Một cách tự nhiên, bệnh viện sẽ hỗ trợ các ‘đơn vị chiến đấu’ trước so với đơn vị nền tảng. Đó là lý do tại sao các bệnh viện nhỏ thường bỏ qua lĩnh vực gây mê”.
Công việc bị xem nhẹ
Theo quan điểm y học truyền thống, gây mê không chiếm vị trí quan trọng tại các bệnh viện Trung Quốc. Trở lại năm 1989, Bộ Y tế Công cộng đã yêu cầu chuyển đổi các đơn vị gây mê từ khoa công nghệ y tế sang khoa lâm sàng nhưng việc triển khai còn hạn chế.
Đến cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, các trường y Trung Quốc mới bắt đầu đào tạo ngành gây mê. Nhiều bệnh viện nếu thiếu bác sĩ gây mê sẽ đào tạo bác sĩ lâm sàng để làm gây mê thay vì tuyển dụng trực tiếp.
Chỉ 38% bệnh viện hạng 2 và 24,7% bệnh viện hàng 1 có khoa gây mê độc lập. Trong khi các khoa lâm sàng trực tiếp quản lý việc tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, các khoa công nghệ y tế như gây mê được coi là “phi lâm sàng” nên chỉ hỗ trợ.
Còn các khoa lâm sàng có thể tạo ra doanh thu thông qua dịch vụ ngoại trú, các khoa gây mê hoàn toàn phụ thuộc vào quy trình của khoa lâm sàng nên họ phải sống “kí sinh” vào các khoa khác.
Ông Yang He - bác sĩ gây mê tại một bệnh viện cấp huyện ở tỉnh Quảng Đông lưu ý, dù là một khoa hỗ trợ song khoa gây mê được giao nhiệm vụ tạo doanh thu như các khoa khác, đồng thời chịu chi phí đáng kể.
Khoa phải cung cấp vật tư cho các ca phẫu thuật nhưng không được nhận phí phẫu thuật. Tương tự, khi khoa của bác sĩ Yang He yêu cầu thiết bị chuyên dụng, bệnh viện trả lời là khoa lâm sàng sẽ được ưu tiên.
Việc phân bổ nguồn lực chưa đồng đều như trên đặc biệt thường xuyên xảy ra với các bệnh viện tuyến dưới, gây bất lợi cho hoạt động và sự phát triển của khoa gây mê. Zhang Huixian - bác sĩ gây mê tại một bệnh viện cấp huyện ở tỉnh Hồ Nam, cho biết cơ sở của cô thiếu thiết bị gây mê ngoại trú và phòng phẫu thuật thiếu thiết bị hiện đại. Trong nhiều năm, khoa gây mê đã yêu cầu nhiều loại thuốc chuyên khoa như thuốc giãn cơ tác dụng nhanh, thuốc gây mê dành cho người cao tuổi, nhưng không thành công.
Áp lực khổng lồ
Theo tạp chí Lancet, bác sĩ gây mê tại các bệnh viện hạng 3 ở Trung Quốc phải thực hiện trung bình gần 600 ca mỗi năm, trong khi các bác sĩ hạng 1 hoặc hạng 2 xử lý khoảng 300 ca. Dù vậy, áp lực của họ khá giống nhau. Các bệnh viện lớn có khối lượng công việc khổng lồ còn các bệnh viện nhỏ hơn thiếu nhân sự.
Năm 2018, nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm Ủy ban Y tế quốc gia, đã cùng nhau ban hành hướng dẫn giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ gây mê của Trung Quốc. Các cơ sở lớn như Trung tâm Gây mê và Phẫu thuật của Bệnh viện Tây Trung Quốc đang tuyển dụng hơn 1,3 nghìn nhân viên, bao gồm giám sát viên và điều dưỡng.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng không hề đơn giản bởi lẽ gây mê không phải một ngành đào tạo được coi trọng và không thu hút đông sinh viên như các lĩnh vực khác như Y đa khoa, Răng hàm mặt…
Chính vì vậy, bác sĩ gây mê luôn nằm ở trong mức thiếu hụt. Nguyên nhân của việc thiếu tuyển dụng và thiếu đào tạo đến từ thực trạng cuộc sống lẫn đường hướng phát triển của bác sĩ gây mê ở Trung Quốc có nhiều trở ngại.
Các bác sĩ gây mê bệnh viện tuyến dưới phải đối mặt với rủi ro cao khi làm thủ thuật gây mê. GS Yao Shanglong – Trưởng khoa gây mê tại Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán cho biết, trong khi các bệnh viện lớn đã đạt tiêu chuẩn an toàn quốc tế, các cơ sở nhỏ hơn vẫn gặp phải các sự cố bất lợi do thiếu nhân sự, làm việc quá sức, đào tạo không đầy đủ và điều kiện không đạt chuẩn.
Một vấn đề là các bác sĩ gây mê phải chịu căng thẳng kéo dài. Ví dụ, một ca phẫu thuật sọ não có thể kéo dài 5 – 6 giờ, đôi khi là 7, 8 giờ đồng hồ và bác sĩ gây mê phải quan sát các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân không lơ là dù chỉ một phút để không phát sinh bất kỳ vấn đề nhỏ nào. Ngoài ra, bệnh viện tuyến dưới chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân lớn tuổi, thường mắc nhiều bệnh lý, làm tăng nguy cơ gây mê.
Tiền lương không đáp ứng được điều kiện việc làm khắt khe và khối lượng công việc khổng lồ như vậy. Hiện nay, lương của bác sĩ gây mê gồm lương cơ bản và phí gây mê phẫu thuật. Nhiều bác sĩ gây mê ở bệnh viện hạng thấp có thu nhập từ thấp đến trung bình hoặc chỉ bằng một nửa lương của bác sĩ phẫu thuật, không tính tiền nghỉ lễ hoặc làm thêm giờ.
Thiếu bồi dưỡng
Những năm gần đây, công nghệ hình ảnh y tế và nội soi được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc, trong đó có xu hướng gây mê lâm sàng hướng tới tự động hóa và hình ảnh kỹ thuật số.
Trong khi một số bệnh viện đã bổ sung trang thiết bị cách đây gần 10 năm, nhiều bệnh viện tuyến dưới vẫn thiếu các công cụ hình ảnh siêu âm. Nhiều bác sĩ không được bồi dưỡng liên tục nên thiếu kiến thức y khoa hiện đại và chưa áp dụng các công nghệ mới.
Công nghệ y tế tiên tiến đòi hỏi phải học hỏi liên tục, nhất là với ngành gây mê. Bác sĩ gây mê cần kiến thức rộng hơn các chuyên ngành khác vì họ không thể dễ dàng tham khảo ý kiến đồng nghiệp trong quá trình thực hiện thủ thuật. Họ phải hiểu tất cả các cơ quan và hệ thống trong cơ thể để xử lý mọi trường hợp khẩn cấp.
Nhưng cơ hội tham gia các khóa học bồi dưỡng và đào tạo lại đang thiếu. Ông Liu Chunyuan - Phó khoa gây mê tại Bệnh viện Nhân dân Liangping (Trùng Khánh) cho biết: “Các bác sĩ gây mê trong độ tuổi 40 – 50 chỉ có một đến ba cơ hội học thêm. Có trường hợp không ai đăng ký vì chỉ được nhận lương cơ bản trong thời gian đào tạo”.
Dù bác sĩ gây mê sẵn sàng tham gia đào tạo, tình trạng thiếu hụt nhân sự vẫn tạo ra nhiều trở ngại. Khoa gây mê tại Bệnh viện Nhân dân hạng 2 Trùng Khánh, nơi anh Xie Xinlong, công tác chỉ có ba bác sĩ gồm bác sĩ gây mê trực ca, bác sĩ hành nghề và điều dưỡng. Nhận ra nguy cơ tụt hậu nếu không được đào tạo liên tục nhưng Xie biết khoa anh sẽ không thể hoạt động nếu nhân sự đi đào tạo.
Một số bác sĩ gây mê tại bệnh viện tuyến dưới đã bắt đầu nỗ lực chia sẻ nguồn lực để giải quyết với thách thức về kỹ thuật, Năm 2011, ông Liu thành lập Mạng lưới gây mê tại các bệnh viện tuyến dưới và tạo ra nền tảng giáo dục gây mê trực tuyến miễn phí đầu tiên tại Trung Quốc. Ông thường mời các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm trực tuyến.
Ngoài ra, khoa của bác sĩ Liu đang triển khai dịch vụ gây mê ngoại trú. Điều này nhằm cải thiện việc đánh giá bệnh nhân và hiểu biết của công chúng về bác sĩ gây mê và rủi ro gây mê. Đây cũng là chìa khóa cho hiệu suất chung của bệnh viện. “Gây mê quyết định mức phát triển của bệnh viện, giống như một tòa nhà chọc trời cần có nền móng vững chắc để hỗ trợ”, ông Liu Chunyuan nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc đầu tư cho lĩnh vực gây mê nói chung và đào tạo bác sĩ gây mê là đặc biệt quan trọng. Chính phủ và ngành y tế cần quan tâm hơn đến việc đầu tư cho lĩnh vực gây mê và phúc lợi cho bác sĩ gây mê.
Điều này giúp nền y học được phát triển mạnh mẽ và đáp ứng những yêu cầu tân tiến của xã hội hiện nay, đồng thời giúp việc đào tạo bác sĩ gây mê thu hút đông đảo người trẻ, mở rộng nguồn nhân lực tài năng cho quốc gia.
Ngược lại, nếu không chú trọng lĩnh vực này, đất nước sẽ thiếu hụt bác sĩ gây mê, gây sức ép lên các bệnh viện và khả năng triển khai các công nghệ mới trong lĩnh vực y tế.